Hoạt động học thuật

Chuỗi workshop phương pháp học đại học dành cho sinh viên năm 1 - Khoa Quan hệ quốc tế

22/10/2021
Các bạn sinh viên năm nhất có thể đứng trước nhiều thắc mắc: “Thầy/Cô giảng nhiều quá, lúc thi biết ôn gì đây? Nên viết thế nào cho đúng?” “Tại sao thầy/cô kêu mình đọc nhiều như vậy để làm gì?” Thấu hiểu được tâm lý này, Khoa Quan hệ Quốc tế - UEF tổ chức chuỗi Workshop "Phương pháp học Đại học" nhằm mục đích trang bị cho sinh viên năm I những kiến thức và kỹ năng cơ bản của việc học tập ở bậc đại học; phân biệt sự khác nhau giữa môi trường học tập ở các bậc học phổ thông và bậc học đại học & hiểu rõ môi trường học tập ở bậc đại học; nắm được các phương pháp học tập và kỹ năng cần thiết ở bậc đại học. Chuỗi Workshop gồm 04 buổi, buổi đầu tiên đã diễn ra vào lúc 18g30 ngày 21/10/2021 bằng hình thức trực tuyến qua nền tảng Zoom với chủ đề: “Giới thiệu chung về môi trường ở bậc Đại học”


Sự kiện có sự tham gia của BCN. KQHQT, sự hướng dẫn trực tiếp của TS. Đào Minh Hồng, Phó Trưởng Khoa, Khoa Quan hệ Quốc tế, GV-NV và các bạn sinh viên năm I của nhà IR năm học 2021-2022. Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của ThS. Lê Ngọc Thảo Nguyên, Nghiên cứu sinh tại Đại học Nottingham. Nội dung chính của buổi tập huấn tập trung vào việc hướng dẫn sinh viên cách hội nhập vào môi trường Đại học ngay từ năm nhất và chia sẻ những phương pháp học hiệu quả.
 
Để bắt đầu cho phần hướng dẫn sinh viên cách “hội nhập” vài môi trường Đại học, TS. Đào Minh Hồng đã đưa ra những câu hỏi mang tính gợi mở như: Học Đại học có phải là một công việc full-time (toàn thời gian); hay là một hành trình trải nghiệm cuộc sống sau khi kết bậc phổ thông; hay học Đại học là quá trình bổ trợ cho việc trưởng thành của mỗi bạn sinh viên? Theo khách mời, cô Lê Ngọc Thảo Nguyên, việc học Đại học đối với cô là một bước chuyển giao từ phương pháp và nhận thức của bậc học phổ thông sang một bậc cao hơn (bậc Đại học) để từ đó làm nền tảng để học ở những bậc cao hơn như Thạc sỹ, Tiến sĩ. Cô Nguyên nhấn mạnh với các bạn rằng cho dù các bạn sinh viên có xem việc học Đại học là như thế nào đi nữa thì mỗi bạn hãy nuôi dưỡng và gìn giữ nhiệt huyết của mình ngay từ khi bắt đầu, giống như câu nói mà cô đã trích dẫn trong phần trình bày của mình: “Kick start your university journey on the high and right note”


 Phần trao đổi giữa cô Hồng và cô Nguyên tiếp tục với nội dung về kế hoạch học tập ở Đại học như thế nào? Cô Nguyên đưa ra nhận định rằng nếu các bạn sinh viên năm nhất xem việc học Đại học là một công việc full time thì các bạn cần dành nhiều thời gian nhất có thể để học, quan sát, đặt câu hỏi và tự mình giải đáp những thắc mắc của chính mình với sự hướng dẫn của thầy/cô. Để cụ thể hóa nhận định này, cô Nguyên đã giới thiệu đến các bạn quá trình 4 bước: assistant; expert; manage; leader. Đối với giai đoạn assistant (hỗ trợ): sinh viên hình thành thói quen giúp đỡ, hỗ trợ và tích cực tham gia vào hoạt động CLB, Khoa-Trường. Ở giai đoạn này, sinh viên đóng vai trò như một người học (leaner) - học tất cả những thứ xung quanh, học từ những điều nhỏ nhặt nhất từ đó xây dựng uy tín của bản thân đối với những người xung quanh qua chính thành quả học tập, những đóng góp cho tập thể, tổ chức mà mình tham gia.

Giai đoạn thứ hai là thành thạo công việc (expert). Để có thể thành thạo kỹ năng học tập, rèn luyện, làm việc, sinh viên nên hệ thống lại những gì mình đã học được ở giai đoạn 1 - hỗ trợ, sắp xếp những kiến thức theo từng mảng: chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm. Một khi đã có sự sắp xếp, phân loại phù hợp, sinh viên bắt đầu quá trình vận dụng những kiến thức đó theo từng trường hợp mà sinh viên gặp phải trong học tập và làm việc. Qua thời gian, sự chính xác, nhạy bén đối với việc học và xử lý tình huống của sinh viên ngày một nâng cao.

Giai đoạn thứ 3 - quản lý (manage). Ở giai đoạn này, sinh viên sẽ nâng lên một bậc từ việc hỗ trợ người khác sang việc hướng dẫn, hợp tác với người khác. Bước này đòi hỏi tính chuyên môn và trải nghiệm cao, là bước tổng hợp từ 2 giai đoạn trước cộng thêm sự rèn luyện mang tính lặp đi lặp đi. Do đó, sinh viên sẽ phát triển chính bản thân mình ở kiến thức và kỹ năng cũng như tạo cơ hội để người khác phát triển qua quá trình tương tác, thảo luận cùng nhau trong học và làm việc.

Kết quả của 3 giai đoạn trên sẽ làm nên giai đoạn 4 - người lãnh đạo (leader), đây là giai đoạn quan trọng vì sinh viên sẽ hình thành khả năng tự định hướng giải quyết vấn đề bất ngờ xảy ra trong cuộc sống, tạo ra sức ảnh hưởng của mình đến những người xung quanh. Trong phần chia sẻ của mình, cô Nguyên cũng đã chỉ ra những việc làm cụ thể trong từng giai đoạn để sinh viên có thể ghi nhớ.
 
Sau phần chia sẻ của cô Nguyên, TS. Đào Minh Hồng đã tổng kết những điểm cơ bản của việc làm thế nào để hội nhập vào môi trường Đại học. Cụ thể: sinh viên hình thành sự tò mò về những thứ xung quanh mình, có thể là những điều đã và đang xảy ra. Hãy đọc, hãy tìm tòi, hãy đặt câu hỏi và tự tìm ra câu trả lời cho chính mình. Bên cạnh đó, Cô Hồng nhấn mạnh, CLB là một trong những cách để xây dựng mối quan hệ, không nên mang tâm lý e ngại khi bước chân vào ngưỡng cửa Đại học. Hãy chủ động trò chuyện, lắng nghe, và thảo luận về chủ đề, lĩnh vực hay về sự kiện mà bạn quan tâm. Đừng tạo áp lực ngay từ năm nhất, áp lực đồng trang lứa (peer pressure) sẽ khiến sinh viên tự tin, thụ động trong giao tiếp, học tập và làm việc. Mỗi bạn sinh viên đều có những tài năng, thế mạnh của riêng mình, đừng so sánh bản thân với người khác mà hãy tập trung vào việc phát huy giá trị của bản thân mình. Hãy xem việc học Đại học giống như việc bạn bắt đầu một công việc mới ở một môi trường mới, môi trường đó có thể là CLB, Liên Chi Đoàn Khoa, hay công ty mà bạn muốn xin vào thực tập,... Học là việc hình thành những kỹ năng cần thiết để chuẩn bị đi làm - Cô Hồng chia sẻ.

Vậy làm thế nào để lên kế hoạch thật rõ ràng và chi tiết cho hành trình học tập Đại học, cô Nguyên đã chia sẻ đến sinh viên nhà IR về công cụ để lập kế hoạch thông qua sơ đồ SMART GOALS. Mục tiêu SMART thực chất là những nguyên tắc được thiết lập để định hình và thực hiện mục tiêu trong tương lai. Nội dung của mục tiêu SMART gồm có:
- Specific: Tính cụ thể, dễ hiểu: Một mục tiêu thông minh đầu tiên phải được lên kế hoạch một cách cụ thể, rõ ràng. Mục tiêu càng cụ thể, rõ ràng càng thể hiện rõ quyết tâm và nỗ lực thực hiện.
- Measurable: Có thể đo lường được: nguyên tắc này hàm ý rằng mục tiêu phải được gắn liền với những con số. Nguyên tắc SMART đảm bảo mục tiêu của bạn có sức nặng, cụ thể là có thể cân, đo, đong, đếm được.
- Attainable: Tính khả thi: nghĩa là chúng ta phải suy nghĩ về khả năng thực hiện kế hoạch đến đâu.
- Realistic: Tính thực tế: mục tiêu bạn thiết kế cho mình phải bám sát vào thực tế và các nguồn lực mà bạn sẵn có.
- Time bound: thiết lập thời gian: nguyên tắc này tạo cho bạn một cột mốc xác định thời điểm bạn hoàn thành kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, bạn biết được mình đang đi đến đâu và kịp thời điều chỉnh khi cần thiết.
 
Tổng kết lại buổi đầu tiên của chuỗi Workshop phương pháp học Đại học, cô Hồng và cô Nguyên cùng nhấn mạnh: sinh viên nên xác định mục tiêu học tập-rèn luyện rõ ràng; xây dựng kiến thức cho riêng mình từ sách vở và môi trường xung quanh; xây dựng mối quan hệ lành mạnh, chủ động, tích cực, không nên rơi vào áp lực đồng trang lứa (peer pressure)





Mỗi chủ đề trong chuỗi Workshop “Phương pháp học Đại học” sẽ giúp các bạn sinh viên có cái nhìn tổng quan về cách tiếp nhận và xử lý kiến thức, qua đó hình thành thói quen tư duy, phân tích vấn đề hiệu quả. Học Đại học là hành trình tự học, tự trải nghiệm, tự khám phá mà ở đó người học là trung tâm, là nhân tố quyết định kết quả học tập - và cũng là một trong những đoạn đường quan trọng trên con đường tìm đến câu trả lời “TÔI LÀ AI GIỮA CUỘC ĐỜI NÀY?” của mỗi người.
 
Tin bài + Hình ảnh: Khoa Quan hệ Quốc tế
TIN LIÊN QUAN