Hoạt động học thuật

Tổng kết Hội thảo Khoa học “Phát triển CTĐT ngành QHQT thích ứng với Thời kỳ Bình thường mới”

29/07/2021

Để có thể cập nhật ngay với sự vận hành của “The New Normal”, để có thể xác định đầu ra của ngành Quan hệ Quốc tế là những công dân toàn cầu có khả năng thích ứng với những thay đổi, có kỹ năng quản lý rủi ro, ứng phó hiệu quả với mọi sự bất bình đẳng, bất công, kỹ năng giải quyết những vấn đề mang tính tích hợp của môi trường làm việc nhóm mang tính đa dạng, Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF) đã tổ chức thành công Hội thảo Khoa học “Phát triển Chương trình đào tạo ngành Quan hệ Quốc tế thích ứng với Thời kỳ Bình thường mới (The New Normal)”  vào sáng thứ Hai, ngày 26/07/2021 trên nền tảng trực tuyến Zoom.

Hội thảo trực tuyến có sự tham dự của ban lãnh đạo trường UEF bao gồm: PGS.TS Ngô Cao Cường - Phó Hiệu trưởng; TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng, Trưởng Khoa Kinh tế; TS. Lê Vũ Hương Giang, Phó Chánh Văn phòng Trường, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng; ThS. Nguyễn Phạm Hải Hà – Viện phó, Viện Đào tạo Sau Đại học và Khoa học Công nghệ.

Góp phần vào sự sôi nổi và hoạt động hiệu quả của Hội thảo, đó chính là sự thảo luận của CB-GV-NV Khoa Quan hệ Quốc tế cùng các khách mời, bao gồm: Ông Trần Đình Vũ Hải - Phó Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, Sở Ngoại vụ TPHCM; ThS. Vũ Quốc Anh - Phó Viện trưởng, Viện KHXH&NV-HUTECH; ThS. Nguyễn Đăng Khoa - Bộ môn QHQT, Viện KHXH&NV-HUTECH; TS. Phạm Thị Bích Lan - Phụ trách khoa QHQT. HUFLIT; TS. Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng Bộ môn Quốc tế học. ĐH Sư phạm TPHCM; ThS. Nguyễn Ngọc Thảo Nguyên - Trưởng Bộ môn QHQT, Khoa KHXH-HIU; Nhà báo Đỗ Thiện - Ban Quốc tế, Báo Pháp luật TPHCM.

Sau phần giới thiệu đại biểu và các Báo cáo viên tham dự, TS. Trần Thanh Huyền, Trưởng Khoa, Khoa Quan hệ Quốc tế đã tiến hành Báo cáo đề dẫn “Thế giới đã thay đổi – Chúng ta phải thay đổi”. Một thế giới toàn cầu hóa đang thay đổi nhanh chóng và không định đoán; và loài người cần phải thay đổi để thích ứng và thích nghi ra sao trước sự bùng phát của đại dịch? Đó cũng chính là câu hỏi cho ngành Quan hệ quốc tế khi mục tiêu của chúng ta là đào tạo ra những “công dân toàn cầu bền vững”.


 Ở phiên 1, Hội thảo có sự tham gia của:
-
Ông Trần Đình Vũ Hải, Phó Trưởng Phòng Chính trị - Kinh tế Đối ngoại Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao về Nhu cầu nguồn Nhân lực của Sở ngoại vụ trong thời kỳ mới;
-
Báo cáo “Những vấn đề đặt ra với phương pháp giảng dạy ngành học Quan hệ Quốc tế từ sau đại dịch Covid 2020”. TS. Đào Minh Hồng, khoa QHQT-UEF 
-
Phát biểu của TS. Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Bộ môn Quốc tế học-Đại hoc Sư phạm TPHCM về Những thay đổi trong CTĐT của ngành Quốc tế học sau năm 2020  




Ở phiên 2, các bài tham luận của Báo cáo viên tập trung vào việc góp ý xây dựng phương pháp giảng dạy ở một số môn học của ngành Quan hệ Quốc tế.

- Báo cáo “Đổi mới phương pháp giảng dạy ngành Quan hệ Quốc tế thích ứng với Thời kỳ bình thường mới” Thầy Đồng Minh Quang, khoa QHQT-UEF
-
Báo cáo “Nhận diện thực trạng và đề xuất giải pháp trong việc giảng dạy, học tập môn Những vấn đề toàn cầu của sinh viên Quan hệ Quốc tế trong trạng thái bình thường mới”, ThS. Lê Phương Cát Nhi, khoa QHQT-UEF  
-
Báo cáo “Tầm quan trọng của môn học “Địa chính trị” trong Quan hệ Quốc tế” ThS. Nguyễn Thế Phương, khoa QHQT-UEF 
-
Báo cáo “Các yếu tố ảnh hưởng đến phương pháp giảng dạy môn học Chính sách đối ngoại Việt Nam”, ThS. Phạm Hoàng Sơn, khoa QHQT-UEF   
  

     
 

Sau mỗi phiên báo cáo, các khách mời của hội thảo tiến hành thảo luận, góp ý và nhận xét về đề tài, đưa ra vấn đề để phát triển và hoàn thiện hơn đề tài đã nghiên cứu. Kết quả làm việc của Hội thảo, Khoa Quan hệ Quốc tế đã tổng hợp lại những đề xuất giải pháp mang tính hợp tác: Liên kết với Sở Ngoại vụ để đào tạo các lớp nghiệp vụ ngoại giao (có cấp chứng chỉ); Hợp tác tổ chức hội thảo để tìm ra giải pháp cho một Trung tâm Biên – Phiên dịch cho TPHCM; Hình thành mạng lưới tri thức Quan hệ Quốc tế, kết nối những người thực hiện công tác ngoại giao, nhà nghiên cứu, học giả, giảng viên,... để trao đổi giảng dạy và nghiên cứu; Tổ chức các cuộc thi liên trường (liên kết Sở Ngoại vụ) dành cho sinh viên; Hợp tác tổ chức Hội thảo Phương pháp giảng dạy chuyên ngành QHQT; Các hoạt động liên kết nguồn tài liệu và giáo trình; Phối hợp các trường: truyền thông, PR, networking, chia sẻ các hoạt động học thuật chung, chia sẻ thông tin tuyển dụng.


Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhận được ý kiến phản hồi của các khách tham mời tham dự, cụ thể:
“Hội thảo của Khoa gắn với thực tiễn khi các báo cáo viên đã cập nhật nhanh tin tức thời sự cũng như những thay đổi của Việt Nam và thế giới trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Mặt khác, đội ngũ CB-GV-NV của Khoa trẻ và có tinh thần tích cực nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giảng dạy”

Hội thảo Khoa học Giảng viên đầu tiên của Khoa Quan hệ Quốc tế đã thành công tốt đẹp, mở ra nhiều ý tưởng trong việc phát triển, cập nhật Chương trình Đào tạo ngành Quan hệ Quốc tế ở khu vực phía Nam, tạo bước đệm cho sự thích ứng với những thay đổi của thế giới trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19

 
Tin bài+Hình ảnh: Khoa Quan hệ Quốc tế-UEF
TIN LIÊN QUAN