Hoạt động học thuật

Workshop phương pháp học đại học - buổi 2: Kỹ năng đọc sách, ghi chép bài giảng

23/10/2021

Nhằm trang bị cho sinh viên năm I những kiến thức và kỹ năng cơ bản của việc đọc sách, nghe giảng và ghi chú, Khoa Quan hệ Quốc tế tổ chức buổi Workshop thứ hai với chủ đề “Kỹ năng đọc sách và phương pháp ghi chú nghe giảng” - Đây là buổi chia sẻ thứ hai trong chuỗi Workshop Phương pháp học Đại học dành cho sinh viên năm I Khoa Quan hệ Quốc tế. Sự kiện đã diễn ra vào lúc 18g30 ngày 22/10/2021 bằng hình thức trực tuyến qua nền tảng Zoom.

 

Sự kiện có sự tham gia của BCN. KQHQT, sự hướng dẫn trực tiếp của TS. Trần Thanh Huyền, Trưởng Khoa, Khoa Quan hệ Quốc tế và các bạn sinh viên năm I của nhà IR năm học 2021-2022. Nội dung chính của buổi tập huấn tập trung vào việc hướng dẫn sinh viên kỹ năng đọc sách hiệu quả và phương pháp ghi chú-nghe giảng trong quá trình học tập.

 

Mở đầu, TS. Trần Thanh Huyền có những chia sẻ về lý do tại sao cô chọn học Ngành Quan hệ Quốc tế. Đó là ngành Quan hệ Quốc tế khơi gợi cho cô sự tò mò về việc tìm hiểu thế giới xung quanh thông qua việc quan sát. Qua quá trình học tập ngành này, cô Huyền nhận ra cách tận dụng những trải nghiệm của mình có được qua những chuyến đi vào công việc, cuộc sống và hình thành một thái độ làm việc nghiêm túc, năng suất cao. Sau đó, để hiểu được những khó khăn mà sinh viên đang gặp phải trong việc đọc sách và ghi chú, cô Huyền sử dụng phần mềm menti.com để thu thập ý kiến của sinh viên. Nhiều câu trả lời được các bạn đưa ra như quá nhiều thông tin, không kịp ghi chú lại những điểm quan trọng hay không nhận ra đâu là từ khóa trong bài giảng của giảng viên. Từ đó, cô Huyền đã tóm tắt những lý do để giải thích cho những khó khăn trên của sinh viên. Một là sinh viên viết mà không nghe, hai là ghi chú sai thông tin quan trọng, ba là viết mà không xem lại, bốn là viết tất cả những gì thầy/cô nói. Qua những lý do trên, cô Huyền đã đặt ra một câu hỏi rằng: Vậy làm sao để biết chúng ta cần phải viết những gì?




 

Muốn trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần phải biết tại sao chúng ta cần phải ghi chú - cô Huyền chia sẻ. Việc ghi chú sẽ thu hút sự chú ý của não bộ của chúng ta tập trung vào việc lắng nghe để diễn đạt những gì mình đã nghe bằng chính ngôn từ của mình. Thứ hai, điều mình phải viết là điều mình cần phải nhớ. Thứ ba, việc ghi chú sẽ giúp cô đọng nội dung được thầy/cô trình bày, tạo ra sự hệ thống trong việc sắp xếp và tư duy kiến thức có được. Bên cạnh đó, cô Huyền đã giới thiệu cho các bạn nhiều dạng ghi chú như dạng outline, dạng ghi chú theo mô hình Cornell, cấu trúc hình hộp (boxing) hay công thức 365. Ở mỗi phương pháp, cô Huyền đều cung cấp hình ảnh minh họa trực quan và phân tích rõ ràng để các bạn nhận thấy được ưu điểm và hạn chế của từng phương pháp ghi chú.







Sau khi sinh viên đã hiểu được lợi ích của việc ghi chú, TS. Trần Thanh Huyền đã giới thiệu đến sinh viên vòng tuần hoàn của việc học tập gồm các bước: chuẩn bị (preview) => tham dự (attend) => ôn tập (review) => học (study) => kiểm tra, đối chiếu (check). 

 

Việc học tập bắt đầu từ lúc chúng ta chuẩn bị đọc tài liệu theo hướng dẫn của thầy cô để hình thành những nhận thức cơ bản về kiến thức sẽ được thầy cô giảng giải trong buổi học. Tham dự (attend) là việc chúng ta tham gia trực tiếp vào lớp học offline hoặc online, biết chọn thời điểm để ghi chú những điều cần phải nhớ và tương tác với thầy cô, các bạn cùng lớp qua việc đặt và trả lời câu hỏi. Bước ôn tập và việc sinh viên đọc lại bài ghi chú của mình, trả lời những câu hỏi mình chưa hiểu trong giai đoạn preview và đưa ra những câu hỏi mang tính phản biện hoặc mô tả, cảm nhận vấn đề đã được trình bày. Học tập (study) là việc chúng ta lên một thời gian biểu cụ thể để tập trung vào những bài giảng, tiết học theo từng lớp, từng tuần. Ở bước này, cô Huyền giới thiệu đến các bạn 4 bước nhỏ: lên kế hoạch => học tập => nghỉ ngơi => hệ thống lại kiến thức. Cuối cùng là bước kiểm tra, đối chiếu. Chúng ta có thể tự trình bày lại những gì thầy cô đã giảng hay không? Liệu phương pháp học tập của mình có hiệu quả hay không? Là những câu hỏi mà sinh viên cần trả lời trong bước kiểm tra lại những gì mà đã học được trong thời gian qua. 

Để thực hiện được vòng tuần hoàn này, sinh viên phải tập trung vào đề cương môn học đã được thầy cô cung cấp trong buổi học đầu tiên để nhận biết được những nội dung mình sẽ học, phân bổ thời gian hợp lý cho từng nội dung. Sinh viên cần lưu ý phần “yêu cầu đối với sinh viên” trong đề cương là phần sinh viên phải tự chuẩn bị ở nhà chứ không phải những gì đạt được sau khi đã nghe giảng.

Tiếp đến, cô Huyền chia sẻ đến sinh viên 3 cấp độ của việc đọc hiểu: 

- Reading on the line (đọc trên câu chữ): theo đúng nghĩa đen, sinh viên đọc những gì có trên sách, giáo trình, tài liệu tham khảo

- Reading beyond the line (Đọc ngoài câu chữ): đây là quá trình sinh viên đặt những câu hỏi mang tính phản biện những ý kiến và quan điểm của sách.

- Reading between the line (đọc giữa câu chữ): dựa vào những gì mình đã đọc, đã dựa trên những khía cạnh khác nhau để nhìn nhận thì sinh viên sẽ tiến hành đặt câu hỏi suy luận về vấn đề đang được trình bày nhằm mở rộng kiến thức và thấu hiểu được quan điểm, ẩn ý sâu xa của tác giả trong bài viết đó.

Thông qua đó, cô Huyền khẳng định vai trò quan trọng của sách trong việc học tập, nghiên cứu bởi sách chứa đựng những kiến thức được cô đọng từ quá trình trải nghiệm, chiêm nghiệm của tác giả về cuộc sống mà sinh viên có thể tham khảo. Vậy làm thế nào để hình thành phương pháp đọc hiệu quả. (1) Đừng đọc từ đầu đến cuối, hãy quan sát mục lục để nắm được tinh thần chung của quyển sách; (2) đọc vào những ý lớn, chương lớn trong sách; (3) đọc đến những chi tiết liên quan; (4) đọc và phải ghi chú những gì mình đã đọc vì sách chúng ta có thể đọc một lần nhưng bản ghi chú của chúng ta sẽ được sử dụng nhiều lần. Đến đây TS. Trần Thanh Huyền đã giới thiệu một số cách ghi chú trong quá trình đọc như: gạch dưới những điểm chính, keyword; vạch ra những đường thẳng ngoài lề; đánh dấu sao, hoa thị bên lề; đánh số bên lề, đoạn văn; khoanh tròn những cụm từ quan trọng trong bài.

Kết thúc phần chia sẻ của mình, cô Huyền đã khuyên các bạn sinh viên nên chọn lựa cho mình những phương pháp phù hợp với bản thân trong việc đọc sách và ghi chú. Đặc biệt sinh viên cần hình thành tư duy mở với những suy nghĩ như: tôi thích thử những điều mới; tôi có thể học những thứ mà tôi muốn; thất bại mang đến những cơ hội phát triển,... Tư duy mở để chúng ta có thể tiếp thu kiến thức nhanh hơn và tiến xa hơn trong học tập và công việc.

Tin bài + Hình ảnh: Khoa Quan hệ Quốc tế
TIN LIÊN QUAN