Hoạt động học thuật

Workshop “Phương pháp học Đại học dành cho sinh viên QHQT K2021” – BUỔI 1

18/03/2022

Nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cơ bản của việc học tập ở bậc đại học; phân biệt sự khác nhau giữa môi trường học tập ở các bậc học phổ thông và bậc học đại học & hiểu rõ môi trường học tập ở bậc đại học, đồng thời nắm được các phương pháp học tập và kỹ năng cần thiết ở bậc đại học, giúp cho việc học tập của Tân sinh viên hiệu quả hơn, Khoa Quan hệ Quốc tế tổ chức chuỗi Workshop “Phương pháp học Đại học dành cho sinh viên QHQT K2021” – BUỔI 1, với chủ đề: Kỹ năng tìm kiếm tài liệu, đọc và ghi chú tài liệu.

 

Buổi tập huấn xoay quanh nội dung là việc phân tích, hướng dẫn sinh viên cách tìm kiếm và đọc tài liệu cho môn học Lịch sử Quan hệ Quốc tế 1 để giúp các bạn có cách tiếp cận thực tế hơn. Buổi hướng dẫn diễn ra qua sự dẫn dắt của TS. Trần Thanh Huyền, Trưởng Khoa, Khoa Quan hệ Quốc tế.

 

Mở đầu, Cô Huyền đã nhắc lại hình thức đánh giá cuối kỳ như trắc nghiệm, tiểu luận, role play với môn thực hành và thuyết trình. Thông qua việc tóm tắt các hình thức thi, cô Huyền muốn nhấn mạnh cho các bạn sinh viên của Khoa rằng ở mỗi hình thức thi, chúng ta sẽ có những cách đọc sách, ghi chú tài liệu khác nhau để đạt được hiệu quả học tập cao nhất. Ví dụ, với môn Lịch sử Quan hệ Quốc tế 1, các bạn sẽ có bài tập thuyết trình về chủ đề cho trước và cấp độ thuyết trình của các bạn sẽ dừng lại ở cấp độ 1 - cấp độ này đòi hỏi các bạn sinh viên có kỹ năng tìm kiếm tài liệu phù hợp với nội dung chủ đề, xây dựng dàn ý trình bày bám sát theo nội dung của đề cương môn học để trình bày được những kiến thức cơ bản của chủ đề đó.

 

Việc đọc, ghi chú tài liệu tốt xuất phát từ kỹ năng tự học của từng bạn sinh viên. Theo TS. Trần Thanh Huyền, tự học là việc xây dựng mục tiêu học tập rõ ràng, hình thành thói quen học bài thường xuyên, học từ sách, từ những điều cơ bản nhất và trong số đó, là cách tìm kiếm tư liệu trong quá trình tự học đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, Cô Huyền nhắc nhở sinh viên phải quan tâm đến tính mới trong quá trình tìm kiếm các đầu sách, tư liệu. Cô cũng lý giải thế nào là một nguồn tài liệu có hàm lượng khoa học cho sinh viên. Khi tìm kiếm, nghiên cứu, các bạn sinh viên phải chú ý vạch ra những mốc thời gian rõ ràng cho từng bước, xác định đâu là điểm dừng để không lãng phí thời gian, tạo được sự chặt chẽ, liền mạch trong quá trình học tập.

Tiếp đó, TS. Trần Thanh Huyền giới thiệu The Study Circle đến các bạn sinh viên. Sơ đồ gồm có 05 bước: Xem trước (Preview) => Tham dự lớp (Attend) => Ôn bài (Review) => Học tập (Study) => Kiểm tra (Check). Trong từng bước, cô Huyền phân tích rõ những việc mà các bạn sinh viên cần hoàn thành. Như vậy, để làm tốt bài thuyết trình cũng như có phần ghi chú hiệu quả, sinh viên cần: Biết được tài liệu đọc bắt buộc, tham khảo và chủ đề của môn học theo đề cương; Hiểu rõ bản chất của môn học từ Giảng viên hướng dẫn.

 

Phần quan trọng của buổi chia sẻ là việc cô Huyền hướng dẫn sinh viên cách khai thác đề tài, chọn tư liệu, nội dung chính cho bài thuyết trình trong môn Lịch sử Quan hệ Quốc tế 1. Những câu hỏi của bạn xoay quanh việc tìm kiếm tư liệu, ý tưởng, lên dàn ý nội dung cho bài thuyết trình. Cô Huyền phân tích đề cương môn học để giúp sinh viên hiểu được những yêu cầu của Giảng viên, từ đó hướng dẫn các viết cách đọc tài liệu cho phù hợp bằng việc trả lời các câu hỏi When, Who, What, Why, How đối với đề tài được giao. Sau khi trả lời những câu hỏi trên, các bạn sinh viên nên tìm kiếm tư liệu bằng cách:

+ Xác định các thuật ngữ, từ khóa liên quan đến đề tài.

+ Xác định mối liên quan logic giữa đề tài, thuật ngữ, từ khóa cần tìm

+ Tiến hành tìm kiếm dựa trên thuật toán của Google và kiểm tra đối chiếu nguồn tài liệu.

 

Buổi tập huấn kết hợp giữa lý thuyết và thực tế môn học Lịch sử Quan hệ Quốc tế 1 đã giúp cho các bạn sinh viên có thể nắm được cách xây dựng ý tưởng, tìm kiếm và đọc tài liệu một cách hiệu quả. Buổi tập huấn tiếp theo sẽ liên quan đến chủ đề nghe và ghi chép bài giảng.

 
Tin bài + Hình ảnh: Khoa Quan hệ Quốc tế
TIN LIÊN QUAN