Hoạt động học thuật

Workshop “Phương pháp học Đại học dành cho sinh viên QHQT K2021” – BUỔI 2

18/03/2022

Tiếp nối nội dung tìm kiếm, đọc và ghi chú tài liệu, Khoa Quan hệ Quốc tế tổ chức buổi Workshop “Phương pháp học Đại học dành cho sinh viên QHQT K2021” – BUỔI 2, với chủ đề: Kỹ năng nghe giảng và ghi chép bài giảng.

Buổi tập huấn xoay quanh nội dung là việc hướng dẫn sinh viên những phương pháp ghi chú bài giảng, video hiệu quả từ kinh nghiệm của ThS. Lê Phương Cát Nhi và ThS. Võ Ngọc Bích Vy, 02 giảng viên của Khoa Quan hệ Quốc tế. 

 

Bạn thường làm gì với phần ghi chép của mình?, là câu hỏi mà ThS. Lê Phương Cát Nhi dành cho các bạn sinh viên để nắm bắt cách các bạn sử dụng phần ghi chú (note) sau khi đã lắng nghe xong bài giảng. Bên cạnh đó, việc ghi chép toàn bộ hay những ý chính của bài giảng là vấn đề trao đổi thứ hai mà cô Nhi đề cập với sinh viên. Thông qua đó, cô Nhi muốn nhấn mạnh vai trò của việc ghi chú khi nghe giảng là để hệ thống kiến thức của buổi học và lên ý tưởng cho bài viết/tiểu luận.

 

Theo cô Nhi, một bản ghi chép hoàn chỉnh là bao gồm một hệ thống từ viết tắt và biểu tượng có ý nghĩa, bao gồm ý chính và nhiều ý mở rộng, được sử dụng một cách linh hoạt cho những mục đích của sinh viên. Để có được một bản ghi chép hiệu quả, cô Nhi đã giới thiệu đến các bạn 02 phương tiện để ghi chép là ứng dụng Notion và Phương pháp Cornell. Theo đó, để thực hiện phương pháp này, sinh viên cần chia tờ giấy (hoặc trang vở) ghi chép của mình thành 2 cột: Cột bên trái để ghi các ý chính (hoặc các câu hỏi, các từ khóa), cột bên phải để ghi chép những chi tiết liên quan đến ý chính tương ứng ở bên trái. Ở phần cuối của trang giấy, là phần tóm tắt những gì mình đã học. Phương pháp ghi chép này sẽ giúp người học nhớ bài lâu hơn và hệ thống bài học 1 cách bài bản, dễ dàng tìm kiếm lại khi cần thiết. 



 

Tiếp đó, ThS Võ Ngọc Bích Vy đã chia sẻ cùng các bạn sinh viên 02 ý chính là: phương pháp ghi chép bài hiệu quả và một số tips cần lưu ý trong quá trình ghi chép.  Phương pháp ghi chép được cô Bích Vy giới thiệu là:  outline method, hybrid method và mindmap method. Outline là cách ghi chép theo hệ thống phân tầng, được sử dụng phổ biến. Phương pháp này có một số điểm mạnh như: đơn giản, dễ làm quen, phù hợp cho các lớp học lý thuyết có dàn bài rõ ràng; có thể dùng để ôn tập ngay sau buổi học; tối ưu khi thực hiện trên ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phù hợp khi giảng viên cho biết outline ngay từ đầu và sinh viên sẽ gặp khó khăn nếu muốn chèn thêm ý khi viết trên giấy. 

 

Những lưu ý mà ThS. Bích Vy chia sẻ đến sinh viên bao gồm: luôn thay đổi bản ghi chú để phù hợp với mục đích sử dụng; luyện cách nắm bắt keywords cũng nhưng sử dụng từ viết tắt để mang lại tốc độ ghi chú nhanh hơn, sử dụng nhiều màu sắc, highlight nổi bật những điều quan trọng trong bản ghi chú. Cô Bích Vy cũng đưa ra các cách ghi chú như trên tập vở lẫn các công cụ hỗ trợ ghi chú. Bên cạnh đó, ghi chú tốt, xuất phát từ việc lắng nghe tốt. Do đó, các bạn sinh viên cần lưu ý lắng nghe những từ nối, câu nối, câu dẫn dắt vào nội dung bài của Giảng viên để xác định các ý cần ghi cũng như nắm được chủ đề của bài giảng; tìm hiểu thông tin về bài giảng qua đề cương, giáo trình, tài liệu tham khảo, trong quá trình ghi chú cần tập trung cao; quá trình ôn tập sau ghi chú là tất cả những điều mà cô Bích Vy nhấn mạnh đến các bạn sinh viên.

 




Thông qua 02 buổi chia sẻ về phương pháp học Đại học, Khoa Quan hệ Quốc tế tin rằng, các bạn sinh viên năm nhất của Khoa đã củng cố thêm nhiều kiến thức về cách học Đại học hiệu quả.

 Tin bài + Hình ảnh: Khoa Quan hệ Quốc tế

 
TIN LIÊN QUAN