Hoạt động học thuật

Talkshow "Thế giới hậu 11/9 - một số xu hướng chính trong Quan hệ Quốc tế hiện nay" ngày 11/09/2021

13/09/2021

Nhằm tạo ra một diễn đàn thảo luận cho Giảng viên và Sinh viên UEF nói chung và Khoa Quan hệ Quốc tế nói riêng về chủ đề thời sự: sự kiện khủng bố 11/9/2001; nâng cao kiến thức chuyên ngành cho sinh viên ngành Quan hệ Quốc tế về các vấn đề toàn cầu và sự tác động của các sự kiện chính trị đến mối quan hệ giữa các quốc gia, đồng thời rèn luyện kỹ năng tư duy độc lập, tư duy phản biện, liên hệ kiến thức giữa các môn học và sự kiện chính trị, Khoa Quan hệ Quốc tế tổ chức Talkshow "Thế giới hậu 11/9 - một số xu hướng chính trong Quan hệ Quốc tế hiện nay" 

 

Talkshow diễn ra vào lúc 8h30, thứ Bảy, ngày 11/09/2021 bằng hình thức trực tuyến qua nền tảng Zoom, livestream trên Fanpage Khoa và Group sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế. Diễn giả: GS.TS. Phạm Quang Minh; Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Hiện là Trưởng Bộ môn Nghiên cứu phát triển Quốc tế, Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn.

 

Nội dung chính của talkshow bao gồm 03 nội dung chính: 20 năm nhìn lại; Toàn cầu hóa và khu vực hóa;  Ngoại giao chuyên biệt. Sự kiện thu hơn 180 người tham dự, bao gồm sinh viên của UEF, sinh viên của trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG Tp.HCM), sinh viên của trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG Hà nội), sinh viên và học viên Cao học của Học viện Ngoại giao và các nhà nghiên cứu khác tham dự.

Mở đầu cho buổi nói chuyện chuyên đề chính là đoạn clip của History.com về hình ảnh tư liệu những gì đã xảy ra vào ngày 11/9/2001. Sau đó, TS. Trần Thanh Huyền - Trưởng khoa Khoa Quan hệ Quốc tế đã có lời khai mạc cho buổi nói chuyện chuyên đề này cũng như nêu lý do cho việc tổ chức sự kiện: 20 năm nhìn lại quan hệ quốc tế đã có những thay đổi gì và toàn cầu hóa, khu vực hóa trong tương lai sẽ ra sao. 

GS. TS. Phạm Quang Minh đã đưa ra khái quát những sự kiện nổi bật trong 20 năm sau sự kiện khủng bố 11/09 như: chiến tranh Afghanistan, Iraq, Syria (2001); Sóng thần Châu Á (2004); Mùa xuân Ả rập (2010); Làn sóng di cư vào châu Âu (2015); Brexit (2016); Sự trỗi dậy của Trung Quốc; Đại dịch COVID19 (2019).

Ở nội dung thứ hai của sự kiện, Giáo sư đã đưa ra khái niệm về toàn cầu hóa và khu vực hóa để từ đó phân tích những case study. Toàn cầu hóa là một quá trình xuyên biên giới quốc gia, hướng tới sự tác động qua lại, hội nhập và phụ thuộc lớn hơn giữa các dân tộc và tổ chức. Khu vực hóa là tấm gương phản chiếu cho bức tranh chính trị thế giới. Có một số nhân tố ảnh hưởng đến quá trình khu vực hóa gồm: nhân tố chính trị và nhân tố kinh tế. Phần cuối của buổi trao đổi, Giáo sư đã khái quát ngoại giao chuyên biệt là việc tập trung nguồn lực trong những lĩnh vực cụ thể có thể thu được kết quả tốt nhất đáng có hơn là tìm cách phủ bóng lên mọi lĩnh vực (Gareth Evans), phù hợp với các quốc gia tầm trung, tập trung vào việc chuyên môn hóa và và khả năng của một nước nhằm xác định và lấp trống những khoảng trống hẹp thông qua phương thức kỹ năng ngoại giao.



Buổi nói chuyện đã thu hút được rất nhiều câu hỏi từ phía người tham dự. Một số vấn đề mà các bạn sinh viên quan tâm trong chủ đề toàn cầu hóa-khu vực hóa như sau: Việt Nam sẽ có chính sách phù hợp để bảo vệ các doanh nghiệp nội địa trước làn sóng FDI trong bối cảnh toàn cầu hóa, đặc biệt sau hậu đại dịch COVID19; quyền lực mềm sẽ đóng vai trò như thế nào trong chính sách đối ngoại của các Quốc gia có thế lực mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa; chủ quyền quốc gia có bị mất đi trong bối cảnh toàn cầu hóa tiếp tục được thúc đẩy,...


Với sự dẫn dắt của TS. Đào Minh Hồng - Phó Trưởng Khoa - Khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH Kinh tế - Tài chính Tp.Hồ Chí Minh, cùng sự thảo luận của cô, buổi nói chuyện cùng GS. TS Phạm Quang Minh đã trở nên vô cùng thú vị và làm giàu thêm thông tin và kiến thức cho những người tham dự. 

 Tin bài + Hình ảnh: Khoa Quan hệ Quốc tế

 

 
TIN LIÊN QUAN