Tin tức sự kiện

​UEF bồi dưỡng kiến thức về giáo dục toàn diện trong môi trường đại học cho giảng viên

01/08/2023

Bối cảnh hội nhập sâu rộng cùng sự phát triển của công nghệ đã mở ra nhiều cơ hội mới nhưng cũng đi kèm không ít thách thức cho nền giáo dục. Xu hướng toàn cầu hóa đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng linh hoạt và đa năng đa nhiệm. Đứng trước yêu cầu đó, vai trò của trường đại học càng trở nên quan trọng. Đây phải là nơi đào tạo kết hợp giữa kiến thức khoa học cơ bản, ngoại ngữ và công nghệ thông tin với kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm cho người học. 


Để giúp cán bộ - giảng viên - nhân viên UEF nắm bắt tình hình chung và hiểu cặn kẽ hơn về xu thế này, sáng 29/7, Văn phòng trường kết hợp cùng Khoa Quan hệ quốc tế tổ chức khóa học “Giáo dục toàn diện trong môi trường đại học” năm 2022 - 2023.
 

Chương trình nhận được sự quan tâm của các thầy cô Nhà UEF
 

Phát triển cảm xúc xã hội cho sinh viên

 

Đây là chuyên đề chia sẻ của ThS. Đỗ Hoàng My - Nghiên cứu sinh Tâm lý giáo dục, Đại học Harvard. Diễn giả cho biết, phát triển toàn diện bao gồm về kỹ năng (cảm xúc, xã hội, nhận thức) và hệ sinh thái kiến thức - hệ giá trị - nhân cách.
 
 
ThS. Đỗ Hoàng My mang đến những góc nhìn thực tế về giáo dục toàn diện đang triển khai ở Mỹ
 
Như TS. Lý Thiên Trang - Phó Hiệu trưởng UEF chia sẻ đầu chương trình: “Triết lý của UEF là giáo dục toàn diện - học tập suốt đời. Đây là vấn đề không mới nhưng luôn cần thiết trong xu thế hội nhập để tạo ra những công dân toàn cầu. Nhà trường đào tạo ra người học có phẩm chất, năng lực, có trách nhiệm với cộng đồng xã hội; khả năng sáng tạo, hội nhập quốc tế,… Với giáo dục toàn diện, vai trò của các bên liên quan để đào tạo người học có đủ năng lực về kiến thức, cảm xúc, hành động. Vai trò của trường đại học là tạo ra môi trường phát triển toàn diện cho sinh viên”.
 
 
TS. Lý Thiên Trang chia sẻ về định hướng phát triển toàn diện cho sinh viên của UEF
 
Theo diễn giả, sự phát triển về mặt cảm xúc xã hội là sự tác động của nhiều mặt, trong đó có liên quan đến học thuật. Kỹ năng về cảm xúc xã hội giúp học sinh vượt qua những trải nghiệm căng thẳng theo cách thích ứng và bảo vệ người học khỏi các vấn đề về áp lực tâm lý đang phát triển.
Muốn dạy người học điều chỉnh cảm xúc thì nên dạy trước cách nhận biết cảm xúc. Người dạy cần giúp các bạn hiểu và mô tả các sắc thái của cảm xúc phức tạp; hiểu được lý do và hậu quả của cảm xúc đó. 
 
 
Cảm xúc xã hội là một trong những kỹ năng quan trọng của giáo dục toàn diện
 
Trả lời cho câu hỏi Nhà trường nên làm gì, khách mời đề xuất phải đưa thêm nhiều phương pháp vào giảng dạy, biết cách đánh giá, đo lường kỹ năng xã hội và kiểm soát cảm xúc của người học. Đồng thời, giảng viên cần có diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy cùng nhau. 

 

Thay đổi vai trò của giảng viên trong giáo dục toàn diện

 

TS. Đào Minh Hồng - Phó Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế mang đến cho CB-GV-NV góc nhìn bao quát về giáo dục toàn diện. “Phát triển toàn diện là một lý tưởng hướng dẫn sự phát triển của con người và mức độ hiện thực hóa nhân cách của một người. Nhân cách là hình thức cao nhất của chủ nghĩa toàn diện” - cô chia sẻ. 
 
 
TS. Đào Minh Hồng mang góc nhìn hiện đại về vai trò của giảng viên trong giáo dục toàn diện
 
Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục 2022 nhận định rằng giáo dục toàn diện không chỉ nên dừng lại ở phổ thông mà phải mở rộng lên bậc đại học. Trong đó, những lý do cần phải thay đổi, thích nghi là do ảnh hưởng của Covid-19, biến đổi khí hậu, xung đột, chủ nghĩa dân tộc “trỗi dậy”, công nghệ, khoảng cách thể hệ,…
Mục tiêu của giáo dục toàn diện là phát triển người học trở thành một thành viên toàn diện, hạnh phúc và có ý thức xây dựng trong xã hội. Sinh viên học tập toàn diện sẽ tăng thành tích học tập, đạt được hạnh phúc về cảm xúc và tinh thần, xây dựng sự tự tin. 
 
 
Giảng viên trở thành "bạn đồng hành" với sinh viên để khuyến khích phát triển toàn diện
 
Trước sự phát triển của công nghệ, TS. Đào Minh Hồng thẳng thắn chia sẻ quan điểm trí tuệ nhân tạo có thể thay thế trong việc cung cấp những thông tin, kiến thức căn bản. Khi đó, giảng viên hiện đại hãy rời xa cách thể hiện như một “nhà hiền triết”. Thay vào đó, thầy cô sẽ là người hướng dẫn, quan tâm đến người học, tạo môi trường học tập mang tính khích lệ và hỗ trợ. Ngoài ra, giảng viên phải cố gắng xây dựng không gian để người học cảm thấy an toàn, chấp nhận rủi ro và tự do thể hiện bản thân. 
 
 

Thầy, cô UEF chia sẻ quan điểm và đặt câu hỏi tương tác cùng 2 diễn giả
 
Với những chia sẻ của các diễn giả, tin chắc rằng CB-GV-NV Nhà UEF đã có góc nhìn toàn cảnh về giáo dục toàn diện, cũng như tiếp cận tình hình thực tế đang diễn ra ở những cường quốc trên thế giới. Xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, UEF sẽ giúp người học nhanh chóng thích nghi và phát triển tốt trước những biến đổi của thời đại ngày nay. 
 
Quy Nguyễn
Ảnh: Nguyên Võ
TIN LIÊN QUAN