Hội thảo sự kiện

Hội thảo: “Giới thiệu kỹ thuật Reflection trong mô hình Service-Learning”

04/06/2022
Vừa qua Trung tâm Kết nối Cộng đồng UEF (TT.KNCĐ) đã tổ chức buổi workshop “Giới thiệu kỹ thuật reflection trong mô hình service-learning” dành cho các giảng viên và đối tác cộng đồng có tính chất công việc liên quan đến nhóm thanh niên trong hoạt động giảng dạy và học thông qua phục vụ cộng đồng. Buổi workshop được dẫn dắt bởi chuyên gia Được Nguyễn - Cán bộ Đại học Quốc tế Karlshochschule International University (KIU) và có sự tham gia của Giám đốc TT.KNCĐ, Chị Đinh Nguyễn Thiên, nhân viên Trung tâm cùng với Giảng viên UEF, Cán bộ một số trường đại học bạn và các đối tác Cộng đồng. 
Chuyên gia Được Nguyễn - Cán bộ Đại học Quốc tế Karlshochschule International University (KIU) chia sẻ các kinh nghiệm làm việc với thanh niên trong nhiều năm qua.

Cụm từ Reflection - tạm dịch là Quá trình phản tư, đã rất quen thuộc đối với các bạn sinh viên đã và đang tham gia các hoạt động gắn kết cộng đồng tại UEF. Tuy nhiên, thực hành Phản tư học thuật còn khá mới đối với giảng viên và đối tác cộng đồng. Do đó, chuyên gia Nguyễn Được đã giới thiệu lý thuyết và một số kỹ thuật thực hành hoạt động phản tư học thuật đa dạng và hiệu quả giúp Giảng viên và Đối tác cộng đồng có thể áp dụng trong hoạt động môn học hoặc tại đơn vị. 
Quá trình phản tư là một trong ba thành tố quan trọng trong Mô hình Học tập gắn kết cộng đồng, nhằm giúp người học nhận diện, mô tả được những học hỏi thông qua các trải nghiệm phục vụ cộng đồng thực tiễn. 
Quá trình phản tư được diễn ra liên tục trong suốt quá trình học và do đó, thực hành phản tư được áp dụng trong chuỗi hoạt động: trước - trong - và kết thúc dự án/môn học gắn kết cộng đồng. Phản tư được áp dụng không chỉ trong những trường hợp phát sinh ra vấn đề mà còn cả khi hoạt động diễn ra thuận lợi với mục đích học hỏi, ghi nhận thành quả, chuẩn bị cho các tình huống không thuận lợi… và quan trọng là liên kết trải nghiệm với những điều người tham gia đã biết trước đó để bật ra bài học.
Chuyên gia cũng giới thiệu mô hình 4C’s của Phản tư học thuật, bao gồm những từ khóa:
Continuous - Liên tục:  xảy ra trước hoạt động học thông qua phục vụ cộng đồng trong suốt thời gian diễn ra cũng như sau đó
Connected - Kết nối: Đưa lý thuyết áp dụng thực hành trong đời sống
Challenging - Thử thách:  Phản tư những câu hỏi cũ được nhìn nhận theo những cách hay quan điểm mới được hé lộ từ những câu hỏi đưa ra, giúp sinh viên suy nghĩ theo những cách mới
Contextualize - Bối cảnh hóa: Quy trình và cách thiết lập Phản tư phù hợp với những điều diễn ra trong quá trình hoạt động.
Chuyên gia khuyến khích sử dụng Phản tư thông qua mô hình “Chu trình phản xạ Gibb’s”.  Mô hình này rất phổ biến và hữu hiệu để hướng dẫn các bạn mới bắt đầu tư duy mạch lạc qua các giai đoạn của một trải nghiệm và gồm 3 bước chính. 
Bước 1: Mô tả (Chuyện gì đã xảy ra)
Bước 2: Phân tích (Bạn suy nghĩ và cảm nhận như thế nào) 
Bước 3: Đánh giá (Điều gì tốt và chưa tốt về trải nghiệm của bạn)
Hội thảo thu hút sự quan tâm của không chỉ giảng viên UEF mà còn có giảng viên tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Văn Lang và các tổ chức khác như: Trung tâm Hỗ trợ Phát triển cộng đồng (LIN), Tình Thân foundation, CLB khởi nghiệp Brick House, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch,...

Người tham gia được trải nghiệm chia nhóm thực hành thử một số phương pháp Phản tư thông qua công cụ như vật dẫn, hình ảnh, … Trải nghiệm thực tế giúp cho người tham dự có thể nhập vai và “cảm” được việc thực hành phản tư trong vai trò là người dẫn dắt lẫn người học. Hoạt động diễn ra sôi nổi và đã gợi mở nhiều câu hỏi sâu hơn. Chuyên gia cũng đã dành thời gian cuối chương trình để giải đáp các thắc mắc của người tham gia. Trả lời cho câu hỏi “Vậy người điều phối nên là người ngoài hay trong nhóm dự án?” của chị Minh Thoa, chuyên gia đã chia sẻ: “Bất kỳ ai cũng đều có thể là người dẫn dắt, tuy nhiên người điều phối hoạt động này nên đảm bảo nguyên tắc trung lập và nên có trải nghiệm và sự từng trải. Không thể chắc chắn sự việc sẽ được giải quyết khi Phản tư nhưng nếu không Phản tư thì vấn đề luôn nằm ở đó”.


Các nhóm thực hành các kỹ thuật reflection

Chị Thiên Ân - Giám đốc TT.KNCĐ chia sẻ thêm: “Phản tư là kỹ thuật mở và rất quan trọng trong mô hình Service-Learning, yêu cầu sinh viên cần đào sâu vào vấn đề để liên kết từ lý thuyết đến bài học ứng dụng thực tế. Phản tư đưa đến việc áp dụng vào đời sống và lý tưởng nhất là rèn luyện cho người học tự mình phản tư, mong rằng sau buổi hội thảo  mọi người sẽ quan tâm hơn có cái nhìn sâu hơn về Phản tư và tiếp cận thực hành nhiều hơn”.
Một số đối tác cộng đồng đưa ra ý  tưởng có thể áp dụng Phản tư vào đời sống cũng như công việc như:
Viết nhật ký lưu lại trải nghiệm, ý tưởng, câu hỏi.
Có một cuốn sổ để ghi lại, mô tả, giải thích những sự kiện quan trọng trong dự án bạn đang thực hiện.  
Tổ chức các buổi họp nhóm để phản tư sau mỗi tuần làm việc. Các buổi này còn được gọi là hồi tưởng.
Hình thành thói quen ghi chép, lưu trữ các hoạt động của dự án, để tìm ra cách cải tiến liên tục đối với kết quả đầu ra của dự án. 
Tham gia cộng đồng mạng xã hội, thảo luận và đóng góp ý tưởng của bạn để những người khác có thể đưa ra góc nhìn mới, giúp bạn gọt giũa ý tưởng và kịp thời phát hiện lỗ hổng trong lập luận của mình. Từ đó sẽ dần hình thành  thói quen sử dụng các công cụ suy tưởng - phản tư như câu hỏi, câu chuyện, đối thoại với chính mình hoặc với người khác. 

Buổi workshop đã tạo được sự quan tâm và hài lòng của người tham dự, cũng như tạo ra những kết nối mới trong cộng đồng thực hành Học tập gắn kết cộng đồng và thực hành Phản tư. TT. KNCĐ UEF và chuyên gia từ Đại học KIU sẽ có thêm những chương trình thúc đẩy nâng cao năng lực cho sinh viên - giảng viên - đối tác cộng đồng tham gia vào các hoạt động gắn kết cộng đồng trong tương lai.
Cùng xem lại một số hình ảnh của buổi workshop.
Hoạt động đầu tiên mang tính phối hợp cao.
Kỹ thuật Reflection thông qua hình vẽ 

Các anh chị đối tác tham gia các hoạt động tại hội thảo
Sau mỗi hoạt động, tất cả tham dự viên cùng nhận xét và chia sẻ các cảm nhận về từng kỹ thuật reflection

 
Tin bài
  Mỹ Liên và TT.KNCĐ
TIN LIÊN QUAN