Hội thảo sự kiện

"Hành động vì khí hậu cấp độ 2": Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường từ những hành động thiết thực

03/01/2022
Sau thành công của buổi workshop “Hành động vì khí hậu Cấp độ 1”, các bạn sinh viên dự án hành động vì cộng đồng thuộc Mạng lưới lãnh đạo Service-Learning tiếp tục tổ chức chủ đề “Hành động vì khí hậu Cấp độ 2” vào những ngày đầu năm mới. Cố vấn chuyên môn là các chuyên gia đến từ Movers. Ngoài ra, chương trình còn có sự đồng hành của các chuyên gia từ Innovation Incubator (Doanh nghiệp xã hội Ươm mầm sáng tạo) và Câu lạc bộ Khởi nghiệp Brick House.
Trong buổi gặp gỡ lần trước, UEFers đã được tiếp cận với các khái niệm cơ bản về khí hậu, thông tin tổng quan về tình hình hoạt động cũng như định hướng của thế giới về mục tiêu khí hậu toàn cầu. Tại hoạt động lần này, các diễn giả cũng chính là sinh viên UEF đã mang đến những nội dung sâu sắc hơn về nguyên nhân và tác hại không thể tưởng tượng được của biến đổi khí hậu.
 

Hoạt động giúp sinh viên Nhà UEF hiểu rõ hơn về sự ảnh hưởng của hành vi con người đến "sức khỏe" của Trái Đất
 
Những thông tin về bối cảnh lịch sử với sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu từ thời kỷ băng hà cho tới hiện tại là vấn đề đầu tiên được đề cập đến. Nội dung này cho thấy rõ mức độ ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu. Từ đó, các bạn trẻ rút ra được tầm quan trọng của hành vi con người đối với sự thay đổi cục diện Trái Đất và gây ra tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Cụ thể trong bối cảnh hiên tại, là cái nhìn tổng quan cho thấy tình hình hoạt động cũng như định hướng của thế giới về mục tiêu khí hậu toàn cầu ảnh hưởng đến Trái Đất như thế nào. Các hệ quả đa chiều đã được mô phỏng sinh động bằng hình ảnh. Trong đó, đáng chú ý hơn hết là việc nước biển dâng cao lấn chiếm đất liền khiến cho nhiều thành phố, quốc gia ven biển có thể hoàn toàn bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới và TP.HCM của Việt Nam nằm trong số đó. 
Ngoài ra, các bạn sinh viên còn được tiếp cận thêm về những số liệu, hoạt động của sự phát thải nhà kính trên thế giới trong từng ngành; lượng phát thải CO2 bình quân đầu người và theo thu nhập.
 

Sự gia tăng nhiệt độ từ kỷ băng hà đến nay là vấn đề cần chú ý đầu tiên
 
Một trong những nội dung thú vị và thu hút sự quan tâm của các UEFers là cách theo dõi và phân tích “dấu chân carbon” - công cụ tính toán lượng khí thải carbon của từng cá nhân dựa vào thói quen, lối sống, hoạt động diễn ra hằng ngày. Từ đây các bạn có được cái nhìn cụ thể hơn về ảnh hưởng của từng cá nhân đối với môi trường chung.
Không chỉ tiếp nhận thông tin toàn cầu, các bạn sinh viên còn được dẫn dắt để thấy hoạt động chống biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Việt Nam. Là một quốc gia nằm trong top 10 các nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu (theo báo cáo của IPCC), Việt Nam đang rất nỗ lực trong vấn đề này và hướng đến 17 mục tiêu bền vững của Liên Hợp Quốc với nhiều kết quả tích cực tuy vẫn còn không ít thử thách. 
 


UEFers được cập nhật thêm nhiều thông tin, công cụ hữu ích để góp phần chung tay làm giảm sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
 
Phần kết chương trình, các bạn sinh viên đã được hướng dẫn các công cụ hữu ích, dễ thực hành và cùng nhau ứng dụng để lập kế hoạch theo ma trận “hành động vì khí hậu”. Hoạt động đã ươm mầy các ý tưởng vì môi trường cũng như các dự án dự án ý nghĩa để cùng chung tay bảo vệ Trái Đất “khỏe”.
Với sự điều phối của 3 bạn trẻ từ mạng lưới lãnh đạo Service-Learning UEF, buổi workshop đã diễn ra đầy hào hứng và thú vị, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của sinh viên Nhà UEF đến vấn đề khí hậu. Điều này thể hiện bằng sự nhiệt huyết tìm hiểu, tích cực chia sẻ cũng như tương tác của các bạn sinh viên tham gia. 
 
Tin và ảnh: Phương Dung, Thúy Vy
TIN LIÊN QUAN