Hoạt động sinh viên

Sinh viên Nhà UEF tiếp cận lĩnh vực Tâm lý học tội phạm cùng Thẩm phán Nguyễn Xuân Tùng

10/04/2023
Tâm lý học tội phạm và những kỹ năng thực tế liên quan đến nắm bắt, khai thác tâm lý tội phạm trong các vụ án hình sự thực tiễn vẫn luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm, hứng thú của các bạn sinh viên. Hiểu được mong muốn ấy, sáng 8/4, Khoa Luật UEF đã phối hợp với Đoàn hội sinh viên Khoa Luật tổ chức chuyên đề thực tiễn “Tâm lý học tội phạm” với sự đồng hành của diễn giả Thẩm phán trung cấp Nguyễn Xuân Tùng - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Tham dự sự kiện còn có TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; ThS. Vũ Anh Sao - Phó Trưởng Khoa Luật UEF; cô Trương Thị Hoàng Anh - Đại diện Trung tâm Tham vấn tâm lý và Hỗ trợ pháp luật; chị Nguyễn Lê Xuân Anh - Trợ lý diễn giả và các thầy cô giảng viên Khoa Luật UEF. 
 


TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ mở đầu chương trình
 

Diễn giả Nguyễn Xuân Tùng đã có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tâm lý học tội phạm

Theo diễn giả Nguyễn Xuân Tùng, tâm lý học tội phạm là một ngành khoa học thuộc lĩnh vực Tâm lý học. Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học tội phạm là các hiện tượng, đặc điểm và những khía cạnh tâm lý nảy sinh trong quá trình hoạt động phạm tội của những bị can, bị cáo; nhân cách của những bị can, bị cáo (gồm đặc trưng tâm lý, các kiểu nhân cách, các yếu tố tác động làm suy thoái nhân cách); nghiên cứu nhân cách, tìm hiểu những nét đặc trưng trong nhân cách, các kiểu nhân cách của người phạm tội; nghiên cứu, tìm hiểu tâm lý của một nhóm người phạm tội để tìm ra nguyên nhân của tâm lý xã hội.
Bổ trợ cho tâm lý học tội phạm là tâm lý học tư pháp. Tâm lý học tư pháp giới hạn nghiên cứu tâm lý diễn ra trong hoạt động tư pháp (điều tra, xét xử, cải tạo). “Tâm lý học tư pháp tập trung nghiên cứu cấu trúc tâm lý diễn ra trong quá trình tố tụng hình sự; hiện tượng, đặc điểm, quy luật tâm lý của chủ thể tham gia hoạt động tố tụng hình sự: bị can, bị cáo, người bị hại, nhân chứng, điều tra viên, Viện Kiểm sát, thẩm phán,...” - diễn giả Nguyễn Xuân Tùng thông tin. 
 



Những câu chuyện thực tế trong quá trình hình thành nhân cách tội phạm thu hút các bạn sinh viên

Trong nhiều vụ án, các phương pháp tác động tâm lý dựa trên kiến thức chuyên ngành là vô cùng cần thiết. Các phương pháp này được sử dụng nhằm tìm ra người phạm tội, đồng phạm, nguyên nhân động cơ, gây án,...
Chia sẻ về các phương pháp tác động tâm lý, Thẩm phán Nguyễn Xuân Tùng cho biết: “Có 6 phương pháp tác động tâm lý là truyền đạt thông tin, thuyết phục, đặt vấn đề và thay đổi vấn đề tư duy, mệnh lệnh, giao tiếp tâm lý có điều khiến và ám thị gián tiếp - trực tiếp. Tuy nhiên, những phương pháp này chỉ được sử dụng và phát huy hiệu quả tốt nhất khi được những người có năng lực chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo triển khai”. 
 


Bằng những câu hỏi sâu sắc, thú vị, UEFers tích cực giao lưu cùng diễn giả

Trong buổi chuyên đề, Thẩm phán Nguyễn Xuân Tùng đã cùng các bạn sinh viên thảo luận về tâm lý học tội phạm trong các vụ án hình sự ở nước ta, cách sử dụng các phương pháp một cách đúng đắn. Là một chủ đề hấp dẫn, những câu chuyện, tình huống đã tạo nên một không khí hào hứng, sôi nổi. Không dừng lại ở đó, các câu hỏi sâu sắc và thú vị liên quan đến lĩnh vực cũng được UEFers đặt ra cho diễn giả. 
 
Với chủ đề thú vị, buổi chuyên đề đã thu hút sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên

Như TS. Nhan Cẩm Trí chia sẻ ở đầu buổi chuyên đề, những bài học không nằm trên sách vở là những bài học quý giá, giúp ích cho các bạn sinh viên trong hành trình tìm kiếm mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai. Thật vậy, quan tâm đến những bài học thực tiễn, UEF luôn chú trọng vào những buổi chia sẻ, chuyên đề học thuật nhằm tạo hứng thú, đem đến cái nhìn toàn diện về ngành nghề cho sinh viên. 
Mong rằng bằng sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà trường cùng những kiến thức hữu ích về ngành nghề, UEFers sẽ tìm được con đường đúng đắn, phù hợp cho tương lai.
 
Phương Anh
Ảnh: Nguyên Võ
TIN LIÊN QUAN