Tin tức sự kiện

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc được hướng dẫn cách xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học hiệu quả

01/03/2023
Nhằm trang bị thêm kiến thức cũng như thúc đẩy tinh thần nghiên cứu cho các bạn sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Khoa Ngôn ngữ và văn hóa quốc tế UEF đã tổ chức buổi workshop “Sinh viên với nghiên cứu khoa học”. Hoạt động đã mang đến góc nhìn tổng quan, cung cấp những thông tin cần thiết để sinh viên xây dựng một sản phẩm nghiên cứu đạt yêu cầu. 
 

Workshop thu hút đông đảo sinh viên tham gia
 
Chương trình có sự tham dự của TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nguyễn Thị Lan - Phó Trưởng Khoa Ngôn ngữ và văn hóa quốc tế, ThS. Lâm Minh Huy và thầy Lê Thanh Huy - Giảng viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. 
Đồng hành với sinh viên UEF trong workshop lần này là TS. Trần Khai Xuân - Trưởng bộ môn Phương pháp giảng dạy tại Đại học sư phạm TP.HCM.
Phát biểu mở đầu chương trình, TS. Nhan Cẩm Trí cho biết: “Đối với sinh viên khối ngành ngôn ngữ, việc nghiên cứu khoa học có phần khó hơn các lĩnh vực khác. Mặc dù là ngành học còn trẻ ở UEF nhưng ngành Ngôn ngữ Trung Quốc đã có sự nỗ lực rất lớn trong việc tổ chức nhiều hoạt động cho sinh viên. Đây là tinh thần đáng khích lệ. Hy vọng hoạt động này sẽ gieo những "hạt giống" tốt trong "mảnh vườn" nghiên cứu khoa học của ngành Ngôn ngữ Trung Quốc UEF”.
 

TS. Nhan Cẩm Trí hy vọng sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc sẽ có nhiều đề tài nghiên cứu trong năm học này
 
Xuyên suốt buổi workshop, UEFers đã được lắng nghe TS. Trần Khai Xuân chia sẻ các kiến thức tổng quan để làm nghiên cứu khoa học hiệu quả. Theo đó, cô đã nói về việc xác định tên đề tài, xác định tính cấp thiết của đề tài, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng nghiên cứu và xác định kết quả. 
 

TS. Trần Khai Xuân hướng dẫn UEFers các nguồn tra cứu tài liệu uy tín 
 
Trong đó, cô lưu ý đến sinh viên về việc đặt tên đề tài cần ngắn gọn, có nội dung xác định; chứa đựng vấn đề nghiên cứu, phản ánh cô đọng nội dung; mang đơn nghĩa; diễn đạt bằng 1 câu; nên bắt đầu bằng: nghiên cứu, triển khai, xây dựng, soạn thảo, biên soạn,… Những vấn đề cần lưu ý khi đặt tên là tránh những từ mang tính bất định, không được quá dài và chứa quá nhiều mục tiêu.
 


Sinh viên chăm chú lắng nghe và tương tác cùng diễn giả
 
Sau tên đề tài, bước xác định mục tiêu và xác định kết quả (sản phẩm nghiên cứu) được diễn giả nhấn mạnh là điểm quan trọng nhất trong nghiên cứu. Cô cho biết, sản phẩm của đề tài khoa học là kết quả cần đạt được cuối cùng của đề tài. Đây là những kết quả cần đánh giá trong quá trình nghiệm thu tổng kết đề tài. Mỗi sản phẩm cần phải nêu chi tiết về yêu cầu chất lượng cần đạt thông qua các chỉ tiêu kỹ thuật hoặc tiêu chí cụ thể. Các sản phẩm có thể được phân loại thành 3 nhóm chính: I, II, III. 
Những chia sẻ của diễn giả đã giúp sinh viên tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Đây sẽ  là nền tảng vững chắc giúp các bạn tự tin tham gia các sân chơi học thuật, nghiên cứu khoa học của Khoa, trường.
 
Quy Nguyễn - Khánh Vy
TIN LIÊN QUAN