Hội nghị khoa học

Đa dạng góc nhìn về biến đổi xã hội, ngôn ngữ và quản trị toàn cầu ​tại Hội nghị CSLG 2024

22/05/2024

Với 20 tham luận được trình bày, Hội nghị khoa học quốc gia: Biến đổi xã hội, ngôn ngữ và quản trị toàn cầu - CSLG 2024 đã mang đến nhiều góc nhìn mới mẻ, thiết thực về các vấn đề liên quan đến xã hội, ngôn ngữ, luật, quan hệ quốc tế và quan hệ công chúng, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số. Hội nghị do UEF phối hợp với Cục Công tác phía Nam (nay là Văn phòng phía Nam) - Bộ Khoa học công nghệ tổ chức, diễn ra vào sáng 22/5. 


Hoạt động là diễn đàn kết nối, giao lưu học hỏi của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực trên, đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động hợp tác giảng dạy khối ngành khoa học xã hội và ngôn ngữ trong các cơ sở đào tạo. 
 










Hội nghị có sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước





Trước đó, các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên có dịp tham quan khu trưng bày văn hóa các nước
 
Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó chánh Văn phòng Bộ, Giám đốc văn phòng Phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ; TS. Nguyễn Minh Nhựt - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân TP.HCM; ThS. Trần Đức Sự - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ, Thành Đoàn TP.HCM; ThS. Hoàng Sơn Giang - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Phát triển dự án, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ, Thành Đoàn TP.HCM. 
Bên cạnh đó là sự góp mặt của lãnh đạo, giảng viên, đại diện các đơn vị: HUTECH, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG, TP.HCM; Trường Đại học An Giang - ĐHQG, TPHCM;...
Về phía UEF có sự tham dự của các thành viên Hội đồng trường, Ban giám hiệu, lãnh đạo và giảng viên, nhân viên các Khoa, Phòng, Viện, Trung tâm. 
Phát biểu tại khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “Đây là lần thứ 5 Cục Công tác phía Nam (nay là Văn phòng phía Nam), Bộ Khoa học công nghệ đồng hành với UEF tổ chức các Hội nghị, Hội thảo quy mô cấp quốc gia. Chúng tôi khẳng định những công trình nghiên cứu được gửi về đều đạt chất lượng cao và sự lựa chọn của UEF để đưa ra trình bày trong Hội nghị rất đáng tin cậy. Trong nhiều năm qua, UEF đã rất nỗ lực trong việc tổ chức các sự kiện về nghiên cứu khoa học, từ phạm vi nhỏ ở UEF và các cộng đồng có liên quan nay đã lan tỏa ra phạm vi cả nước và quốc tế”. 
 

Ông Trần Mạnh Cường đánh giá cao nỗ lực của UEF trong các hoạt động về nghiên cứu khoa học
 
Theo chia sẻ từ TS. Ngô Minh Hải - Phó Hiệu trưởng UEF, Trưởng Ban tổ chức, Hội nghị CSLG 2024 đã nhận được hơn 120 công trình nghiên cứu từ các nhà khoa học của 36 đơn vị trong và ngoài nước, trong đó, 73 bài báo đã được chọn. Những số liệu thực tế trên đã cho thấy sự quan tâm của các nhà nghiên cứu về chủ đề này. “Hy vọng các công trình nghiên cứu góp phần thay đổi diện mạo xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau với triết lý làm cho xã hội nhân văn, thịnh vượng” - Phó Hiệu trưởng UEF đặt kỳ vọng. 
 

TS. Ngô Minh Hải chia sẻ trong buổi khai mạc Hội nghị
 
Tại Hội nghị, UEF đã cùng Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ, Thành Đoàn TP.HCM ký kết hợp tác chương trình nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ. Cái “bắt tay” giữa hai bên nhằm thúc đẩy tinh thần nghiên cứu của người trẻ và hỗ trợ thiết thực cho các công trình, đề tài chất lượng, tạo động lực phát triển phong trào này. 
Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị, các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên có dịp tham quan triển lãm sản phẩm văn hóa như trang phục, ẩm thực của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. 
 
 


Việc ký kết hợp tác giữa hai đơn vị tạo động lực cho các nhà nghiên cứu trẻ
 
Ngay sau chương trình khai mạc, Hội nghị đã bắt đầu Phiên báo cáo toàn thể với nghiên cứu "Leading Together - Why Shared Leadership Wins" của GS. Thomas Wilhelm và "Researching and Teaching English in the Digital Age" của TS. John R. Baker. 
Nghiên cứu của GS. Thomas Wilhelm đã tiếp cận sâu các khía cạnh của “shared leadership”. Nhà nghiên cứu đã cung cấp bức tranh tổng thể về vấn đề này, đi sâu vào phân tích những biểu hiện, lợi ích và cách thức thực hiện. Theo đó, nghiên cứu chỉ ra rằng “shared leadership” có thể được thể hiện bằng 4 yếu tố về lòng tin, hiệu suất, điểm mạnh và trách nhiệm. Tác giả cũng làm rõ, các nhà lãnh đạo được thúc đẩy bởi nguyên tắc truyền đạt kiến ​​thức và nhằm mục đích cung cấp sự minh bạch cho đội/nhóm. Đây là mô hình lãnh đạo nhằm tạo động lực để mang lại lượng giá trị lớn hơn trong một khoảng thời gian ngắn hơn khi mỗi thành viên được cung cấp hành động linh hoạt hơn và không bị giới hạn quá nhiều bởi bộ máy quan liêu.
Trong khi đó, TS. John R. Baker đã chia sẻ cùng Hội nghị những góc nhìn về việc nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh gắn với sự phát triển chung của xã hội. Nghiên cứu chỉ ra từng bước tiếp cận, cách thức thực hiện và tìm kiếm nguồn dữ liệu đáng tin cậy để giảng viên, nhà nghiên cứu có thể vận dụng. 
 


Hai diễn giả người nước ngoài mang đến những góc nhìn mới mẻ
 
Sau phiên tổng thể, Hội nghị tiếp tục diễn ra 5 phân ban song song với 15 đề tài thảo luận về các chủ đề: Pháp luật trong thế giới biến đổi; Nghiên cứu và dạy học tiếng Anh trong thời đại kỹ thuật số; Xu hướng biến đổi trong xã hội, ngôn ngữ và quan hệ quốc tế ở Nhật Bản; Xu hướng biến đổi trong xã hội, ngôn ngữ và quan hệ quốc tế ở các nước Hàn, Trung và Law in a Changing World. Trước đó, phân ban nghiên cứu về “Chuyển động của TP.HCM trong bối cảnh toàn cầu mới” đã diễn ra thành công tốt đẹp vào ngày 14/5. 
 





15 đề tài được thảo luận sôi nổi tại các phân ban
 
Sự thành công của Hội nghị đã cung cấp thêm nhiều góc nhìn mới mẻ, bám sát xu hướng phát triển của xã hội trong các lĩnh vực luật, quan hệ quốc tế, quan hệ công chúng, truyền thông và ngôn ngữ. Thông qua hội nghị, các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đã có dịp trao đổi, chia sẻ quan điểm với từng mảng chuyên môn nghiên cứu. Từ đó, nhiều giải pháp, đề xuất đã được đưa ra, góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại và xây dựng hướng phát triển mới nhằm nâng cao chất lượng xã hội, giáo dục trong các lĩnh vực. 
 
TT.TT-TT
TIN LIÊN QUAN
Công bố Khoa học
Clarivate
Scopus
13
Năm xây dựng và phát triển
980+
Bài đăng trên tạp chí
380+
Lượt trích dẫn