Nghiên cứu khoa học của Giảng viên

Cán bộ, giảng viên UEF tích cực tham gia lớp tập huấn kỹ năng viết bài và công bố bài báo khoa học

15/08/2023
“Lớp tập huấn kỹ năng viết bài và công bố bài báo khoa học quốc tế” là hoạt động được Viện Đào tạo Sau đại học và Khoa học công nghệ UEF tổ chức trong hai ngày 15 và 16/8 với mong muốn tạo môi trường thuận lợi giúp các thầy cô cán bộ, giảng viên trau dồi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực nghiên cứu khoa học (NCKH). Đây cũng là dịp để các nghiên cứu sinh tìm hiểu về những thách thức và thuận lợi khi thực hiện báo cáo khoa học quốc tế, từ đó tìm ra định hướng phát triển mới cho công trình nghiên cứu của mình trong tương lai. 
Vào ngày 15/8, buổi tập huấn đầu tiên đã diễn ra thành công với sự dẫn dắt, chia sẻ của TS. Ngô Minh Hải – Trưởng Khoa Kinh tế. Thông qua những góc nhìn mới mẻ cũng như bề dày kinh nghiệm từ chuyên gia, các thầy cô Nhà UEF đã được tiếp cận sâu hơn về 2 nội dung chính là thiết kế nghiên cứu (Research Design) và phương pháp luận nghiên cứu (Research Onion).
 
Buổi tập huấn nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo của cán bộ, giảng viên UEF

Tham dự buổi tập huấn có TS. Hồ Viễn Phương - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, ThS. Nguyễn Phạm Hải Hà – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học và Khoa học công nghệ cùng sự tham gia của đông đảo cán bộ, giảng viên và nghiên cứu sinh tại UEF. 
Phát biểu mở đầu sự kiện, TS. Hồ Viễn Phương đã cùng các thầy cô nhìn lại chặng đường NCKH của tập thể giảng viên, sinh viên Nhà UEF trong thời gian qua. Thầy nhận định rằng NCKH là hoạt động có đóng góp to lớn trong việc khẳng định chất lượng đào tạo và nghiên cứu của đơn vị. Chính vì thế mà thông qua những sự kiện thế này, thầy hy vọng các thầy cô có thể đúc kết thêm nhiều kinh nghiệm mới, hoàn thiện bản thân và tiếp tục đẩy mạnh các phong trào NCKH của Nhà trường.
 
TS. Hồ Viễn Phương khẳng định tầm quan trọng của hoạt động NCKH đối với giảng viên 

Nội dung chính của buổi tập huấn tập trung đi tìm đáp án cho câu hỏi: “Làm thế nào để xây dựng và lan tỏa thành công các bài báo khoa học đến với khách hàng mục tiêu?”. Để giải quyết vấn đề này, nhiều khía cạnh khác nhau trong quá trình thực hiện NCKH như: Xác định đề tài, lĩnh vực nghiên cứu; Cách đặt câu hỏi nghiên cứu hiệu quả; Phương pháp tìm ra điểm mới;... đã được hướng dẫn và “bóc tách” một cách triệt để.
Kết thúc các buổi học, nghiên cứu sinh được kỳ vọng sẽ có đủ năng lực để hoàn thiện một bài báo cáo chất lượng tại các hội thảo, đồng thời có thể đánh giá, tìm ra điểm mạnh và yếu trong công trình nghiên cứu của những tác giả khác. 
Mở đầu bằng các nội dung xoay quanh vấn đề “Thiết kế nghiên cứu”, TS. Ngô Minh Hải cho biết việc đầu tiên mà nghiên cứu sinh cần thực hiện trước khi bắt đầu công trình của mình là xác định các khái niệm nghiên cứu (Conceptual research). Quy trình này có thể được thực hiện thông qua mô hình “Research Tree” - Phương pháp giúp các giảng viên định hình bản chất vấn đề, mô hình nghiên cứu, lập luận và các phương pháp đo lường hiệu quả. 
 

TS. Ngô Minh Hải mang đến những thông tin bổ ích về thiết kế nghiên cứu và phương pháp luận nghiên cứu 
 
Việc xác định thành công các yếu tố trên sẽ giúp nghiên cứu sinh có được bức tranh tổng quan về công trình nghiên cứu mà mình đang thực hiện, từ đó tìm ra điểm mới (Research gap). Đây được đánh giá là một bước đệm mang tính thách thức và rất quan trọng trong việc quyết định thành công của một công trình nghiên cứu.
Đặc biệt, đặt trong bối cảnh thị trường “mua - bán” bài báo khoa học ngày càng phổ biến như hiện nay, người thực hiện nghiên cứu cần có sự cẩn thận khi tìm kiếm và chọn lọc thông tin để tìm ra các định nghĩa phù hợp nhất với nhận thức của công chúng. 
Lựa chọn phương pháp nghiên cứu hiệu quả cũng là một trong những vấn đề được chú trọng triển khai tại buổi tập huấn. Thông qua mô hình “Research Onion”, các thầy cô Nhà UEF đã được tìm hiểu sâu hơn về cách sử dụng, mục tiêu cũng như ảnh hưởng của từng phương pháp nghiên cứu đến với hiệu quả tổng thể của bài báo cáo. Theo TS. Ngô Minh Hải, thu thập dữ liệu hiệu quả sẽ là tiền đề quan trọng tạo nên một công trình nghiên cứu thành công. 
 

Giảng viên Nhà UEF tích cực chia sẻ về các đề tài nghiên cứu của mình

Với châm ngôn “Learning by doing”, buổi tập huấn đặc biệt chú trọng vào sự tương tác giữa thầy cô và báo cáo viên. Theo đó, bên cạnh lắng nghe những thông tin bổ ích từ TS. Ngô Minh Hải, trong suốt buổi học các giảng viên cũng tích cực đặt câu hỏi và thoải mái chia sẻ về ý tưởng của mình cũng như một số điểm nổi bật trong quá trình nghiên cứu. 
Trong suốt buổi tập huấn, giảng viên Nhà UEF còn có cơ hội áp dụng các kiến thức vừa được tích lũy vào các mô hình nghiên cứu thực tiễn thông qua nhiều hoạt động nhóm bổ ích. Đây là cơ hội để các thầy cô tăng cường sự gắn kết, đồng thời trau dồi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. 
 



Các thầy cô thực hành các phương pháp nghiên cứu hiệu quả

Khép lại buổi tập huấn, giảng viên Nhà UEF đã tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích liên quan đến NCKH nói chung và các phương pháp nghiên cứu nói riêng. Đây sẽ là nền tảng để các thầy cô tích lũy kinh nghiệm, triển khai các bài báo cáo khoa học dễ dàng hơn. 
 
Anh Thy
Ảnh: Lâm Trần - Thành Thắng
TIN LIÊN QUAN