Tin tức sự kiện

Khoa QHCC-TT mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế qua chuyến tham quan học tập tại ĐH Chiết Giang

26/07/2023
Vừa qua, Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông (PRC) UEF đã có chuyến tham quan học tập nhiều trải nghiệm tại ĐH Chiết Giang (Trung Quốc), nhằm nâng cao chuyên môn về truyền thông và mở rộng cơ hội hợp tác giữa hai trường trong thời gian tới.

Chuyến đi có sự tham dự của PGS.TS. Hoàng Thị Hồng Hà - Trưởng Khoa; TS. Đặng Anh Lực - Phó Trưởng Khoa;  ThS. Hoàng Mi - Trưởng ngành Quan hệ công chúng; ThS. Phạm Thái Hiền - Trưởng ngành Công nghệ truyền thông; ThS. Huỳnh Cẩm Thúy và cô Trương Công Bảo Thư - Giảng viên. Trong đó, ThS. Hoàng Mi hiện là nghiên cứu sinh tại Khoa Truyền thông và Văn hóa quốc tế, Đại học Chiết Giang với học bổng toàn phần, và cũng là một trong số bốn sinh viên Việt Nam tại trường.
Đoàn BCN và Giảng viên PRC – UEF chụp hình lưu niệm cùng TS. Li Siyue - đại diện Khoa Truyền thông và Văn hóa quốc tế ĐH Chiết Giang
 
Trường hè (Summer School) về Lý thuyết Truyền thông Quốc tế và Phương pháp Nghiên cứu là chương trình thường niên được Khoa Truyền thông và Văn hóa quốc tế tổ chức từ năm 2004 đến nay. Ngoài việc cung cấp các bài giảng từ các giáo sư nổi tiếng trên toàn thế giới, khóa học còn cung cấp cơ hội thảo luận và trình bày báo cáo, nhằm tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề chính mà cộng đồng học thuật truyền thông quốc tế đang đối mặt và thúc đẩy sự đổi mới lý thuyết và phương pháp trong các lĩnh vực nghiên cứu liên quan. Với chủ đề “Sự bình đẳng về kỹ thuật số toàn cầu: cuộc cách tân về công nghệ và sự thay đổi của xã hội” (Global Digital Equality: Technological Evolution an Social Change), chương trình năm nay quy tụ sự tham dự của các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới như Mỹ, Hồng Kông, Singapore... tham gia trao đổi học thuật với nhiều quan điểm, khía cạnh và phương pháp khác nhau, và cùng chia sẻ lý thuyết và thực tiễn về bình đẳng kỹ thuật số toàn cầu.

TS Đặng Anh Lực tặng quà cho học giả cùng tham gia chương trình tại ĐH Chiết Giang (Trung Quốc)

Chương trình còn tạo cơ hội giao lưu giữa PRC và các bạn bè quốc tế qua chuyến thực địa tại khu di tích thành phố Liangzhu (Lương Chử) ở Hàng Châu, Trung Quốc. Tại đây, Ban Chủ Nhiệm (BCN) PRC – UEF cũng đã tham gia trả lời phỏng vấn của các bạn sinh viên của trường ĐH Chiết Giang, chia sẻ cảm nhận của Đoàn về những di tích, cổ vật và cách bảo tồn, quảng bá văn hóa khi tham gia trải nghiệm thực địa.

Đoàn BCN và Giảng viên PRC – UEF cùng các học giả quốc tế trong chuyến thực địa tại Liangzhu (Hàng Châu, Trung Quốc)​


ThS. Hoàng Mi đại diện Đoàn PRC (UEF) trả lời phỏng vấn
 
Bảo tàng Liangzhu trưng bày các vật phẩm bằng ngọc tinh xảo của bốn hoặc năm ngàn năm trước đã được khai quật từ các địa điểm của Liangzhu và các khu vực xung quanh. Tại đây, bạn không chỉ nhìn thấy các bảo vật thật mà còn tìm hiểu về cuộc sống hiện tại và quá khứ của văn hóa Liangzhu thông qua nhiều trải nghiệm tương tác khác nhau, có phòng chiếu phim và sân ngoài trời kiểu mái hiên xen kẽ với các yếu tố đại diện của văn hóa Liangzhu.

Đặc biệt, đoàn đã có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với BCN và giảng viên Khoa Truyền thông và Văn hóa quốc tế ĐH Chiết Giang để trao đổi về các cơ hội hợp tác trong thời gian tới như: tổ chức đồng giảng online; tổ chức chương trình trao đổi học thuật cho sinh viên, giao lưu văn hóa Việt- Trung; kết nối các giảng viên Việt Nam tham gia chương trình sau ĐH tại Trung Quốc...


PGS.TS. Hoàng Thị Hồng Hà tặng quà lưu niệm cho GS. Lu Wei - Trưởng Khoa Truyền thông và Văn hóa quốc tế, ĐH Chiết Giang (Trung Quốc)
 
Sau chuyến đi thực tế lần này, ngoài việc giao lưu, học hỏi giữa PRC với Khoa Truyền thông và Văn hóa quốc tế nói riêng và các bạn bè quốc tế nói chung, các giảng viên của Khoa đã cập nhật nhiều góc nhìn, xu hướng mới về nghiên cứu ở lĩnh vực truyền thông, cũng như nắm bắt cơ hội hợp tác đào tạo trong năm học sắp tới.
 
Đại học Chiết Giang (Zhejiang University) tọa lạc tại thành phố được mệnh danh là “Thiên đường hạ giới” – thành phố Hàng Châu. Đây là một trong những trường mang tính nghiên cứu, tổng hợp quy mô lớn nhất và hội tụ đủ các lĩnh vực ngành nghề ở Trung Quốc hiện nay. Trường có 7 phân khu và 39 Khoa, là một trong những trường có ảnh hưởng lớn trên quốc tế: Top 3 các trường ĐH hàng đầu Trung Quốc và Top 50 các Trường ĐH hàng đầu thế giới theo tiêu chí của QS World University Ranking năm 2023.

Khoa Truyền thông và Văn hóa quốc tế, thuộc ĐH Chiết Giang thành lập từ năm 2006, với chuyên ngành báo chí xuất hiện đầu tiên từ năm 1958, vào thời điểm sớm nhất về đào tạo báo chí ở Trung Quốc. Hiện nay, Khoa đang đào tạo các chương trình bằng 2 ngôn ngữ tiếng Trung và tiếng Anh. Đối với các chương trình bằng tiếng Anh, gồm có cử nhân về quản trị và truyền thông toàn cầu; thạc sĩ về truyền thông và kinh doanh; tiến sĩ về truyền thông toàn cầu.
Cẩm Thúy
TIN LIÊN QUAN