Tin tức sự kiện

NSƯT Hữu Danh lan tỏa những giá trị đặc sắc của bộ môn nghệ thuật truyền thống Hát bội đến UEFers

19/05/2022
Hát bội là loại hình nghệ thuật sân khấu xuất hiện ở nước ta vào thế kỷ XIII và phát triển đỉnh cao vào thời Tự Đức (1848 - 1883). Cùng với cải lương và đờn ca tài tử, Hát bội đã trở thành “đặc sản” ở các lễ hội của người dân Nam bộ xưa.
Nhằm giúp thế hệ trẻ Nhà UEF có góc nhìn gần gũi và hiểu thêm về “món ăn tinh thần” này, sáng 12/5 vừa qua, khoa Quan hệ công chúng và truyền thông đã tổ chức chương trình giao lưu về nghệ thuật hát bội Nam bộ, thu hút sự tham gia của đông đảo UEFers.
 


Hoạt động mang đến cho người trẻ UEF nhiều kiến thức bổ ích về loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc
 
Với vốn kinh nghiệm, tình yêu và tâm huyết dành cho bộ môn này, NSƯT Hữu Danh và các nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật Hát bội đã mang đến cho sinh viên UEF nhiều thông tin, kiến thức bổ ích về nguồn gốc, xuất xứ, giá trị, ý nghĩa của Hát bội, nghệ thuật hóa trang và nhiều câu chuyện đời, chuyện nghề. Hơn hết là lan tỏa được nguồn năng lượng, tinh thần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc của những người đi trước đến thế hệ sau. 
 

Nhiều câu chuyện nghề được NSƯT Hữu Danh "bật mí"
 
Theo NSƯT Hữu Danh, Hát bội là loại hình nghệ thuật truyền thống đã có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam, được hình thành từ cuối thế kỷ XIII và đầu thế kỷ XIV. Đỉnh cao của loại hình này là vào thế kỷ thứ XIV dưới triều đại nhà Trần. Đến cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI thì bắt đầu không còn được coi trọng, đỉnh điểm là vào thế kỷ thứ XVII, ở Đàng Ngoài, con của kép hát bị cấm tuyệt đối trong các kỳ thi cử. 
 




Hóa trang là yếu tố quan trọng tạo nên thành công cho một tuồng Hát bội 
 
“Nghệ thuật hát xướng phát triển mạnh mẽ ở phía Nam là nhờ có Tả quân Lê Văn Duyệt, ông là người đã đem Hát bội vào Nam” - NSƯT Hữu Danh chia sẻ thêm.
Nhắc đến Hát bội, bên cạnh vũ đạo, cách hát thì không thể bỏ qua đặc điểm nhận dạng đầu tiên đó là hóa trang. Ai đã từng được xem Hát bội chắc hẳn không thể nào quên các gương mặt được vẽ đậm những mảng màu khác nhau thể hiện cho tính cách, hóa thân của từng nhân vật trong vở diễn. Nói đến vấn đề này, các nghệ sĩ đã cung cấp cho sinh viên cách đề phân biệt: Mặt đỏ - Trung thành, nghĩa khí, người tốt; Mặt trắng - Gian thần sủng nịnh, kẻ xấu, hay làm hại người khác; Mặt xanh - Người thông tuệ trí lược, liều lĩnh nhưng yểu mệnh; Mặt vàng nhạt - Tính cách từ bi, nhân hậu; Mặt đen - Người hiền hậu, ít hằn học, thường là người nông dân; Mặt vằn, mang râu - Hay nóng giận, tức giận và có sức khỏe phi thường.
 




UEFers được thưởng thức màn trình diễn đặc sắc của các nghệ sĩ
 
Bên cạnh tiếp thu kiến thức, UEFers còn có cơ hội thưởng thức màn trình diễn Hát bội chỉn chu, chuyên nghiệp của các nghệ sĩ. Các bạn sinh viên cũng không giấu được sự thích thú, liên tục đặt ra nhiều câu hỏi để hiểu rõ hơn về nét văn hóa đặc sắc này của dân tộc. 
Dưới sự hướng dẫn tận tình của NSƯT Hữu Danh và nghệ sĩ Lê Bảo Châu, các bạn sinh viên cũng được trải nghiệm để trở thành “nghệ sĩ” Hát bội. Với tinh thần cầu thị, thực hiện hai mảng vũ đạo và giả giọng, UEFers đã để lại nhiều ấn tượng cho các “tiền bối”. 
 





Sinh viên bày tỏ sự thích thú và tích cực tương tác cùng các nghệ sĩ
 
Những chia sẻ của các nghệ sĩ phần nào giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về loại hình nghệ thuật độc đáo, đáng tự hào của dân tộc. Qua đó, UEFers càng thêm thấu hiểu và trân trọng các giá trị truyền thống, góp phần nuôi dưỡng tình yêu và phát huy tinh thần gìn giữ văn hóa, bản sắc nước nhà. 
 
TT.TT-TT
 
TIN LIÊN QUAN