Tin tức sự kiện

Ứng dụng văn học vào truyền hình, môn học kết hợp thực tiễn giúp sinh viên khơi nguồn sáng tạo

10/12/2021
Văn học là một "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong cuộc sống, bên cạnh cung cấp kiến thức cần thiết, văn học giúp cho cuộc sống thi vị hơn và khơi dậy nhiều tâm tư, tình cảm của con người. Văn học cũng tô màu cho nhiều lĩnh vực khác, trong đó có truyền hình. Việc ứng dụng văn học vào truyền hình là ý tưởng sáng tạo của người sản xuất nội dung.
Nhằm giúp sinh viên hình dung rõ hơn về lĩnh vực này, sáng nay - 10/12, khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông UEF đã tổ chức buổi học kết hợp thực tiễn với chủ đề “Văn học và Truyền hình: Những sáng tạo bất tận”. 
Đây là nội dung mở màn của hoạt động đưa thực tiễn vào môn học của học kì 1B. Chủ đề “Văn học và Truyền hình: Những sáng tạo bất tận” thuộc môn Văn học ứng dụng của TS. Hồ Khánh Vân – Giảng viên khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông. 
 



Khách mời Minh Hiếu đã mang đến cho sinh viên nhiều kiến thứ mới mẻ trong việc ứng dụng văn học vào truyền hình 
 
Diễn giả của buổi học là anh Lê Huỳnh Minh Hiếu - Giám sát sản xuất chương trình Công ty Sen vàng, Giảng viên thỉnh giảng chuyên ngành Biên kịch điện ảnh - Truyền hình, Khoa Văn học, Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM.
Để sinh viên nhận biết việc ứng dụng văn học vào truyền hình, đầu buổi học, cô Khánh Vân đã cho các bạn theo dõi tác phẩm hài “Chí Phèo” trong gameshow “Ơn giời, cậu đây rồi”. 
 
 
Ví dụ về tác phẩm văn học “Chí Phèo” ứng dụng vào gameshow truyền hình 
 
Chia sẻ về chủ đề này, anh Minh Hiếu trước tiên đã chỉ ra những yếu tố cơ bản cấu thành nên một tác phẩm văn học, bao gồm ngôn từ nghệ thuật, chủ đề, thông điệp tư tưởng, đề tài, kết cấu, nhân vật, cốt truyện. Trong khi đó, chương trình truyền hình có nhiều thể loại như talkshow, gameshow, chương trình thực tế. 
Khi sản xuất một chương trình truyền hình có yếu tố văn học, diễn giả cho biết cần có các kịch bản của đường dây, MC và tác phẩm văn học để đảm bảo nội dung hợp lý và sáng tạo.
 
 

Phải đảm bảo 3 yếu tố kịch bản đường dây, MC và văn học để truyền tải thông điệp phù hợp
 
Nhiều tác phẩm ấn tượng được phát sóng trên truyền hình sử dụng chất liệu từ văn học: thơ, ca dao, tục ngữ, tác phẩm tự sự. Chất liệu thơ thường được sử dụng trong lời dẫn tiết mục, bài hát, lời bình của một tác phẩm nghệ thuật đang trình diễn, đối đáp, pha trò, tương tác trong một số chương trình truyền hình thực tế,... Ngoài ra, ca dao, tục ngữ cũng được sử dụng trong những trường hợp này. 
Đối với tác phẩm tự sự, những trường hợp thường thấy là chuyển thể truyện ngắn thành phim ngắn, tiết mục trình diễn phát trên truyền hình; chuyển thể truyện dài thành phim truyền hình, trích một đoạn đặc sắc trong truyện để tái hiện thành một tác phẩm dự thi theo chủ đề. Ngoài ra, sử thi, cổ tích, truyền thuyết,… cũng được vận dụng, sáng tạo trong việc dàn dựng các tiết mục theo chủ đề ở phần dự thi, trình diễn. Những tác phẩm này được vận dụng thường xuyên làm đề tài, chất liệu cho các phần thi, trình diễn ở các chương trình truyền hình. 
 
 

Những chất liệu từ văn học đã góp phần tạo sự ấn tượng cho các chương trình truyền hình 
 
Trong phần hỏi đáp trực tiếp, các bạn sinh viên được giải thích về các vấn đề như cách đưa chất liệu văn học vào truyền hình hợp lý và tinh tế, cách tiết chế để không vi phạm nội quy của truyền hình, việc sáng tạo có giới hạn, cách giữ giá trị cốt lõi của văn học nhưng vẫn tạo được yếu tố thú vị,… 
Với những chia sẻ bổ ích diễn giả trong buổi học, các bạn sinh viên đã khám phá thêm một lĩnh vực thú vị liên quan đến ngành học. Đây cũng là cơ sở cho các bạn yêu thích sáng tạo nội dụng có thêm động lực để rèn luyện kỹ năng, phát triển ý tưởng, đặc biệt trong lĩnh vực văn học và truyền hình. 
 
Nguyên Lê (TT.TTTT) 
TIN LIÊN QUAN