Nghiên cứu khoa học của Giảng viên

KHOA QUẢN TRỊ DU LỊCH & KHÁCH SẠN NÂNG TẦM CHẤT LƯỢNG HỘI THẢO KHOA HỌC NĂM 2018 - 2019

30/05/2019

Với chủ đề “Chiến lược quảng bá và xây dựng thương hiệu cho ngành du lịch và khách sạn Việt Nam”, hội thảo khoa học năm học 2018-2019 của khoa QTDL-KS đã cho thấy một bước tiến vượt bậc về chất lượng nội dung nghiên cứu cũng như số lượng bài viết và quy mô đại biểu tham dự. Diễn ra vào ngày 29/05/2019 tại phòng họp lầu 3, cơ sở 276 Điện Biên Phủ với sự tham dự của ông Đỗ Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị UEF, PGS.TS. Ngô Cao Cường - Phó Hiệu trưởng thường trực, ThS. Nguyễn Mạnh Dũng - Trưởng Phòng Đào tạo cùng với gần 30 cán bộ giảng viên, sinh viên và đại diện doanh nghiệp, khách mời bên ngoài trường.

Mở đầu chương trình, TS. Trần Văn Thông thay mặt Chủ tọa đoàn phát biểu đề dẫn, định hướng thảo luận cho Hội thảo khoa học cấp khoa năm 2018, vui mừng thông báo danh sách những bài viết mà Ban tổ chức đã nhận được với Hội thảo lần thứ hai được tổ chức này. Sau đó, ThS. Nguyễn Vương Hoài Thảo trình bày tham luận với đề tài “Đánh giá thực trạng và hiệu quả Marketing du lịch của Tập đoàn IHG trong hoạt động kinh doanh khách sạn tại Việt Nam”, phân tích làm rõ cơ sở lập luận cho việc thực hiện chiến lược Marketing du lịch của Tập đoàn IHG và mối tương quan so sánh, sự khác biệt với những doanh nghiệp đối thủ như Accor và Marriott.


Phần báo cáo thứ hai của ThS. Lê Phương Giao Linh với đề tài: “Chiến lược xây dựng hình ảnh thương hiệu điểm đến cho du lịch Việt Nam giai đoạn 2020-2030”, trong đó nhấn mạnh về cơ sở lý thuyết của các khái niệm thương hiệu điểm đến, chiến lược quảng bá du lịch và thương hiệu quốc gia đã giúp các đại biểu hiểu hơn về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, bản sắc và đặc điểm thương hiệu hay thành tựu nổi bật của ngành du lịch Việt Nam trên trường quốc tế là gì. Hình ảnh thương hiệu chiếm một vai trò chủ chốt trong quá trình lựa chọn điểm đến, đặc biệt đối với khách du lịch thuần tuý. Hình ảnh của điểm đến được tạo ra từ những tác động trực tiếp và gián tiếp như: Marketing trực tiếp, các phương thức giao tiếp Marketing khác và quan điểm của du khách về các yếu tố như tính an toàn, khả năng chi trả, khả năng tiếp cận và các đặc điểm hấp dẫn.

ThS. Ngô Thanh Phương Quỳnh báo cáo đề tài “Đánh giá năng lực cạnh tranh của một số điểm đến tiêu biểu tại Việt Nam” nhằm làm rõ cơ sở lý thuyết và thực tiễn của năng lực cạnh tranh trong du lịch của các địa phương, vùng miền tại Việt Nam là gì, tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh ra sao.

Ngày nay kinh doanh du lịch đã được mở rộng hơn bất cứ ngành kinh tế nào khác trên phạm vi toàn cầu. Hoạt động du lịch ở Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế phát triển chung của thế giới và khu vực. Do lợi thế về vị trí địa lý, kinh tế - chính trị, lại có nguồn tài nguyên dồi dào, Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và có khả năng trở thành một điểm đến hấp dẫn trong khu vực.

Tiếp đó, công trình nghiên cứu “Áp dụng Tiêu chuẩn Khách sạn xanh ASEAN tại khu nghỉ dưỡng Melia Hồ Tràm Retreat” do ThS. Dương Bảo Trung thực hiện đã được các đại biểu dự hội thảo đánh giá cao về tính mới, tính thiết thực và gợi mở ra cho giới nghiên cứu nhiều suy nghĩ, trăn trở của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trong việc áp dụng Tiêu chuẩn Khách sạn xanh ASEAN hoặc các quy định, chính sách chiến lược quốc tế đối với phát triển du lịch bền vững, kinh tế xanh (Green economy) và mục tiêu Thiên niên kỷ SDGs của Liên hợp quốc.


Sau khi nghe ThS. Lê Thế Hiển trình bày tham luận về “Phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực Đồng Tháp trong lĩnh vực du lịch sinh thái - cộng đồng”, các đại biểu dự hội thảo cũng đã có phần hỏi đáp giao lưu chia sẻ một số khái niệm, đặc điểm và nguyên tắc đặc trưng của du lịch ẩm thực và du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Thực tế hơn một thập kỷ qua cho thấy, Văn hóa ẩm thực của người Khmer Nam Bộ vô cùng phong phú và đa dạng trong việc tận dụng, sáng tạo và khéo léo kết hợp các nguyên liệu từ môi trường thiên nhiên và đã đóng góp những thành tựu không nhỏ trong việc phát triển du lịch. Nhân thức được điều đó, tác giả tập trung phân tích các giá trị đặc trưng của Văn hóa ẩm thực Khmer Nam Bô nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tọa Hội thảo TS. Trần Văn Thông, Trưởng khoa QTDL-KS tuyên bố kết luận buổi họp, tóm tắt các ý kiến trao đổi và ghi nhận những đề tài tham luận đã trình bày, thay mặt tổ thư ký, ThS. Lê Phương Giao Linh đã đọc dự thảo biên bản hội nghị và các đại biểu trao đổi ý kiến thảo luận để thông qua biên bản như đã nêu.

Đại diện Ban giám hiệu nhà trường - PGS.TS. Ngô Cao Cường đã nhận xét tổng quan về chất lượng của các bài nghiên cứu và những ưu điểm, mặt hạn chế của các công trình nghiên cứu. Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị UEF thay mặt lãnh đạo nhà trường chúc mừng hội thảo thành công tốt đẹp và bày tỏ sự đánh giá cao những nỗ lực tổ chức của Khoa QTDL-KS và tinh thần nghiêm túc trao đổi học thuật của các diễn giả trình bày tham luận cũng như các đại biểu tham gia chương trình.

TIN LIÊN QUAN