Nghiên cứu khoa học của Giảng viên

KHOA QUẢN TRỊ DU LỊCH - KHÁCH SẠN TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC 2020 - 2021

15/06/2021

Hội thảo nghiên cứu khoa học của giảng viên cấp khoa lần thứ tư đã được Quản trị Du lịch và Khách sạn tổ chức vào ngày 12/06/2021 tại Phòng họp Democracy, cơ sở 141 Điện Biên Phủ, thu hút hơn 30 đại biểu tham dự và giao lưu, thảo luận sôi nổi.
Mở đầu chương trình, TS. Trần Văn Thông - Trưởng khoa Quản trị Du lịch và Khách sạn UEF, Chủ tọa hội thảo đã trình bày báo cáo đề dẫn với chủ đề “Đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp du lịch tại Việt Nam”. Báo cáo xoay quanh vấn đề về đặc điểm của thời kỳ Toàn cầu hóa và chuyển đổi số ngành du lịch và đưa ra một số nhận định về thực trạng nền kinh tế - công nghiệp dịch vụ thế giới đã thay đổi thế nào từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19, và ngành Du lịch - Khách sạn  Việt Nam sẽ phải thay đổi ra sao để đáp ứng được với mục tiêu phát triển bền vững và thích nghi với giai đoạn “bình thường mới”, phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Ở phiên báo cáo đầu tiên trong lĩnh vực nguồn nhân lực du lịch, các đề tài được trình bày gồm: “Bồi dưỡng năng lực đa văn hóa và học tập suốt đời cho nguồn nhân lực du lịch trẻ của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ASEAN và toàn cầu hóa” của NCS.ThS. Lê Thế Hiển, “Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng về nghề nghiệp: nghiên cứu trường hợp của ngành Du lịch-Khách sạn tại Thành phố Hồ Chí Minh” của ThS. Đỗ Mạnh Tuấn, “Đánh giá năng lực và thực trạng nghề nghiệp của đội ngũ hướng dẫn viên trẻ tại TP. Hồ Chí Minh của ThS. Trần Đình Tuấn.

Các đại biểu dự hội thảo đã cùng thảo luận, đặt câu hỏi giao lưu ý kiến với các diễn giả về việc cơ sở lý thuyết của các khái niệm Năng lực đa văn hóa, kỹ năng Giao tiếp xuyên văn hóa và tinh thần Học tập suốt đời; làm thế nào để rèn luyện, bồi dưỡng cho sinh viên những kỹ năng thực hành xã hội và năng lực chuyên môn như mục tiêu trên; đề xuất làm rõ hơn một số trường hợp điển hình, kết quả khảo sát cụ thể tại các công ty lữ hành và cơ sở lưu trú, khách sạn trên địa bàn TP.HCM; đặc điểm và sự khác biệt, những ưu/khuyết điểm của lực hượng hướng dẫn viên trẻ tại TP.HCM so với mặt bằng chung của lao động cả nước là gì.
Ở phiên báo cáo thứ 2, các đề tài nghiên cứu tập trung khái quát thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trong bối cảnh hậu đại dịch và tiềm năng, định hướng phát triển ngành du lịch - khách sạn trong tương lai như: “Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng của blogger du lịch đến sự lựa chọn điểm đến tại Việt Nam - NCS.ThS. Dương Bảo Trung, “Phân tích tiềm năng phát triển kinh tế và đề xuất những giải pháp góp phần thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch các tỉnh miền trung Việt Nam” - ThS. Trần Xuân Thảo, “Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của thương hiệu điểm đến tại đồng bằng sông Cửu Long - CN.Nguyễn Minh Dũng. Sau phiên báo cáo tham luận, Đoàn Chủ tọa điều phối các khách mời của hội thảo tiến hành thảo luận, góp ý và nhận xét về đề tài, đưa ra vấn đề để phát triển và hoàn thiện hơn đề tài đã nghiên cứu.

Đại dịch Covid-19 có những ảnh hưởng tiêu cực và sâu rộng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, đặc biệt là rất nhiều doanh nghiệp Lữ hành, Nhà hàng và Khách sạn tuy nhiên nó cũng đặt ra cơ hội cho việc tái cấu trúc những nội dung cơ bản của ngành công nghiệp không khói, ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia này. Đó là khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ và biến đổi sâu sắc nhu cầu, khả năng du lịch sẽ đóng vai trò định hình lại những vấn đề kinh tế-xã hội toàn cầu, những thách thức của đại dịch, việc chuyển đổi số và hội nhập quốc tế lẫn khu vực.
Những vấn đề nghiên cứu được trình bày trong hội thảo đã góp phần giúp giảng viên thiết kế, xây dựng lại chương trình đào tạo trong ngành Du lịch và Khách sạn nói riêng và các ngành học Kinh tế-Quản trị nói chung để kịp thời thích ứng với thời kỳ bình thường mới. Đồng thời, hội thảo cũng xác định được những vấn đề quan trọng khác cần nghiên cứu để phát triển toàn diện, bền vững và hiệu quả hơn cho ngành kinh tế - công nghiệp dịch vụ du lịch.
Cuối chương trình, Chủ tọa Hội thảo - TS. Trần Văn Thông, Trưởng khoa QTDL-KS tuyên bố kết luận buổi họp, tóm tắt các ý kiến trao đổi và ghi nhận những đề tài tham luận đã trình bày; thay mặt tổ thư ký, ThS. Dương Bảo Trung đã đọc dự thảo biên bản hội nghị và các đại biểu trao đổi ý kiến thảo luận để thông qua biên bản như đã nêu.

TIN LIÊN QUAN