Hoạt động gắn kết doanh nghiệp

Nghiệp vụ ngoại thương: Góc nhìn thực tiễn từ doanh nghiệp

28/12/2021
Chiều ngày 27/12/2021, các bạn sinh viên môn Nghiệp vụ Ngoại thương đã tham dự buổi báo cáo chuyên đề chia sẻ về kinh nghiệm thực tế do Ông Bế Văn Hoàng Việt, Quản lý Vận hành Kho tại Công ty TNHH Kuehne + Nagel trình bày. Ông Bế Văn Hoàng Việt đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và quản lý kho hàng, từng làm việc tại các doanh nghiệp logistics hàng đầu như APL Logistics Việt Nam, Damco Maersk Logistics, SHF Việt Nam, MLC – ITL Logistics; giữ vai trò là giảng viên chuyên huấn luyện các khóa học về quản lý vận hành kho hàng tại STC Tân Cảng, Viện Logistics Việt Nam, các Trường Đại học,...

Tại buổi báo cáo chuyên đề, Ông Bế Văn Hoàng Việt đã trình bày các nội dung bao gồm tầm quan trọng của ngoại thương Việt Nam đối với thế giới; yêu cầu về bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu; các trường hợp doanh nghiệp thường mắc phải khi khai báo hải quan; logistics và chuỗi cung ứng; vai trò của kho hàng và hoạt động kho hàng; các loại hình kho hàng và loại sản phẩm lưu trữ trong kho; trang thiết bị, hệ thống lưu trữ và công nghệ áp dụng trong vận hành kho hàng.
Phát biểu chào mừng tại buổi báo cáo chuyên đề, ThS. Tăng Mỹ Hà – Phó Trưởng Khoa Kinh tế đã có những chia sẻ về tầm quan trọng của môn học Nghiệp vụ Ngoại thương; định hướng thường xuyên tổ chức các hoạt động gắn lý thuyết với thực tiễn nghề nghiệp. Thông qua buổi báo cáo chuyên đề, ThS. Tăng Mỹ Hà chúc các bạn sinh viên sẽ học tập thật tốt, gặt hái nhiều kiến thức thực tiễn hữu ích, giúp tạo hành trang nghề nghiệp trong tương lai.

ThS. Tăng Mỹ Hà – Phó Trưởng Khoa Kinh tế phát biểu chào mừng tại buổi báo cáo
Chia sẻ tại buổi báo cáo, Ông Bế Văn Hoàng Việt cho biết Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với ngoại thương của thế giới, Việt Nam hiện là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tư do như CPTPP, EVFTA, ACFTA, AKFTA, AJCEP, AANZFTA.... Về xuất khẩu, Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (chiếm 77,1 tỷ USD), sau đó là Trung Quốc (chiếm 48,9 tỷ USD), Nhật Bản (19,3 tỷ USD) và Hàn Quốc (19,1 tỷ USD)... Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2020, Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, phụ tùng, hàng dệt may, gạo,... nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng như máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện các loại,... Theo Ông Bế Văn Hoàng Việt, chuỗi cung ứng đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất hàng hóa, chuỗi cung ứng có nhiều loại bao gồm chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng nhanh, chuỗi cung ứng hàng sản xuất, chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp thương mại điện tử,… Trong chuỗi cung ứng, luồng thông tin đóng vai trò rất quan trọng bao gồm thông tin về hàng hóa, thông tin lô hàng, ngày hàng đến, ngày hàng đi,… Và logistics là các hoạt động trong chuỗi cung ứng bao gồm các hoạt động như vận tải, kho hàng, đóng gói, quản lý nguyên vật liệu, xử lý hàng hóa bị trả về,…

Ông Bế Văn Hoàng Việt cũng cho biết kho là một thành phần quan trọng của hoạt động logistics và chuỗi cung ứng. Kho là mối liên kết giữa nhà sản xuất và khách hàng, là nơi mở ra các khía cạnh hệ thống hậu cần của một công ty. Kho thực hiện hai chức năng quan trọng là thời gian và địa điểm. Các hoạt động chính của kho bãi bao gồm nhận diện hàng, kiểm tra chất lượng, lưu kho, soạn hàng, đóng gói, xếp hàng, dán nhãn,… Đảm bảo hàng hóa luôn sẵn có trên kệ hàng. Quản lý kho hàng cần hiểu rõ đặc điểm của hàng hóa như hàng tiêu dùng nhanh (sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia dụng, nhãn hiệu, thực phẩm đóng gói đồ uống, rượu và thuốc lá,…), đặc điểm của hàng tiêu dùng nhanh là giá trị sản phẩm không cao, doanh nghiệp có lợi nhuận dựa vào số lượng sản phẩm bán ra; hàng thể thao, thời trang (giày dép, hàng may mặc, phụ kiện, thiết bị thể thao, thiết bị cắm trại,…); hàng công nghệ/thiết bị điện tử; mặt hàng xe hơi (số lượng linh kiện rất lớn, giá trị/công nghệ cao,…); hàng nguy hiểm; hàng lạnh (thiết bị y tế, dược phẩm, thực phẩm, trái cây nhập khẩu, hoa nhập khẩu, các loại thịt nhập khẩu…).

Ông Bế Văn Hoàng Việt chia sẻ tại buổi báo cáo chuyên đề

Đề cập đến các loại hình kho hàng, Ông Bế Văn Hoàng Việt giới thiệu đến các bạn sinh viên một số loại hình kho hàng trong thực tế như kho sản xuất, kho nhiều chức năng, kho ngoại quan, kho CFS, trung tâm phân phối, kho linh kiện, kho nhiều tầng,… Các trang thiết bị trong kho bao gồm bar code, QR code, công nghệ pick-to-light, pick-to-voice, robotics, hệ thống quản lý kho hàng (Warehouse Management System – WMS). Đối với, các kho hàng có diện tích lớn và quản lý số lượng lớn các mặt hàng thì cần phải quản lý bằng hệ thống WMS. Ngoài ra, người quản lý kho hàng cũng cần lưu ý các rủi ro thường xảy ra trong kho hàng như mất cắp, đánh nhau, đình công, công tác phòng cháy chữa cháy, xử lý hàng hủy/hàng bị trả về, sắp xếp hàng hóa khoa học, công tác kiểm kê,…


Các bạn sinh viên tương tác và đặt rất nhiều câu hỏi cho diễn giả
Bằng phong cách diễn đạt hài hước và gần gũi, Ông Bế Văn Hoàng Việt đã chia sẻ những kiến thức rất hữu ích dành cho sinh viên. Cuối buổi trình bày, các bạn sinh viên đã đặt rất nhiều câu hỏi về cách doanh nghiệp thương mại điện tử áp dụng hệ thống thông tin vào quản lý kho hàng; sự khác biệt về kho và trung tâm phân phối; kho cross-docking và các ngành hàng ứng dụng kho cross-docking trong thực tế; cách tính toán vòng quay hàng tồn kho tại các doanh nghiệp; các lưu ý về xuất khẩu và nhập khẩu hàng giữa Việt Nam và Trung Quốc; ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng,...
ĐX
TIN LIÊN QUAN