Hoạt động gắn kết doanh nghiệp

Nhiều vấn đề thực tế tiếp tục được trao đổi tại buổi chia sẻ chuyên môn “Quản lý và khai thác Cảng”

28/11/2023
Tiếp nối thành công của buổi đầu tiên về chủ đề “Hành trình của thuyền viên và giữ liên lạc với cảng”, sáng ngày 24/11 vừa qua, Khoa Kinh tế tiếp tục tổ chức buổi trao đổi thứ hai của hoạt động chia sẻ chuyên môn “Quản lý và khai thác Cảng” với chủ đề “Tiếp nhận và giải phóng tàu". Hoạt động tạo cơ hội để các thầy, cô giảng viên UEF và doanh nghiệp đối tác trao đổi kiến thức chuyên ngành, cùng nhau nâng cao chất lượng giảng dạy cho sinh viên.
 
Khoa Kinh tế tiếp tục tổ chức buổi thứ hai trong chuỗi hoạt động chia sẻ chuyên môn “Quản lý và khai thác Cảng” 

Chương trình có sự tham dự của ThS. Tăng Mỹ Hà - Phó Trưởng Khoa Kinh tế; ThS. Đỗ Thị Thu Hà - Phó Trưởng Khoa Kinh tế và các thầy cô giảng viên Khoa. Về phía đối tác có bà Vương Nguyễn Ánh Xuân - Trưởng phòng Sale & Marketing kiêm M&S Manager cùng nhân viên của Tân Cảng STC.
Với chủ đề “Tiếp nhận và giải phóng tàu", ông Nguyễn Chiến Thắng - Trưởng cơ Terminal B, Tổ trưởng Tổ kế hoạch Điều hành, Tân Cảng - Cát lái đã phân tích rất kỹ việc ứng dụng lý thuyết vào thực tế. Buổi trao đổi nhận được sự quan tâm và tham gia đông đủ từ các thầy cô Khoa Kinh tế.
 
Đại diện Khoa trao quà và thư cảm ơn đến diễn giả 
 
Quy trình vận chuyển là nhiệm vụ trung tâm, quan trọng nhất của doanh nghiệp; là mục tiêu hàng đầu của hoạt động kinh doanh thương mại. Mọi hoạt động của doanh nghiệp - trong đó có vận chuyển phải phục vụ cho việc bán hàng được nhiều, được nhanh, thu hút được ngày càng nhiều khách hàng, giảm được chi phí bán hàng để đạt được hiệu quả kinh doanh cao. Theo đó, nội dung buổi chia sẻ thứ hai được chuyên gia phân tích chủ yếu về quy trình tiếp nhận và giải phóng tàu tại cảng, những giấy tờ và quy định để đảm bảo quy trình tiếp nhận và hoạt động trên biển.
 

Với mô hình sinh động, chuyên gia chia sẻ câu chuyện thực tế tại cảng tàu và quy trình vận chuyển 
 
Sau khi chia sẻ tổng quan về cảng, diễn giả đã dựa vào những câu chuyện thực tế từ quá trình làm việc của mình để phân tích đặc điểm cũng như ưu và nhược điểm trong các hoạt động tại cảng. Bên cạnh đó, thầy, cô Khoa Kinh tế cũng tìm hiểu cặn kẽ về các bước trong quy trình quản lý rủi ro bằng cách nhận dạng, phân tích, đo lường và đánh giá. Đại diện doanh nghiệp cũng đưa ra một số rủi ro có thể xảy ra, hướng dẫn một số biện pháp để giảm thiểu.
Sự cần thiết phải xây dựng quy trình điều động tàu tại cảng là điều mà chuyên gia nhấn mạnh và phân tích chi tiết. Cảng biển là đầu mối của các hình thức vận tải đường biển, đường bộ, đường sắt,... nơi tập trung và chuyển giao hàng hóa, hành khách giữa các phương thức vận tải khác nhau, đồng thời là nơi tổ chức thực hiện nhiều loại hình dịch vụ đối với hàng hóa, phương tiện vận tải, thuyền viên, hành khách. 
 

Quy trình phải thống nhất và chặt chẽ là điều mà diễn giả nhấn mạnh 
 
Vì vậy, các bước công việc trong tổng thể các loại hình phục vụ phải được quy định thống nhất, chặt chẽ và liên kết với nhau, đồng thời phải kết hợp với các khâu công tác khác của cảng nhằm tạo sự phối hợp chung cho công tác phục vụ phương tiện và hàng hóa đến cảng. Với công việc tiếp nhận và điều động tàu tại cảng cũng cần phải quy định các bước công việc cụ thể và trình tự thực hiện, người chịu trách nhiệm từng bước công việc đó để phục vụ tàu, từ lúc vào đến khi tàu rời khỏi cảng, dựa trên cơ sở điều kiện tự nhiên, trang thiết bị, nhân lực hiện có của từng cảng.
 



Thầy cô cùng các doanh nghiệp đối tác đặt ra nhiều tình huống trong quá trình trao đổi

Đây cũng là buổi chia sẻ cuối cùng trong chuỗi hoạt động chia sẻ chuyên môn “Quản lý và khai thác cảng” do Khoa Kinh tế tổ chức. Với buổi chia sẻ này, các thầy cô và doanh nghiệp đối tác đã cùng tìm hiểu sâu sát hơn về những khía cạnh thực tế, từ đó đưa ra nhiều phương án giảng dạy phù hợp và hiệu quả cho sinh viên, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho lĩnh vực quản lý, khai thác cảng trong tương lai. 
 
 
TT.TT-TT
TIN LIÊN QUAN