Hoạt động gắn kết doanh nghiệp

Sinh viên được chuyên gia từ Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. HCM cập nhật kiến thức về đầu tư quốc tế

15/08/2022
Chiều ngày 12/8/2022, tại phòng học A10.01 đã diễn ra buổi báo cáo chuyên đề môn học Đầu tư quốc tế do Bà Mai Phong Lan – Phó Trưởng Phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và tư nhân, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. HCM trình bày. Thông qua chuyên đề: “Tình hình thu hút FDI Việt Nam và TP. HCM”, Bà Mai Phong Lan đã trình bày về 6 nội dung chủ yếu bao gồm vai trò của Sở Kế hoạch và Đầu tư; xu hướng FDI toàn cầu và Việt Nam; tổng quan về tình hình hội nhập quốc tế của Việt Nam; tình hình thu hút FDI tại Việt Nam; môi trường đầu tư tại TP. HCM và tình hình đầu tư ra nước ngoài. Buổi báo cáo chuyên đề có sự tham dự của TS. Nguyễn Anh Duy - Trưởng ngành Kinh doanh quốc tế, Khoa Kinh tế; ThS. Nguyễn Lê Đông Xuân - Giảng viên ngành Kinh doanh quốc tế, Khoa Kinh tế và Thầy Đặng Duy Anh – Thư ký Khoa Kinh tế.  
Liên quan đến vai trò của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, đây là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư, bao gồm các lĩnh vực: tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức thực hiện và đề xuất về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội; đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài ở thành phố; quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, nguồn viện trợ phi Chính phủ; đấu thầu; đăng ký kinh doanh; tổng hợp và thống nhất quản lý các vấn đề về doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; tổ chức cung ứng các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công, ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố và theo quy định của pháp luật. Thông qua buổi báo cáo chuyên đề, Bà Mai Phong Lan đã giới thiệu về website Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, sinh viên truy cập vào website sẽ được cung cấp những nội dung chính thống về tình hình kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, đăng ký doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, văn bản pháp luật về đầu tư, cổng thông tin doanh nghiệp,... 


Về xu hướng FDI toàn cầu và Việt Nam, tỷ trọng FDI toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất chế tác vẫn ổn định, FDI vào lĩnh vực y tế và công nghệ sinh học, dịch vụ chuyên nghiệp, dịch vụ công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo và xây dựng tăng nhanh vào giai đoạn 2003 – 2019. Theo Bà Mai Phong Lan, Việt Nam gia công chủ yếu cho các tập đoàn lớn trong lĩnh vực dệt may như Adidas, Nike,… trong giai đoạn dịch bệnh, dòng đầu tư của các tập đoàn này có nguy cơ rút khỏi Việt Nam nhưng với sự nỗ lực của các cơ quan Chính phủ, Bộ ban ngành đã giúp duy trì dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn này. Ngoài ra, tác động của dịch Covid-19 đối với dòng vốn FDI là không đồng đều giữa các vùng và lĩnh vực; đặc biệt, ảnh hưởng rất lớn đối với lĩnh vực du lịch. Dịch bệnh cũng làm gia tăng các hoạt động M&A; theo đó, M&A xuyên biên giới đã vượt quá mức trước đại dịch ở cả các nước thu nhập cao và thu nhập trung bình thấp vào năm 2021 và 4 siêu xu hướng toàn cầu ảnh hưởng đến FDI bao gồm tăng rủi ro và sự bất ổn; chủ nghĩa bảo hộ gia tăng; công nghệ mới và thúc đẩy sự bền vững. Lấy ví dụ về mô hình bền vững của Singapore, Bà Mai Phong Lan đã đưa các ví dụ liên quan đến đầu tư công nghệ để lọc nước thải, nước biển thành nước uống, mỗi người dân đều thực hiện trồng cây gây rừng. 
Về tổng quan tình hình hội nhập quốc tế của Việt Nam, Bà Mai Phong Lan đã trình bày về tổng quan các FTA Việt Nam tham gia như Hiệp định EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP,...; so sánh lợi ích kinh tế giữa Hiệp định CPTPP và EVFTA; các kết quả đạt được sau khi thực thi Hiệp định CPTPP và EVFTA. Nhìn chung, lợi ích theo hiệp định EVFTA lớn hơn so với hiệp định CPTPP và điểm tương đồng là cả hai hiệp định đều hướng đến lợi ích lâu dài về yêu cầu cải cách thể chế.
Về tình hình thu hút FDI tại Việt Nam, tính lũy kế đến Tháng 5/2022, tổng số dự án là 34.989 dự án với tổng vốn đăng ký là 426.141 tỷ USD. Hàn Quốc là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, tiếp theo là Singapore, Nhật Bản, Đài Loan… FDI vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; cung cấp điện, nước; lưu trú và dịch vụ ăn uống.
Về tổng quan môi trường đầu tư TP. HCM, TP. HCM là khu vực hấp dẫn với khoảng 13 triệu dân, giữ vị trí chiến lược quan trọng, trở thành trung tâm kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TP. HCM có 17 khu công nghiệp và 2 khu chế xuất đi vào hoạt động quy mô diện tích khoảng 4000ha. TP. HCM cũng sở hữu Khu Công nghệ cao thành công nhất Việt Nam với quy mô khoảng 913ha, đã thu hút nguồn vốn FDI khoảng 5.4 tỷ USD. Thành phố cũng đang tập trung triển khai quy hoạch TP. Thủ Đức thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố để trở thành hạt nhân phát triển của kinh tế số, kinh tế tri thức cho TP. HCM và khu vực phía Nam. Bà Mai Phong Lan cũng so sánh một số chỉ tiêu bao gồm tổng vốn FDI đăng ký mới năm 2021; tổng thu ngân sách; tổng chi ngân sách; vốn huy động; dư nợ tín dụng giữa TP. HCM và cả nước năm 2020 và năm 2021. TP. HCM thu hút vốn đầu tư chủ yếu từ các nước như Singapore, British Virgin Islands, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Malaysia,… Các lĩnh vực thu hút đầu tư chủ yếu bao gồm thông tin và truyền thông; bán buôn, bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; tài chính ngân hàng, bảo hiểm; công nghiệp chế biến, chế tạo,…
Vấn đề đầu tư ra nước ngoài, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phụ trách, các thị trường Việt Nam đi đầu tư nước ngoài chủ yếu như Lào, Campuchia, Israel,... Về thị trường Lào, đây là thị trường đầu tư hàng đầu của Việt Nam, do khoảng cách địa lý khá gần, tính tương đồng về sản phẩm. Các lĩnh vực hiện nay TP. HCM cần kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài bao gồm ưu tiên thu hút các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, có sử dụng công nghệ cao, có thế mạnh trong lĩnh vực R&D; ưu tiên các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới, hàm lượng chất xám cao, thân thiện với môi trường; ưu tiên thu hút các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học công nghệ cao, ngành kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ưu tiên ngành công nghệ thông tin, ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Cuối phần trình bày, Bà Mai Phong Lan cũng gửi gắm đến sinh viên về các kỹ năng quan trọng mà các công ty đa quốc gia đang tìm kiếm khi tuyển dụng nhân sự bao gồm kỹ năng quản lý; kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề; kỹ năng chuyên môn như kỹ thuật quy trình và kỹ năng thiết bị… Qua đó, giúp các bạn sinh viên có sự chuẩn bị và tạo hành trang vững chắc trên con đường nghề nghiệp trong tương lai. 
Báo cáo chuyên đề là một trong hoạt động được diễn ra định kỳ vào mỗi học kỳ dành cho sinh viên Khoa Kinh tế, UEF; qua đó, ngoài các tiết học lý thuyết trên lớp, sinh viên sẽ có cơ hội gặp gỡ và lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia đến từ khu vực nhà nước/doanh nghiệp. Hoạt động này giúp sinh viên nâng cao kiến thức chuyên môn, kết hợp kiến thức lý thuyết và thực tiễn, từ đó hình thành quan điểm/nhận định đa dạng đối với một vấn đề. 

 
Nguồn hình ảnh: TT. TT-TT
Nguồn bài viết: Khoa Kinh tế
 
TIN LIÊN QUAN