Học thuật

Giảng viên UEF được trang bị phương pháp ứng dụng công nghệ vào nghiên cứu từ chuyên gia Hàn Quốc

12/01/2024
ào ngày 10/1, Khoa Kinh tế, ngành Bất động sản phối hợp với Câu lạc bộ Phát triển bất động sản bền vững (SPD Club) tổ chức buổi research seminar "Advanced Quantitative Research Methods for Real Estate Studies: Applications in South Korea"
Hội thảo hướng đến việc cung cấp những phương pháp ứng dụng công nghệ thông minh cấp cao để phục vụ quá trình nghiên cứu khoa học (NCKH), đặc biệt là trong lĩnh vực phân tích đô thị. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để kết nối và giao lưu kinh nghiệm giữa giảng viên, chuyên gia tại các trường đại học trên địa bàn TP.HCM. Đáng chú ý, quá trình chia sẻ thông tin và trao đổi, thảo luận giữa các thầy cô đều được diễn ra hoàn toàn bằng tiếng Anh. 
 
Buổi seminar có sự tham dự của nhiều giảng viên chuyên môn từ các trường đại học trên địa bàn TP.HCM

Về phía khách mời, tham dự chương trình có TS. Phạm Ngọc Tùng - Giám đốc Đầu tư Tập đoàn Bất động sản Hưng Thịnh, ông Dương Tống - Giám đốc Công ty Bất động sản HomeNext. Cùng với đó là các chuyên gia là nghiên cứu viên và giảng viên đến từ Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Chi hội Nghiên cứu Vùng và Đô thị, Liên chi hội Đào tạo Bất động sản Việt Nam, Trường Đại học RMIT Việt Nam, Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM, Trường Đại học Mở TP. HCM và Trường Đại học Văn Lang.
Về phía UEF có ThS. Ngô Thị Bích Phương - Giám đốc Thư viện, ThS. Đỗ Thị Thu Hà - Phó Trưởng Khoa Kinh tế, ThS. Trần Hoàng Nam - Trưởng ngành Bất động sản.
Diễn giả của của buổi seminar là GS.TS. Jeongseob Kim - Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Phân tích đô thị, Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Ulsan (Hàn Quốc). Bên cạnh là giảng viên cấp cao tại ngôi trường đứng thứ 10 trong Bảng xếp hạng các Đại học trẻ toàn cầu, GS.TS. Jeongseob Kim còn có kinh nghiệm hoạt động với vai trò là Chuyên gia Quy hoạch và Chuyên gia tư vấn cho nhiều tổ chức khác nhau như Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (Mỹ) và Hội đồng Đô thị Daegu (Hàn Quốc). Các hướng nghiên cứu chính của ông bao gồm nghiên cứu nhà ở, sự biến đổi của các khu dân cư và đô thị thông minh theo định hướng ứng dụng phân tích dữ liệu đô thị.
 
Đại diện Khoa Kinh tế trao thư cảm ơn đến diễn giả của chương trình

Buổi hội thảo tập trung giới thiệu và phân tích ba trường hợp nghiên cứu riêng biệt về phân tích đô thị, đặc biệt sử dụng dữ liệu không gian địa lý từ Hàn Quốc. Trong đó, nội dung chính của các case-study này lần lượt là: Phương pháp đo lường trải nghiệm giác quan của du khách bằng cách sử dụng dữ liệu truyền thông xã hội đồng thời đưa ra chiến lược để kích hoạt các khu vực thương mại; Bàn về mối quan hệ giữa mật độ và các yếu tố cần lưu ý trong thiết kế căn hộ, bao gồm tỷ lệ che phủ xanh và độ mở cũng như các kỹ thuật không gian địa lý; cuối cùng là điều tra về tác động của việc công bố thông tin rủi ro thiên tai đối với giá trị tài sản và kiểm tra tính biến đổi của các tác động này dựa trên kinh nghiệm lũ lụt của địa phương.
 

Diễn giả chia sẻ bí quyết ứng dụng AI vào việc nghiên cứu trong lĩnh vực bất động sản tại Hàn Quốc

Ở mỗi ví dụ, diễn giả đều có những phân tích chi tiết về cách sử dụng AI cũng như các công nghệ hiện đại để thống kê số liệu, phân tích dựa trên nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, có thể thấy rằng các phân tích bất động sản và đô thị đa dạng có thể được thực hiện thông qua việc tích hợp GIS, trí tuệ nhân tạo (AI) và các kỹ thuật kinh tế lượng truyền thống. Quỹ đạo nghiên cứu đô thị và bất động sản, dựa trên các công nghệ mới nổi như Thực tế ảo (VR) và AI đã góp phần tạo ra một bức tranh đầy hứa hẹn dành cho tương lai của ngành hàng. 
Sau quá trình chia sẻ kiến thức của diễn giả, các thầy cô tiếp tục cùng nhau tích cực thảo luận về những quan điểm được đặt ra trong phần trình bày. Nhiều góc nhìn mới mẻ, chuyên sâu về công việc NCKH đối với các nhóm ngành kinh tế, bất động sản đã được mở ra. Qua đó, có thể thấy rằng buổi seminar không chỉ góp phần cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, giúp các thầy cô giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm của mình. 
 



 Giảng viên tích cực thảo luận về những phương pháp ứng dụng công nghệ thông minh vào NCKH

Buổi seminar đã mang đến nhiều thông tin bổ ích và đa dạng về những xu hướng sử dụng công nghệ thông minh vào NCKH. Có thể nói trong thời đại trí tuệ nhân tạo lên ngôi như hiện nay, việc nắm chắc quy luật và biết cách vận dụng những công nghệ này sẽ góp phần giúp những nhà nghiên cứu rút ngắn thời gian thực hiện, đồng thời tạo ra nhiều công trình chất lượng. Hy vọng rằng thông qua buổi hội thảo, các giảng viên đã được nâng cấp để hoàn thiện vốn kiến thức của mình, từ đó tiếp tục hành trình NCKH một cách thuận lợi nhất. 
TT.TT-TT
 
TIN LIÊN QUAN