Học thuật

Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên: Nhiều đề tài có tính mới và thực tiễn cao

15/04/2022

Vào ngày 13 và 14/04/2022, Khoa Kinh Tế đã tổ chức thành công các buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2021 - 2022. Đây là một trong những hoạt động triển khai định kỳ hàng năm và luôn được Khoa Kinh Tế đẩy mạnh giúp sinh viên nâng cao khả năng tự học, học tập suốt đời và rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học.

Hình ảnh Hội đồng nghiệm thu nghiên cứu khoa học sinh viên ngày 13/04/2022

Tham gia Buổi Hội đồng diễn ra vào ngày 13/04/2022 gồm có TS. Nhan Cẩm Trí – Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa Kinh Tế với vai trò Chủ tịch hội đồng; TS. Phạm Trị Trang - Giảng viên Khoa Kinh Tế - Phản biện và ThS. Nguyễn Đăng Quang Huy – Giảng viên Khoa Kinh Tế - Ủy viên Thư ký. Trong buổi nghiệm thu ngày 13/04/2022, có 3 đề tài nổi bật đầy tính sáng tạo và thực tiễn bao gồm (i) Đề tài: “Giải pháp nhằm tăng vòng quay sà lan để tăng hiệu quả hoạt động vận tải container bằng đường thủy nội địa trên tuyến đường TP. HCM – Đồng Nai – Bình Dương – Cái Mép tại Trung tâm Vận tải Thủy Transimex”; (ii) Đề tài: “Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động”, và (iii) Đề tài: “Đánh giá tác động của cam kết mở cửa thị trường hàng hóa trong hiệp định CPTPP đến sản phẩm ngành nhựa: Nghiên cứu định lượng dựa trên mô hình GSIM”. Với mỗi đề tài, các nhóm đã đưa ra những lý do nghiên cứu, cơ sở lý luận và thực trạng nghiên cứu đầy đủ. Sau đó, phần thuyết trình của sinh viên cũng làm nổi bật các phân tích thông qua các những phương pháp nghiên cứu, thang đo cụ thể và những giải pháp cho từng vấn đề được đề cập đến.

Phần thuyết trình của nhóm LOGISCHAM

Đối với Đề tài: “Giải pháp nhằm tăng vòng quay sà lan để tăng hiệu quả hoạt động vận tải container bằng đường thủy nội địa trên tuyến đường TP. HCM – Đồng Nai – Bình Dương – Cái Mép tại Trung tâm Vận tải Thủy Transimex”, các bạn sinh viên đã đưa ra được tình trạng thực tế về những khó khăn mà vận tải đường thủy nội địa đang gặp phải tại khu vực phía Nam và công ty Transimex được các sinh viên lấy ví dụ điển hình để nghiên cứu. Qua đó, nhóm tác giả đã đề xuất các giải pháp như nâng cấp website, đầu tư xây dựng và ứng dụng di động Transicham, giải quyết các phản hồi tiêu cực từ khách hàng, mở rộng cầu cảng, xây dựng chương trình đào tạo cho nhân viên xếp dỡ và nhân viên cần trục, kiểm tra và bảo trì máy móc thiết bị… để giải quyết vấn đề.

Phần thuyết trình của bạn Thái Minh Phương

Với Đề tài: “Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động”, mục tiêu của đề tài nhằm tìm hiểu những nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng khi mua hàng tại hệ thống các cửa hàng MWG (Mobile World Investment Corporation) bao gồm Thế giới di động, Điện máy Xanh và Bách hoá Xanh. Bằng phương pháp nghiên cứu định lượng với mẫu khảo sát được thu thập từ ngày 15/8/2021 đến ngày 30/9/2021 thu được 272 mẫu thông qua bảng hỏi Google Form, kết quả khảo sát cho thấy các yếu tố như (i) dịch vụ, (ii) chiêu thị, (iii) nhân viên và (iv) websites tác động tích cực (đồng biến) đến sự hài lòng của khách hàng khi mua hàng tại MWG. Yếu tố sản phẩm và cửa hàng không tác động đến sự hài lòng, hay nói cách khác là biến Sản phẩm và Cửa hàng không có ý nghĩa trong mô hình hồi quy. Qua đó, nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp như đồng bộ hoá chất lượng dịch vụ ở tất cả cửa hàng; đẩy mạnh hoạt động truyền thông; nâng cao trải nghiệm khách hàng; xây dựng chiến lược tiếp thị đa kênh hiệu quả.

Và đề tài cuối cùng: “Đánh giá tác động của cam kết mở cửa thị trường hàng hóa trong hiệp định CPTPP đến sản phẩm ngành nhựa: Nghiên cứu định lượng dựa trên mô hình GSIM”, đây là một đề tài được đánh giá là hấp dẫn nhất trong 3 đề tài của buổi thẩm định. Với luận cứ chặt chẽ, lý luận sắc bén và số liệu rõ ràng; đề tài này đã đánh giá được khách quan về tác động hiệp định CPTPP đối với việc mở cửa thị trường hàng hóa. Trong đề tài nghiên cứu, sinh viên cũng dùng đối tượng nghiên cứu cụ thể là sản phẩm ngành nhựa; và dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất hướng nghiên cứu trong tương lai là các ngành tiềm năng xuất khẩu khác của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy hải sản… cũng có thể dùng phương pháp này để đánh giá tác động của các Hiệp định thương mại tự do đến 1 ngành/lĩnh vực.

Hình ảnh Hội đồng nghiệm thu nghiên cứu khoa học sinh viên ngày 14/04/2022

Buổi thẩm định hội đồng nghiên cứu khoa học diễn ra vào ngày 14/04/2022, với sự tham gia của GS.TS. Hoàng Thị Chỉnh – Giảng viên khoa Kinh Tế giữ vai trò Chủ tịch hội đồng, ThS. Nguyễn Thái Hà - Phó Trưởng khoa - Ủy viên thư ký và ThS. Nguyễn Lê Đông Xuân – Giảng viên Khoa Kinh Tế - Ủy viên Phản biện. Khai mạc buổi hội đồng, ThS. Nguyễn Thái Hà – Phó Trưởng khoa Kinh Tế đã gửi lời chào khai mạc và đọc quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên. Các đề tài được nghiệm thu trong buổi hội đồng ngày 14/4/2022 bao gồm (i) Đề tài: “Động lực giúp các doanh nghiệp dịch vụ nhỏ và vừa Việt Nam mở rộng ra quốc tế”, (ii) Đề tài: “Ứng dụng Logistics nhân đạo vào việc đối phó với các tình huống thảm họa” và (iii) Đề tài: “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa tiêu dùng trong chuỗi cung ứng nội địa Việt Nam”.

Nhóm các bạn sinh viên làm đề tài về SMEs

Trong đó, đề tài: “Động lực giúp các doanh nghiệp dịch vụ nhỏ và vừa Việt Nam mở rộng ra quốc tế đã nêu ra hướng giải quyết cho những trăn trở của các doanh nghiệp dịch vụ vừa và nhỏ tại Việt Nam muốn vươn tầm quốc tế. Đây là một đề tài với khía cạnh mới mẻ khi phần lớn sự nghiên cứu tập trung tìm hiểu về các yếu tố ảnh hưởng đến việc các doanh nghiệp Việt Nam quyết định kinh doanh tại thị trường nước ngoài. Các thành viên trong Hội đồng đều đánh giá cao tính tiếp cận vấn đề; tuy nhiên, đề tài cần thu hẹp phạm vi nghiên cứu, định nghĩa rõ khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), và tập trung vào hoạt động cụ thể của doanh nghiệp SMEs tại thị trường nước ngoài như đầu tư nước ngoài, kinh doanh nước ngoài hoặc thâm nhập thị trường nước ngoài. Hơn nữa, đề tài cần đưa ra lấy ví dụ về các công ty SMEs của Việt Nam đã thành công tại thị trường nước ngoài để đối sánh/phân tích.

Nhóm sinh viên được hội đồng đánh giá cao với chủ đề về Logistics nhân đạo

Logistics nhân đạo là một nhánh của Logistics thương mại, tập trung vào việc tổ chức vận chuyển và nhập kho vật tư khi có thảm họa hoặc các trường hợp khẩn cấp phức tạp cho đồng bào vùng bị nạn như thiên tai do mưa bão, gió lốc, hạn hán, lũ lụt,... hay vấn nạn đang nhức nhối và cấp bách hiện tại là sự bùng phát, lan rộng của đại dịch Covid-19. Logistics nhân đạo là chủ đề mà nhóm số 2 với đề tài “Ứng dụng Logistics nhân đạo vào việc đối phó với các tình huống thảm họa” đã lựa chọn để nghiên cứu. Nhóm đã đưa ra những chi tiết giải thích về khái niệm Logistics nhân đạo - là chuỗi quá trình lên kế hoạch và vận chuyển hàng hóa và kiểm soát hàng hóa một cách có hiệu quả từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ nhằm giảm đi đau thương và mất mát của những người sử dụng sản phẩm chịu ảnh hưởng và thiệt hại do thiên tai, thảm họa và dịch bệnh. Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã so sánh sự khác biệt giữa logistics thương mại với logistics nhân đạo. Theo nhóm nghiên cứu, đây là một đề tài cấp thiết với tính thực tiễn cao đối với ngành Logistics khi môi trường luôn thay đổi và có những biến chuyển khó nắm bắt khi thiên tai và dịch bệnh thường diễn ra. Với sự nghiên cứu chuyên sâu, nhóm đã chỉ ra bối cảnh quốc gia và tinh thần của người dân là 2 yếu tố chính ảnh hưởng tới năng lực vận hành logistics nhân đạo; trong đó, yếu tố bối cảnh quốc gia có tác động mạnh đến năng lực vận hành logistics nhân đạo hơn yếu tố tinh thần của người dân.

Nhóm sinh viên năm nhất tài năng với chủ đề ứng dụng 4.0 vào Logistics

Tiếp tục với lĩnh vực nghiên cứu về Logistics, nhóm nghiên cứu số 3 đã chọn cho mình một đề tài có tính cập nhật “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa tiêu dùng trong chuỗi cung ứng nội địa Việt Nam”. Trong bài nghiên cứu, nhóm tập trung nghiên cứu vào 4 lĩnh vực công nghệ tiềm năng hiện nay bao gồm Block chain, Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo AI và Big Data. Với những công nghệ tiềm năng này, các hoạt động logistics sẽ trở nên tinh gọn và cắt giảm được các chi phí dư thừa đồng thời nâng cao khả năng lưu trữ và truy xuất dữ liệu trong việc quản lí kho bãi. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ ra những cơ hội và tiềm năng cho việc áp dụng công nghệ 4.0 tại thị trường Việt Nam, qua đó, đưa ra một số định hướng chiến lược áp dụng công nghệ vào thị trường Logistics tại Việt Nam.

Sau mỗi phần thuyết trình, Hội đồng phản biện đều đánh giá cao về năng lực nghiên cứu và tinh thần học tập của các nhóm đồng thời các nhóm cũng nhận được những nhận xét chi tiết về hướng phát triển bài nghiên cứu, những điểm cần hoàn thiện và những lưu ý khi thực hiện nghiên cứu khoa học từ phía các Thầy/Cô thành viên trong Hội đồng. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học nêu trên, sinh viên Khoa Kinh Tế đã có được những trải nghiệm nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực học thuật; từ đó, có cơ hội thể hiện khả năng của bản thân và trau dồi những kỹ năng mềm cần thiết như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng phản biện, kỹ năng làm việc nhóm…

Để góp phần lan tỏa tinh thần học hỏi, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu trong cộng đồng sinh viên Khoa Kinh tế nói riêng và sinh viên Trường UEF nói chung, Khoa Kinh tế vẫn tiếp tục nhận các đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên đến hết ngày 25/4/2022.

Nguồn hình ảnh: TT. TT-TT

Nguồn bài viết: K. KT

 

 

TIN LIÊN QUAN