Học thuật

Hội thảo Khoa học khoa Kinh tế: Nhiều giải pháp kiến nghị phát triển DN trong giai đoạn mới 2021 - 2030

24/05/2021
Sáng 24/5/2021, các chuyên gia kinh tế và giảng viên ở các trường đại học trong khu vực TP.HCM đã có dịp trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc phục hồi, phát triển doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 tại hội thảo "Giải pháp phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn mới 2021 - 2030" bằng hình thức trực tuyến qua Microsoft Teams. 

Tham dự Hội thảo có PSG.TS.Ngô Cao Cường - Phó hiệu trưởng thường trực Nhà trường, TS.Nhan Cẩm Trí - Phó hiệu trưởng, Trưởng khoa Kinh tế; ThS.Nguyễn Phạm Hải Hà - Phó viện trưởng Viện Sau đại học và KHCN. Về phía khoa Kinh tế có TS.Huỳnh Nhựt Nghĩa - Phó trưởng khoa, ThS.Lý Đan Thanh - Phó trưởng khoa, ThS.Tăng Mỹ Hà - Phó trưởng khoa, ThS.Nguyễn Thái Hà - Trợ lý trưởng khoa cùng toàn thể giảng viên khoa Kinh tế, giảng viên tham gia viết bài nghiên cứu và quan tâm đến đề tài mang tính thời sự này thông qua hình thức trao đổi trực tuyến. 

 
\
Hội thảo thu hút nhiều Thầy Cô, Nghiên cứu viên tham gia online tại nhà

Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự của ThS.Nguyễn Kiều Oanh, giảng viên Đại học Tài chính - Marketing, ThS.Nguyễn Thị Hải Bình - giảng viên Đại học Tài chính - Marketing, ThS.Lê Đức Thọ- giảng viên Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, những người đã chắp bút mang đến nhiều đề tài thiết thực đóng góp sự uy tín, chất lượng của Hội thảo. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Nhan Cẩm Trí - Phó hiệu trưởng, Trưởng khoa Kinh tế cũng đã có những chia sẻ về nhiều nội dung, tác giả tham gia nghiên cứu. Thầy đánh giá cao 14 bài viết của 14 tác giả, nhóm tác giả đều rất có giá trị. Đặc biệt Thầy nhiệt liệt hoan nghênh các giảng viên trẻ của khoa, có những thầy cô lần đầu tiên tham gia, đây sẽ là bước đệm mới cho các chuyên gia, thầy cô trong sự nghiệp Nghiên cứu khoa học. Về nội dung chung, các bài viết đều chất lượng, đi đúng trọng tâm đặc biệt tác giả cũng đã đề xuất giải pháp phát triển trong bối cảnh mới, bối cảnh nhiều biến động, phát triển vũ bão của nền Khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, Thầy cũng đã gửi lời cám ơn đến các nghiên cứu viên, học giả, thầy cô đã dành thời gian cho nghiên cứu khoa học và gửi đến lời cám ơn các thầy cô tham gia online ở nhà, theo dõi đầy đủ, chi tiết hội thảo đến cuối. 

 
TS.Nhan Cẩm Trí phát biểu khai mạc Hội Thảo

Với hơn 16 bài viết với nội dung phong phú, đều cập nhật các khía cạnh xoay quanh việc phát triển giai đoạn mới, Ban biên tập đã duyệt đăng 14 bài trên tạp chí Hội thảo. Theo đó, đại diện các tác giả / nhóm tác giả có bài viết được đăng trong tạp chí Hội thảo được nhận giấy chứng nhận từ Ban tổ chức. Theo thông tin được ghi nhận, hội thảo diễn ra với thành phần Chủ tọa đoàn gồm TS.Nhan Cẩm Trí - Phó hiệu trưởng, Trưởng khoa Kinh tế; TS.Huỳnh Nhựt Nghĩa - Phó trưởng khoa và ThS.Nguyễn Ngọc Thủy Tiên - Thư ký đoàn. 
 


Hội thảo có 4 tham luận được báo cáo trực tiếp 

Riêng tại Hội thảo có 4 tham luận báo cáo trực tiếp gồm: "Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp Logistics Việt Nam" qua phần trình bày của ThS.Trần Ngọc Nhã Vi; "Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA): Cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19" của ThS.Phan Vũ Ngọc Lan; ThS.Dương Bảo Trung với bài viết "Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển ngành khách sạn tại TP.HCM""Giải pháp ngắn hạn cho doanh nghiệp Logistics vừa và nhỏ Việt Nam trong diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu" qua phần chia sẻ của ThS.Nguyễn Thái Hà. 

Nhiều góc nhìn ở phía doanh nghiệp được các báo viên trình bày và thảo luận, trong đó, sự ảnh hưởng của Covid-19 lên các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tại Việt Nam là vô cùng lớn và gây ra rất nhiều hệ lụy đối với các hoạt động giao thương giữa Việt Nam và các nước khác. Ở phần chia sẻ của báo cáo viên Trần Ngọc Nhã Vi, bài viết mang tính thực tiễn trong việc định hướng giải quyết thực trạng của vấn đề được thảo luận. Chủ đề bài viết hướng đến là cần thiết để làm căn cứ cho việc đề xuất các giải pháp liên quan. Về kết quả nghiên cứu, các định hướng giải pháp mà tác giả nêu ra tuy không quá mới mẻ nhưng là một sự nhấn mạnh cần thiết và quan trọng để người đọc có sự lưu tâm và ghi nhớ, từ đó tiếp tục duy trì quá trình thực hiện và áp dụng bền vững. 

 


ThS.Trần Ngọc Nhã Vi là giảng viên trẻ của khoa Kinh tế

Tiếp đó, phần trình bày của ThS.Phan Vũ Ngọc Lan nêu rõ phần tổng quan, cụ thể mục tiêu công tác nghiên cứu trong phần mở đầu, phương pháp tổng hợp. Bài viết cung cấp cái nhìn tổng thể về hiệp định EVFTA và các cơ hội cũng như thách thức của EVFTA đến các doanh nghiệp Việt Nam. 

Mang đến màu sắc mới, ThS.Dương Bảo Trung với đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển ngành khách sạn tại TP.HCM”. Tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu tình huống dựa trên những ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay đang được áp dụng tại một số khách sạn trên thế giới, từ đó phân tích các đặc điểm tối ưu trong việc đưa công nghệ vào sử dụng. Qua đó, tác giả đưa ra một số giải pháp công nghệ và phương thức áp dụng cho doanh nghiệp tại TP.HCM. Và cuối cùng, ThS.Nguyễn Thái Hà đã nêu bật lên khi mà phần lớn các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam đều ở quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, nhưng đây lại là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ hệ quả mà dịch bệnh gây ra cho các hoạt động trong ngành. 

 



Phần trình bày của ThS.Phan Vũ Ngọc Lan, ThS.Dương Bảo Trung và ThS.Nguyễn Thái Hà mang đậm tính thời sự 

Để tổng kết hội thảo, PGS.TS.Ngô Cao Cường – Phó hiệu trưởng thường trực Nhà trường chia sẻ: "Tôi đánh giá cao việc tổ chức chuyên nghiệp của Khoa Kinh tế, đã bắt đầu xuất hiện những cái tên mới trong cuốn Kỷ yếu. Mong rằng khoa Kinh tế sẽ có thêm nhiều nhà khoa học, thúc đẩy các bài viết ngày càng chuyên nghiệp, có chất lượng hơn nữa. Chúc mừng khoa Kinh tế đã tổ chức Hội thảo thành công."
 


PGS.TS.Ngô Cao Cường đánh giá cao sự đầu tư chỉn chu của Ban tổ chức 

Những tham luận trên đã giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận diện được cơ hội - thách thức trong bối cảnh mới cũng như một vài hàm ý phát triển cho các doanh nghiệp trong giai đoạn mới 2021 - 2030. Ngoài ra, việc phân tích, dự báo về cơ hội và thách thức trong giai đoạn mới cũng như đưa ra các hàm ý giải pháp phát triển cho doanh nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030 cũng đã được đề cập cụ thể.  Đây cũng sẽ là chất liệu để quý Thầy Cô, chuyên gia đặc biệt quan tâm trong công tác nghiên cứu, đặc biệt là lãnh đạo và chuyên viên có ảnh hưởng đến quyết định chính sách phát triển, điều chỉnh của doanh nghiệp. 

Như vậy, Hội thảo khoa học cấp Khoa "Giải pháp phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn mới 2021 - 2030" do khoa Kinh tế UEF tổ chức đã mang đến nhiều góc nhìn mới xoay quanh thực trạng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực: Du lịch, Nhà hàng - Khách sạn; Sản xuất, Kinh doanh, Thương mại, Dịch vụ; Logistics, Xuất nhập khẩu; Xây dựng và kinh doanh bất động sản,... Hơn nữa, từ những cơ sở trên, Hội thảo đã đóng góp nhiều giải pháp hữu hiệu, cái nhìn tổng quát từ đó từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, bám sát sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập toàn cầu. 

 
Thủy Tiên - Khoa Kinh tế
 
TIN LIÊN QUAN