Học thuật

Sinh viên Khoa Kinh tế bổ sung kiến thức thực tiễn qua báo cáo chuyên đề Nghiệp vụ ngoại thương

29/11/2022
Nhằm trang bị kiến thức thực tế cho sinh viên từ sự hướng dẫn của các chuyên gia, mỗi học kỳ Khoa Kinh tế đều tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề. Tối qua - 28/11, hoạt động này tiếp tục được triển khai với môn học Nghiệp vụ ngoại thương
Với những nội dung xoay quanh tầm quan trọng của xuất xứ hàng hóa và quy trình xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), UEFers được trang bị thêm kiến thức từ chia sẻ của ông Nguyễn Quan Phúc - Nguyên Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực TP.HCM, Bộ Công thương.
Diễn giả giúp sinh viên tiếp cận kiến thức dễ dàng bằng nhiều câu chuyện thực tế
 
Diễn giả cho biết quy tắc xuất xứ hàng hóa là những quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa có thỏa thuận ưu đãi về thuế quan và ưu đãi phi thuế quan. Các hiệp định thương mại tự do khác nhau sẽ có những quy định về nguồn gốc xuất xứ khác nhau.
Theo đó, ông cũng đã phân tích về những cơ hội cũng như thách thức khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định như WTO, FTA,... Những lợi ích thực tế xét về thuế quan của ngành dệt may được diễn giả đơn cử làm ví dụ để sinh viên dễ dàng nắm bắt thông tin. 
  
Đại diện Khoa Kinh tế gửi thư cảm ơn đến diễn giả (Ảnh: Khoa Kinh tế)
 
Một số thuận lợi khi hội nhập quốc tế được đề cập đến như: Việt Nam tiếp cận thị trường xuất khẩu toàn cầu mà không bị phân biệt đối xử; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm; Thu hút FDI và thúc đẩy xuất khẩu, tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng giá trị khu vực và toàn cầu; Góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế, cải thiện môi trường trong nước;...
 



Sinh viên chăm chú theo dõi phần trình bày của diễn giả
Sau buổi báo cáo chuyên đề, sinh viên Khoa Kinh tế đã có thêm nhiều kiến thức thực tiễn về các hoạt động liên quan đến ngoại thương, nắm được những cơ hội và thách thức khi hội nhập kinh tế. Những bài học này sẽ là hành trang theo chân các bạn trong suốt hành trình học tập và nghề nghiệp sau này.
Nguồn: TT.TT-TT

 
 
 
TIN LIÊN QUAN