Học thuật

UEFers được trang bị kỹ năng tìm kiếm lý thuyết và thiết lập thang đo cho mô hình nghiên cứu

18/12/2023
Tiếp nối chuỗi workshop trang bị kỹ năng nghiên cứu khoa học cho sinh viên, vào tối ngày 13/12, Khoa Kinh tế đã tổ chức workshop “Tìm kiếm lý thuyết và thiết lập thang đo cho mô hình nghiên cứu”.
Đồng hành và mang đến những kiến thức bổ ích cho các bạn sinh viên là TS. Phạm Quốc Hải - Trưởng ngành Kinh tế quốc tế, kiêm Trưởng ban Nghiên cứu Khoa học Khoa Kinh tế.
 
TS. Phạm Quốc Hải - Diễn giả đồng hành của chuyên đề tối 13/12

Với bề dày kinh nghiệm của mình, TS. Phạm Quốc Hải đã mang lại cho các bạn sinh viên rất nhiều kiến thức mới, cần thiết cho đề tài nghiên cứu khoa học với 4 nội dung chính: giới thiệu về mô hình nghiên cứu và thang đo, hướng dẫn cách tìm kiếm lý thuyết, cách xây dựng mô hình nghiên cứu, cách xây dựng thang đo.
Theo diễn giả, tìm hiểu lý thuyết mô hình nghiên cứu và thang đo là hai yếu tố quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Lý thuyết mô hình nghiên cứu giúp giải thích mối quan hệ giữa các biến trong mô hình nghiên cứu, còn thang đo giúp đo lường các biến đó. Các bạn sinh viên phải hiểu được bản chất của vấn đề và xác định kiến thức liên quan, phải liên tục đọc tài liệu trước đó để hiểu và xử lý vấn đề một cách chính xác. Sau cùng, tiếp thu dữ liệu một cách có tổ chức và có kiểm soát để đưa ra những phân tích hợp lý, phù hợp với vấn đề. Ngoài ra, cơ sở lý thuyết cần đảm bảo đủ các tiêu chí: độ tin cậy cao, có tính cập nhật và toàn diện, gần với chủ đề nghiên cứu và phải có số lượng phù hợp.
 
Diễn giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình trong nghiên cứu khoa học

Thầy cũng nhấn mạnh về tính quan trọng của việc tìm kiếm lý thuyết. Nếu một lý thuyết được sử dụng hoặc thử nghiệm đúng cách, thì tất cả các giả định ngầm định của nó tạo thành ranh giới của lý thuyết đó phải được hiểu đúng. 
Đến với workshop, thầy cũng chia sẻ trong việc nghiên cứu khoa học và làm luận văn mô hình nghiên cứu là một khái niệm rất quan trọng để đánh giá bài luận. Mô hình nghiên cứu là một hình vẽ thể hiện mối quan hệ giữa các biến với nhau. Thông dụng nhất biến có hai loại là biến độc lập và biến phụ thuộc. Điều quan trọng nhất của mô hình nghiên cứu là phải phản ánh được vấn đề nghiên cứu và các yếu tố ảnh hưởng tác động đến vấn đề nghiên cứu. Vấn đề nghiên cứu ở đây thường chính là biến phụ thuộc trong mô hình nghiên cứu. Do đó việc đề xuất tìm ra mô hình phù hợp sẽ làm mất rất nhiều thời gian. Các bạn phải tìm nhiều tài liệu, đọc nhiều luận văn, và đề xuất ra mô hình nghiên cứu, xin ý kiến và bắt đầu triển khai bảng câu hỏi và thu thập số liệu.
 
Đông đảo sinh viên quan tâm đến tham dự và học hỏi kiến thức từ buổi workshop

Thang đo được vận dụng để đánh giá các khái niệm định tính khó có thể quan sát được như thái độ, quan điểm, niềm tin, ấn tượng, cảm nhận, ý định... Việc sử dụng loại thang đo phù hợp sẽ giúp nhà nghiên cứu thu thập tối đa lượng thông tin từ các đối tượng trả lời, nâng cao mức độ tin cậy của kết quả nghiên cứu. Có bốn kiểu thang đo, đó là: thang đo định danh, thang đo thứ tự, thang đo khoảng, thang đo tỉ lệ.
Không chỉ lắng nghe, sinh viên Nhà UEF còn tích cực tương tác cùng diễn giả. Tại đây, các nhóm đã lần lượt trình bày thắc mắc về những vấn đề mà mình gặp phải trong quá trình nghiên cứu để nhận góp ý từ thầy Quốc Hải. Trước khi chương trình kết thúc, các UEFers đã có dịp thực hành dưới sự hướng dẫn từ diễn giả qua đó rèn luyện các kỹ năng trong nghiên cứu mà còn được nâng cao trình độ chuyên môn, kích thích khả năng phân tích và sáng tạo của các bạn.
Hy vọng với những kiến thức thực tế và kinh nghiệm được chia sẻ từ diễn giả, sinh viên đã có thêm góc nhìn chi tiết về tìm kiếm lý thuyết và thiết lập thang đo cho mô hình nghiên cứu, từ đây vận dụng tốt vào nghiên cứu khoa học và xây dựng nền tảng chuyên môn cho mục tiêu nghề nghiệp tương lai sau này. 
 
TT.TT-TT
TIN LIÊN QUAN