Tin tức sự kiện

Khởi nghiệp Đổi mới Sáng Tạo: 10 đề tài bảng Sản phẩm được đánh giá cao về sự khác biệt, cạnh tranh:

13/06/2021
Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2021" do khoa Kinh Tế, trường đại học Kinh Tế - Tài Chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF) đã đi đến chặng đường đầu tiên và đang đến gần giai đoạn tăng tốc chuẩn bị cho vòng Bán kết đầy gay cấn và kịch tính. Với hơn 70 bài tham gia dự thi, Ban tổ chức đã chọn ra được 30 đề tài xuất sắc bao gồm ba bảng: Sản phẩm, Công nghệ và Dịch vụ. Mỗi bảng đã chọn ra được 10 đề tài mang tính độc đáo, sáng tạo và mang tính khả thi cao. 

10 đề tài bảng Sản phẩm được đánh giá cao về sự khác biệt, cạnh tranh

Đối với bảng Sản Phẩm, sau khi đã xuất sắc vượt qua vòng Loại đầy thuyết phục, top 10 nhóm thí sinh "sản phẩm" được đánh giá cao về sự khác biệt, mới lạ, đa dạng, mang tính cạnh tranh cao. Theo đó, các nhóm thí sinh cũng trải qua các buổi tập huấn online để hoàn thành nội dung chi tiết cho kế hoạch kinh doanh dưới sự dẫn dắt của các mentors tài năng và thành công. Ba vị mentor ở bảng "Product" gồm: ông Nguyễn Văn Hùng - CEO Công ty cổ phần Bất động sản Golden Land, bà Nguyễn Thái Ngân - CEO Tatu Group, và bà Trần Thị Tố Trinh - Store Manager Emart. Bên cạnh đó, đồng hành cùng với các bạn thí sinh trong quá trình hình thành dự án khởi nghiệp trong bảng sản phẩm còn có sự góp mặt của thầy Nguyễn Đình Cường – Giảng Viên khoa Kinh Tế, một người có thâm niên về mặt thực tế lẫn giảng dạy. Thầy Đình Cường là người điều phối trực tiếp và giúp các nhóm, cá nhân hoàn thiện bản kế hoạch kinh doanh nhằm chuẩn bị thuyết trình cho vòng Bán kết sắp diễn ra.

 

CEO Nguyễn Văn Hùng

CEO Nguyễn Thái Ngân 

MS.Trần Thị Tố Trinh

Thầy Nguyễn Đình Cường là mentors hỗ trợ quá trình hoạt động, trao đổi với các nhóm thí sinh bảng "Sản phẩm"

 

Được biết, 10 đề tài được chọn ở bảng sản phẩm bao gồm: (1). Đầu tư nhà máy sản xuất gạch lát sân & một số đồ dùng nội thất bằng nguyên liệu tái chế từ rác thải nhựa; (2). Chiếc thẻ định vị thông minh; (3). Sản phẩm AU - Thuốc trừ sâu sinh học - vì môi trường xanh - sạch - đẹp; (4). Túi đựng rác tự phân hủy hữu cơ PEAD; (5).Chế phẩm thanh long – Thanh An; (6).Khẩu trang tự phân hủy NV Mask; (7).Túi xách và chậu cây từ những phụ phẩm bỏ đi của mía và cà phê; (8).Mô hình thu gom chai nhựa; (9).Sữa hạt điều; (10).S.BANA - vải tơ chuối.

Nhóm đề tài mang tính kinh tế, đem lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội về tận dụng phế phẩm tái chế
Trong 10 sản phẩm ở trên thì có 3 sản phẩm thực hiên quy trình tận dụng phế phẩm tái chế để giảm áp lực rác thải, đồng thời tạo ra nhừng giá trị khác biệt, mang tính kinh tế cao và đem lại lợi ích không nhỏ cho cộng đồng, xã hội. Với dự án “Đầu tư nhà máy sản xuất gách lát sân & một số đồ dùng nội thất bằng nguyên liệu tái chế từ rác thải nhựa”, thí sinh đã cho thấy việc tái chế những rác thải nhựa góp phần không nhỏ vào bảo vệ môi trường và đặc biệt sáng tạo ra những đồ vật hữu ích, cần thiết cho đời sống, cụ thể dự án tập trung 2 sản phẩm chính là gạch lát sân và một số đồ nội thất: lavabo - chậu rửa mặt, bình hoa phong cách Bắc Âu trừu tượng, gạt tàn thuốc. Tương tự như vậy, đề tài “Túi xách và chậu cây từ những phụ phẩm bỏ đi của mía và cà phê” đã mang lại một góc nhìn  trong việc tạo ra những sản phẩm là chậu cây, túi... có thể tự tiêu hủy, thân thiện với môi trường từ vỏ trấu cà phê, bã cà phê và bã mía được kết dính bằng các chất kết dính có thành phần hữu cơ chiết xuất từ thiên nhiên và không có thành phần gây hại. Cũng là chủ đề tận dụng tái chế bảo vệ môi trường, “S.BANA - vải tơ chuối” đã sử dụng tơ chuối từ Việt Nam để dệt thành vải và xuất khẩu. 

 

Nhóm đề tài nói về việc tận dụng phế phẩm tái chế

Sản phẩm có tính tự hủy cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Ngoài các đề tài tận dụng phế phẩm tái chế để giảm áp lực rác thải ra môi trường thì một số đề tài cũng đã đề xuất phương án sản xuất ra các sản phẩm mang tính tự hủy cao để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đó là dự án “Sản phẩm AU - Thuốc trừ sâu sinh học - vì môi trường xanh - sạch - đẹp” – một dự án sản xuất thuốc trừ sâu sinh học chiết suất từ lá của cây hoa sữa giúp giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Bên cạnh đó, còn có cả dự án “Túi đựng rác tự phân hủy hữu cơ PEAD” sản xuất túi rác thải được tái chế từ đồ ăn thừa của các nhà hàng bằng cách tận dụng lượng thực phẩm dư thừa trong quá trình chế biến, sử dụng để tạo thành các túi đựng rác tự phân hủy hữu cơ. Đồng thời, sử dụng thực phẩm hết hạn để giảm thiểu lượng thực phẩm bị hủy, tận dụng tối đa thực phẩm trong việc sản xuất túi tự phân hủy hữu cơ. Với tình hình dịch bệnh covid 19 đang ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc tiêu thụ khẩu trang hàng ngày và xử lý rác thải khẩu trang cũng đang là 1 vấn đề khá đau đầu. Hiểu được vấn đề này, thí sinh với chủ đề “Khẩu trang tự phân hủy NV Mask” đã lên ý tưởng tạo ra một loại khẩu trang y tế mới, vẫn có thể giúp người sử dụng được bảo vệ khỏi bệnh dịch, dễ dàng hô hấp khi đeo và có thể tự phân hủy, thân thiện với môi trường. Thêm vào đó thì việc tiêu thụ các chai nhựa cũng đang là 1 vấn đề mà xã hội quan tâm, thí sinh của cuộc thì đã đưa ra dự án “Mô hình thu gom chai nhựa” bằng cách đặt máy thu gom chai nhựa tại các địa điểm công cộng, có phát triển app tích điểm.

 

Các nhóm thí sinh đều đang tích cực hoàn thiện kế hoạch kinh doanh của mình để chuẩn bị cho vòng Bán kết

Sức khỏe cộng đồng: Nhóm các đề tài mang những "gam màu" mới 
Các dự án còn lại trong bảng sản phẩm lại mang màu sắc phục vụ sức khỏe cộng đồng và giải quyết những vấn đề cá nhân. Với sản phẩm “Chiếc thẻ định vị thông minh”, thí sinh đã giúp cho con người tìm lại vật thất lạc thông qua định vị. Cụ thể là chiếc thẻ định vị thông minh nằm gọn trong ví tiền của mọi người, và bằng cách sử dụng app để định vị để giúp các khách hàng dễ dàng tìm lại được chiếc ví của mình trong trường hợp bị mất hoặc bị cưỡng đoạt tài sản. Còn đối với đề tài “Chế phẩm thanh long – Thanh An”, thí sinh đã chỉ ra việc Thanh An sẽ phát triển ba dòng sản phẩm với cùng công nghệ sản xuất là trà hoa thanh long, trà dây thanh long và thanh long sấy nhằm tiết kiệm chi phí máy móc và đa dạng hóa sản phẩm. Trùm cuối là dự án “Sữa hạt điều”. Hạt điều lại là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng giúp ngăn ngừa một số bệnh như sỏi mật, tim mạch,ung thư... và rất tốt cho mắt, hệ thần kinh đặc biệt là có tác dụng giảm cân và làm đẹp da. Do vậy, thí sinh mong muốn thực hiện dự án sản xuất sữa từ hạt điều để đem lại sức khỏe cho người tiêu dùng vì nó chứa đa dạng các chất dinh dưỡng rất tốt cho mọi lứa tuổi.

 

Nhóm đề tài ở những "sắc thái" mới: Sức khỏe 


Nhóm thí sinh bảng Sản phẩm cũng đã có buổi trao đổi trực tiếp với các mentor hỗ trợ
 
 
Như vậy, trải qua nhiều buổi huấn luyện online dưới sự dẫn dắt và hỗ trợ từ các "mentors" là những doanh nhân thành đạt và các thầy cô tâm huyết với các dự án khởi nghiệp thì Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo đang dần tiến đến giai đoạn nước rút đầy cam go và hết sức nghẹt thở. Điều đó cho thấy sự tận tâm, nhiệt huyết, sự nỗ lực không nhỏ và phối hợp nhịp nhàng giữa các ứng cử viên và ban tổ chức – Khoa Kinh tế trường UEF.  Hứa hẹn một “màn trình diễn” tại Vòng Bán kết luôn hừng hực khí thế sắp diễn ra. Các bạn hãy luôn cập nhật thông tin và đừng quên theo dõi diễn biến kịch tính và không kém phần thú vị nhé. 
 
Ngọc Anh - Thủy Tiên
TIN LIÊN QUAN