Tin tức sự kiện

Tọa đàm: “Thủ tục hải quan xuất khẩu và quy trình giao nhận qua EDO”: Từ lý thuyết đến thực tiễn

23/10/2021
Chiều ngày 23/10/2021, Khoa Kinh tế đã phối hợp với Tân Cảng – STC tổ chức thành công Tọa đàm: “Thủ tục hải quan xuất khẩu và quy trình giao nhận hàng LCL qua EDO” theo hình thức livestream trực tuyến trên nền tảng Zoom. Buổi tọa đàm đã nhận được sự quan tâm và tham dự của gần 400 bạn sinh viên

Phát biểu khai mạc tại tọa đàm, TS. Nhan Cẩm Trí – Phó Hiệu trưởng, Trưởng Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. HCM gửi lời cám ơn đến Công ty TNHH Phát triển Nguồn Nhân lực Tân Cảng – STC đã phối hợp cùng Khoa Kinh tế tổ chức buổi tọa đàm rất hữu ích và thực tiễn dành cho các bạn sinh viên. Thông qua buổi tọa đàm, TS. Nhan Cẩm Trí mong muốn các bạn sinh viên sẽ có cơ hội bổ sung thêm kiến thức chuyên ngành cho các môn học, cập nhật các xu hướng mới trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.



Tọa đàm: “Thủ tục hải quan xuất khẩu và quy trình giao nhận hàng LCL qua EDO”

Tham dự tại buổi tọa đàm dưới góc nhìn là một doanh nghiệp xuất khẩu, Ông Phạm Anh Thông – Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu CSL, CEO công ty TNHH IK – BRAIN Việt Nam, Giảng viên STC đã trình bày chuyên đề thủ tục thông quan xuất khẩu và bộ chứng từ xuất khẩu thực tế. Ông Phạm Anh Thông đã hướng dẫn chi tiết về 5 giai đoạn của quy trình xuất khẩu dựa trên bộ chứng từ xuất khẩu thực tế đối với mặt hàng thảm sơ dừa xuất khẩu từ Việt Nam đến thị trường Hàn Quốc. Theo đó, quy trình xuất khẩu bao gồm 5 giai đoạn như sau (1) Chuẩn bị hàng hóa, (2) Phương án vận tải (bao gồm các nghiệp vụ như số lượng container rỗng cần sử dụng cho lô hàng, tổ chức thuê phương tiện vận tải, phương tiện được lựa chọn để vận chuyển hàng hóa đến cảng), (3) Lập chứng từ thương mại, (4) Thông quan tại cảng, (5) Sau thông quan (kiểm soát hàng hóa sau quá trình thông quan).



Các hình ảnh trong phần trình bày của Ông Phạm Anh Thông – Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu CSL, CEO công ty TNHH IK – BRAIN Việt Nam, Giảng viên STC
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Chiên – Giảng viên Tân Cảng STC với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và marketing, trình bày chuyên đề “Chuyển đổi & thích ứng”. Mở đầu bằng case study thực tế của Vinasun, Grab và Uber, Bà Nguyễn Thị Thanh Chiên đã chứng minh tầm quan trọng của chuyển đổi số và thích ứng trong bối cảnh hiện nay. Liên hệ với lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Bà Thanh Chiên đã chia sẻ những đối tượng chính tham gia chuỗi cung ứng bao gồm hàng tàu/đại lý hãng tàu; chủ hàng xuất khẩu/nhập khẩu; các công ty giao nhận (forwarders); hải quan; nhà khai thác cảng; đơn vị vận tải,.. đều đang thực hiện quá trình chuyển đổi số. Đối với hãng tàu, các hãng tàu thực hiện ứng dụng công nghệ trong việc quản lý hành trình vận tải, xác định vị trí container thông qua hệ thống định vị, kiểm soát và cung cấp thông tin về lịch trình hàng hóa,... Với các công ty giao nhận hàng hóa, công nghệ được ứng dụng để cung cấp thông tin trên website để khách hàng tiện lợi trong việc tra cứu về cước vận chuyển, tuyến vận tải, hành trình vận chuyển của lô hàng. Đối với đơn vị vận tải, công nghệ được áp dụng giúp thông tin đến khách hàng về mức chi phí khách hàng phải chi trả khi di chuyển từ điểm A đến điểm B. Với cơ quan hải quan, ứng dụng khai bảo hải quan điện tử giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục khai báo hải quan. Ngoài ra, tại buổi tọa đàm, Bà Nguyễn Thị Thanh Chiên cũng trình bày về quá trình chuyển đổi số tại Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Thông qua chuyên đề ứng dụng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, Bà Nguyễn Thị Thanh Chiên – Giảng viên STC muốn gửi gắm cho các bạn sinh viên thông điệp: “nếu bạn đang dừng lại, nghĩa là bạn đang thụt lùi”; với mong muốn các bạn sinh viên phải luôn trong tâm thế sẵn sàng thay đổi và thích ứng với bối cảnh công nghệ và số hóa như hiện nay.



Các hình ảnh trong phần trình bày của Bà Nguyễn Thị Thanh Chiên – Giảng viên Tân Cảng STC

Chia sẻ tại Tọa đàm, Bà Ngô Thị Huyền Trang – Giảng viên Tân Cảng STC đã có phần trình bày về Hệ thống quản lý kho hàng điện tử - eWMS. Hệ thống eWMS nhằm mục đích cung cấp thông tin trực tuyến để theo dõi tình hình nhập xuất tại kho hàng, hỗ trợ khách hàng khai báo, làm thủ tục giao nhận hàng hóa qua mạng, hỗ trợ xuất hóa đơn điện tử và được cơ quan thuế chấp nhận. Lợi ích của eWMS bao gồm việc cho phép nhận lệnh giao hàng ở bất kỳ nơi đâu, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường do không cần phải in ấn chứng từ giấy, tiết kiệm thời gian, quy trình và thủ tục được đơn giản hóa.



Các hình ảnh trong phần trình bày của Bà Ngô Thị Huyền Trang – Giảng viên Tân Cảng STC

Buổi tọa đàm được kết thúc với phần minigame khoot hấp dẫn và thu hút hầu hết các bạn sinh viên tham dự. 3 bạn sinh viên gồm sinh viên Đinh Thị Như Ngọc; sinh viên Trần Thúy Vy - MSSV: 185011764; sinh viên Phạm Ngọc Huy - MSSV: 205084656 đã đạt kết quả cao sau khi tham dự trò chơi và xuất sắc nhận được 3 suất học bổng là Khóa học Xuất nhập khẩu thực hành, Khóa học nhân viên khai báo hải quan và Khóa học nhân viên chứng từ do Công ty TNHH Phát triển Nguồn Nhân lực Tân Cảng – STC tài trợ. Bên cạnh các suất học bổng được trao cho các bạn sinh viên trực tiếp tham gia trò chơi, Ban Tổ chức còn dành tặng 2 suất học bổng dành cho 2 bạn sinh viên có thành tích học tập tốt nhất tại Khoa Kinh tế là sinh viên Nguyễn Hồng Ngọc và sinh viên Tôn Nữ Gia Hân.

Phát biểu bế mạc tại Hội thảo, ThS. Đỗ Thị Thu Hà, Trưởng ngành Logistics gửi lời cám ơn đến các diễn giả đã tận tình chia sẻ và giải đáp các thắc mắc cho các bạn sinh viên. Chương trình nhận được đông đảo sự quan tâm và đặt câu hỏi từ các bạn sinh viên đã cho thấy tính hữu ích mà hội thảo mang lại. Thông qua chương trình, Khoa Kinh tế hi vọng sẽ tiếp tục hợp tác cùng Công ty TNHH Phát triển Nguồn Nhân lực Tân Cảng – STC trong các hoạt động trong tương lai. Tọa đàm là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động học tập gắn liền giữa lý thuyết và thực tiễn được Khoa Kinh tế triển khai định kỳ.

 
Đông Xuân

 
TIN LIÊN QUAN