Xuất sắc vượt qua 52 đội thi với 186 thí sinh đến từ 17 trường đại học, học viện, cơ sở đào tạo Luật trên cả nước, đội tuyển Khoa Luật mang tên “UEF LAW” đã trở thành 1 trong 12 đội bước tiếp vào chặng 2 sân chơi V-Med để tìm ra các đội xuất sắc nhất.
V-Med - Vietnam Mediation Moot là cuộc thi về hòa giải thương mại với mục tiêu thúc đẩy quảng bá, phổ biến kiến thức và kỹ năng về phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải thương mại tại Việt Nam. Cuộc thi được đồng tổ chức bởi Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC) và Trường Đại học Ngoại thương (FTU).
Đến với sân chơi V-Med, bên cạnh những chặng thi đấu với hình thức phiên hòa giải giả định mới lạ, sinh viên còn có cơ hội tham gia chuỗi workshop về kỹ năng thương lượng, hòa giải với nhiều cơ hội giao lưu, gặp gỡ các luật sư, chuyên gia pháp lý, hòa giải viên giàu kinh nghiệm tại Việt Nam.
Đội tuyển Khoa Luật tham gia thi đấu V-Med
Tại chặng 1, đội tuyển Khoa Luật mang tên “UEF LAW” với các thành viên: Lý Ngọc Loan Châu, Phan Thị Hoài Linh, Lê Nguyễn Thùy Dương và Nguyễn Anh Quân đã thành công vượt qua 52 đội với 186 thí sinh đến từ 17 trường đại học, học viện, cơ sở đào tạo khác nhau trên khắp cả nước để trở thành một trong 12 đội tham gia chặng 2, diễn ra từ ngày 27 - 29/08/2022 tại trường Đại học Ngoại thương.
Các trường có đội tham gia thi chặng 2 cùng UEF bao gồm: Đại học Luật TP.HCM; Đại học Luật - Huế; Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM; Đại học Kinh tế Quốc dân; Đại học Ngoại thương Hà Nội; Đại học Cần Thơ; Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Ngoại giao.
Tại chặng 2 này, Đội UEF LAW sẽ tham gia thực hành các vai Bên tham gia hòa giải và Hòa giải viên lần lượt tại 3 vòng thi liên tiếp với 11 đội còn lại để tìm ra các đội xuất sắc nhất của Cuộc thi.
Sự đồng hành, hỗ trợ của thầy cô
Bên cạnh sự nỗ lực rất lớn từ các bạn sinh viên còn có sự nhiệt huyết, tận tâm hướng dẫn từ ThS. Phó Hưng Bình – Trưởng ngành Luật quốc tế, ThS. Phạm Huỳnh Bảo Oanh - Giảng viên Khoa Luật cùng sự hỗ trợ, góp ý, động viên từ tập thể cán bộ, giảng viên Khoa Luật.
Giải quyết tranh chấp dân sự, thương mại bằng hòa giải đang trở thành một xu hướng trên thế giới bởi nhiều ưu điểm như thời gian, chi phí, gìn giữ mối quan hệ và mức độ bảo mật. Hoạt động hòa giải được coi là một phương thức hỗ trợ hoạt động kinh doanh, thương mại và phát triển kinh tế. Hòa giải được coi là phương thức giải quyết tranh chấp quốc tế vượt qua các rào cản về văn hoá và quyền tài phán. Khoa Luật tin rằng, cuộc thi sẽ mở ra nhiều cơ hội mới về nghề nghiệp cho sinh viên nhóm ngành Luật sau này.
TT.TT-TT
Ảnh: Khoa Luật cung cấp