Tin tức sự kiện

Ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực pháp luật - Chuyển mình đón cơ hội hay chấp nhận thách thức?

28/10/2023
Khi xu hướng công nghệ ngày càng nở rộ cũng là lúc chúng ta được tiếp xúc nhiều hơn với những thuật ngữ như “công nghệ số”. Rất nhiều lĩnh vực đã “đi trước đón đầu”, hòa mình vào làn sóng công nghệ. Vậy với nhóm ngành Luật thì ra sao? Làm thế nào để ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực đời sống, đặc biệt là lĩnh vực pháp luật?
Để trả lời cho câu hỏi này, sáng 21/10, Khoa Luật UEF và Câu lạc bộ Pháp luật (ILC) đã tổ chức chương trình talkshow với chủ đề mang tên “Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực pháp luật - Chuyển mình đón cơ hội hay chấp nhận thách thức.
 

Buổi talkshow nhận được nhiều sự quan tâm từ sinh viên Khoa Luật
 
Diễn giả của chương trình là ông Võ Đình Vũ Duy - Marketing and Account Manager của VietCham Singapore và bà Quyên Hồ - Partnership Manager của Aspire Fintech. Về phía UEF tham dự có: ThS. Huỳnh Quốc Phong - Giám đốc trung tâm hợp tác doanh nghiệp, ThS. Nguyễn Thị Xuân Mai - Giảng viên khoa Luật, ThS. Nguyễn Đức Trí - Giảng viên Khoa Luật, ThS. Phạm Huỳnh Bảo Oanh - Giảng viên Khoa Luật và bạn Đặng Khương Thiên Anh - Trưởng ban PR-Event Câu lạc bộ Pháp luật (ILC). 
 

Đại diện UEF trao thư cảm ơn cho diễn giả 
 
Buổi talkshow được chia sẻ với ba chủ đề: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam theo từng giai đoạn; Vấn đề kinh doanh xuyên biên giới và Chuyển đổi số trong hoạt động doanh nghiệp - Bài học quốc tế từ Singapore. Những thông tin này phần nào giúp sinh viên hình dung được yếu tố chuyển đổi số trong mảng Luật kinh tế, Luật quốc tế.
FDI là viết tắt của Foreign Direct Investment (Đầu tư trực tiếp nước ngoài) là hình thức đầu tư dài hạn, xảy ra khi một nhà đầu tư từ một nước (nước chủ đầu tư) có được một tài sản ở một nước khác (nước thu hút đầu tư) cùng với quyền quản lý tài sản đó. Phương diện quản lý là thứ để phân biệt FDI với các công cụ tài chính khác. Trong phần lớn các trường hợp, cả nhà đầu tư lẫn tài sản quản lý ở nước ngoài là các cơ sở kinh doanh thì các nhà đầu tư thường được gọi là “công ty mẹ” và các tài sản được gọi là “công ty con”. 
Để sinh viên hiểu hơn về hình thức đầu tư này, bà Quyên Hồ đã giải thích cho các bạn về định nghĩa “Kinh doanh xuyên biên giới” là gì và tại sao các doanh nghiệp về tài chính có thể kinh doanh xuyên biên giới. 
 


Diễn giả Quyên Hồ chia sẻ về hình thức kinh doanh xuyên biên giới
 
Tiếp nối phần chia sẻ của bà Quyên Hồ, diễn giả Võ Đình Vũ Duy trình bày về cách thức hoạt động của kinh doanh xuyên biên giới và chia sẻ câu chuyện của chính bản thân ông trong hành trình chinh phục hình thức đầu tư này.
Có thể nói, dưới sự phát triển của công nghệ số cùng với các phương tiện hiện đại, các hình thức kinh doanh xuyên biên giới được diễn ra dễ dàng và thuận tiện hơn. Kéo theo đó, các điều khoản pháp luật cũng được rút gọn mà vẫn đảm bảo tính chính xác và quyền lợi của hai bên. Để giúp các bạn sinh viên hiểu hơn về vấn đề này, diễn giả đã đưa ra các ví dụ cụ thể về ứng dụng của công nghệ số trong lĩnh vực pháp luật.
 


Diễn giả Võ Đình Vũ Duy mang đến góc nhìn thực tiễn qua bài học từ Singapore
 
Phần trao đổi lý thuyết kéo dài không lâu, bà Quyên Hồ và ông Võ Đình Vũ Duy mong muốn và đề cao nhiều hơn ở phần chia sẻ đến từ sinh viên Khoa Luật. Các bạn cũng rất mạnh dạn đưa ra những thắc mắc cho hai diễn giả giàu kinh nghiệm. 
Qua phần tương tác này, các bạn lại có dịp đào sâu kiến thức cũng như lĩnh hội thêm những thông tin mới mẻ.
 



Sinh viên chăm chú lắng nghe và mạnh dạn bày tỏ quan điểm với diễn giả
 
Chắc hẳn qua talkshow, UEFers phần nào hình dung được "làn sóng" công nghệ đã tác động tích cực đến nhóm ngành Luật, bên cạnh đó là những thách thức mà những người làm nghề cần ứng phó để thành công. Hy vọng các bạn có thể ứng dụng được những thông tin từ chuyên gia trong quá trình học tập cũng như trong công việc sau này. 

Bảo Như 
Ảnh: Minh Thiện 
TIN LIÊN QUAN