Hoạt động sinh viên

"Nghiên cứu khoa học bắt đầu từ đâu?": Sinh viên Nhà UEF đi tìm câu trả lời cùng chuyên gia

09/10/2021
Tiếp nối thành công của Webinar 3 về nghiên cứu khoa học, khoa Quan hệ công chúng và truyền thông tiếp tục tổ chức workshop liên quan đến hoạt động học thuật này với chủ đề “Nghiên cứu khoa học bắt đầu từ đâu?”. Được tổ chức trực tuyến trên Microsoft Teams vào tối ngày 8/10 vừa qua, chương trình góp phần giải quyết băn khoăn của nhiều sinh viên, đặc biệt là các tân binh khi bắt tay vào quá trình nghiên cứu. 
Đồng hành với UEFers là ThS. Trần Đức Sự - Phó Giám Đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ. Đây cũng là "nhân vật thân quen" đối với sinh viên khoa Quan hệ công chúng và truyền thông nói riêng, với sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học nói chung.
Dẫn dắt, kết nối chương trình là hai bạn Phan Thảo My và Đặng Ngọc Minh Thư - những "gương mặt vàng trong làng nghiên cứu" với chuỗi thành tích ấn tượng từ cấp trường đến giải thưởng Euréka, cấp Bộ.
 
Chương trình được thực hiện online trên nền tảng Microsoft Teams tối ngày 8/10
 
Mở đầu chương trình, diễn giả đã cho các bạn tham gia trò chơi bằng cách trả lời những câu hỏi liên quan đến nghiên cứu khoa học. Qua đó nắm bắt được sự quan tâm của giới trẻ về vấn đề này. Diễn giả cho biết nghiên cứu khoa học là lĩnh vực kén người nhưng nếu ai bước ra từ đây cũng đều gặt hái được những thành công nhất định.
Theo diễn giả, sự thành công của đề tài nghiên cứu xuất phát từ một ý tưởng tốt. Đó có thể là vấn đề đã được các bạn quan tâm, theo dõi từ lâu cũng có thể là một suy nghĩ bất chợt lóe lên trong khoảnh khắc nào đó. 
Để đa dạng nguồn ý tưởng, khách mời cung cấp cho sinh viên một số phương pháp như: Đọc báo để tìm đề tài “nóng”, tham khảo từ giảng viên, quan sát cuộc sống xung quanh, đọc tạp chí chuyên ngành, tham khảo luận văn tốt nghiệp, tập trung đọc chủ đề mình yêu thích. ThS. Trần Đức Sự cũng khuyên sinh viên khi có ý tưởng hãy chia sẻ cho mọi người để tham khảo được nhiều ý kiến. Nhiều bạn trẻ vẫn còn tỏ ra lo lắng vì vấn đề “trộm ý tưởng”, hiểu được tâm lý đó, diễn giả đã thẳng thắn chia sẻ: “Ý tưởng chỉ có giá trị khi nó trở thành hiện thực”
 
ThS. Trần Đức Sự đã cung cấp cho sinh viên nhiều phương pháp để có ý tưởng tốt
 
Ngoài ra, khách mời cũng đã đề xuất một số đề tài nghiên cứu mà sinh viên có thể thực hiện. Điển hình là các vấn đề trong tình hình Covid như: trẻ em mồ côi do dịch bệnh, dòng người từ thành phố đổ về quê, học tập trực tuyến,… và tầm nhìn hậu Covid là những hướng đi mà các bạn có thể khai thác.
Bên cạnh khách mời, ThS. Nguyễn Phát Tài – Giảng viên khoa Quan hệ công chúng và truyền thông cũng đã chia sẻ thêm cho sinh viên về xu hướng phát triển của truyền thông thời đại mới – truyền thông bằng âm thanh. Từ đó, nhiều vấn đề được đặt ra, góp thêm ý tưởng tham khảo cho sinh viên.  
Trong chương trình, nhiều sinh viên đã mạnh dạn trình bày ý tưởng nghiên cứu của nhóm mình và đặt ra các câu hỏi liên quan. Khách mời đã giải đáp tận tình và góp ý để giúp các bạn hoàn thiện ý tưởng, xác định hướng đi phù hợp hơn.
 


UEFers chia sẻ ý tưởng và được diễn giả góp ý để có một đề tài nghiên cứu tốt
 
Thông qua buổi workshop, UEFers đã có sự định hình rõ ràng hơn về nghiên cứu khoa học, sẵn sàng bắt tay vào thực hiện những "công trình" của chính bản thân mình. Với sự hăng hái, tích cực của sinh viên khoa Quan hệ công chúng và truyền thông, hứa hẹn sẽ có nhiều bứt phá trong lĩnh vực này năm học 2021 – 2022. 
 
Quy Nguyễn (TT.TT-TT)
TIN LIÊN QUAN