Tin tức sự kiện

Cùng chuyên gia giải mã triển vọng nghề nghiệp của sinh viên Tâm lý học trong thời đại số

18/03/2023
Ở bất kỳ ngành nghề nào, việc định hướng nghề nghiệp từ sớm sẽ giúp các bạn sinh viên vững tâm theo đuổi và nhận diện được lĩnh vực công việc phù hợp với bản thân, nhất là trong thời đại số với tính cạnh tranh cao và nguồn thông tin đa chiều. Hiểu được điều này, sáng 16/3, Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông UEF đã tổ chức workshop “Giải mã xu hướng việc làm và nhu cầu tuyển dụng sinh viên ngành Tâm lý học trong thời đại số”Chương trình đã thu hút sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên trong và ngoài Nhà trường. 
 

Đông đảo sinh viên tham gia tìm hiểu xu hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực Tâm lý học
 
Workshop diễn ra với sự đồng hành của bốn khách mời là TS. Phạm Văn Tuân - Trưởng Bộ môn Tâm lý học, Đại học Văn Lang; TS. Tô Nhi A - Giảng viên ngành Tâm lý học UEF; ThS. Phạm Thị Bích Phượng - Trưởng ngành Tâm lý học, Đại học Công nghệ TP. HCM (HUTECH); Chị Mia Nguyễn - Giám đốc Công ty Ladies of Vietnam. Đóng vai trò host của chương trình là TS. Nguyễn Văn Tường - Phó Giám đốc Trung tâm Tham vấn tâm lý và Hỗ trợ pháp luật, Trưởng ngành Tâm lý học UEF. Các diễn giả đã mang đến cho UEFers góc nhìn đầy đủ và rõ nét về cơ hội, thách thức cùng các hướng phát triển của lĩnh vực tâm lý học trong tương lai.
 

Diễn giả của chương trình là những chuyên gia uy tín trong lĩnh vực tâm lý học
 

Xu hướng phát triển của ngành Tâm lý học hiện nay

 

Theo TS. Phạm Văn Tuân, hiện nay, việc đào tạo ngành Tâm lý học tại Việt Nam tập trung vào bốn hướng là Tâm lý học giáo dục, Tâm lý học trường học, Tâm lý học lâm sàng và Tâm lý học tổ chức nhân sự.
 
TS. Phạm Văn Tuân cho rằng Tâm lý học là một ngành còn rất nhiều triển vọng phát triển trong tương lai

Tâm lý học giáo dục là ngành được đào tạo sớm nhất, tuy cũ nhưng vẫn khẳng định được vị thế nhờ vào vai trò quan trọng trong thị trường lao động. Gắn với Tâm lý học giáo dục là Tâm lý học trường học, mảng này hiện đang được triển khai tại một số cơ sở đào tạo ngành Tâm lý học. Tuy nhiên, mảng Tâm lý học trường học ở miền Nam vẫn chỉ đang được xem là một ngành đào tạo chuyên sâu của ngành Tâm lý học giáo dục. Lĩnh vực nổi nhất là tâm lý học lâm sàng, dù vậy, tâm lý học lâm sàng cũng chưa được tách khỏi lĩnh vực tâm lý học để thành một lĩnh vực chuyên biệt. Cuối cùng là chuyên ngành Tâm lý học tổ chức nhân sự, đây là một lĩnh vực mới nhưng được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới giữa xu hướng công nghiệp hóa của nước ta. 
Bổ sung cho phát biểu của TS. Phạm Văn Tuân, TS. Tô Nhi A cho rằng một từ khóa khác thể hiện xu hướng của ngành Tâm lý học trong tương lai là “liên ngành”. Đi từ câu chuyện thực tế, căn cứ vào tình trạng sức khỏe tinh thần của người lao động nói riêng và sức khỏe tinh thần của đa số quần chúng nói chung trong nhiều lĩnh vực, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: “Làm sao để tiếp cận đời sống tâm lý trong nhiều lĩnh vực khác nhau?”, từ đó tạo ra những câu chuyện liên ngành. 
 

TS. Tô Nhi A nhắc đến từ khóa "liên ngành" khi nói về Tâm lý học trong tương lai
 
“Điều này thể hiện ở sự thay đổi chương trình khung rất mạnh mẽ của những nhóm ngành khác: tâm lý học được tham gia như một môn học chính thống. Sinh viên các ngành này đều phải học ít nhất là một môn học bắt buộc liên quan đến tâm lý học” - TS. Tô Nhi A khẳng định.
Về định hướng đào tạo của ngành Tâm lý học, TS. Nguyễn Văn Tường cũng thông tin thêm: “Bên cạnh những định hướng mà thầy Tuân hay cô Nhi A đã đưa ra, chúng ta còn thấy tâm lý học ở Việt Nam có thêm một định hướng ứng dụng nữa đó là ứng dụng trong an ninh và quốc phòng. Ứng dụng mạnh trong an ninh quốc phòng và hình sự. Có thể nói, ở đâu có con người ở đó có tâm lý học. Tính ứng dụng của tâm lý học ngày một dữ dội”.

 

“Còn con người, ngành Tâm lý học còn phát triển”

 

Trả lời cho câu hỏi: “Xu hướng đào tạo ngành Tâm lý học đang theo hướng ứng dụng hơn hàn lâm, sau khi tốt nghiệp, cử nhân Tâm lý học có thể làm công việc gì?”, diễn giả Phạm Thị Bích Phượng cho rằng: “Một nhà tâm lý học có thể làm được rất nhiều công việc, rất nhiều vị trí khác nhau. Chính vì vậy, các bạn cần xác định mục tiêu công việc trong tương lai của bản thân mình. Riêng về trị liệu tâm lý, đòi hỏi một quá trình dài trước khi đạt được mục tiêu. Ngoài ra, các bạn còn có nhiều cơ hội việc làm khác thuộc các ngành liên quan. Nói tóm lại, các bạn có vô số lựa chọn, chỉ cần các bạn định hướng đúng và không ngừng trau dồi thôi”.
Đồng tình với ý kiến của ThS. Phạm Thị Bích Phượng, diễn giả Mia Nguyễn đánh giá rằng cơ hội của sinh viên ngành Tâm lý học trong thị trường lao động là rất lớn. “Tuy nhiên, các bạn đừng để đến năm học thứ tư mới đi tìm nơi kiến tập. Bởi lẽ như cô Phượng chia sẻ, Tâm lý học là một con đường dài, các bạn cần có sự chuẩn bị từ sớm. Các bạn có thể tham gia vào các cơ sở tư nhân từ sớm ở các vị trí bên ngoài như điều phối,... rồi dần dần tiếp cận, tham gia trị liệu dưới sự hướng dẫn của những chuyên gia tại phòng khám đó” - chị Mia Nguyễn đưa ra giải pháp.
 
ThS. Phạm Thị Bích Phượng đánh giá Tâm lý học ngày càng có vai trò quan trọng trong xã hội

Bên cạnh cơ hội nghề nghiệp, ngành Tâm lý học cũng gặp những trở ngại mà tiêu biểu là ứng dụng chat GPT. Tuy nhiên, theo diễn giả Tô Nhi A, đối tượng làm việc chính của ngành Tâm lý học là con người, thân chủ luôn cần sự giao tiếp giữa con người với con người, người ta không thỏa mãn việc được trị liệu được tham vấn chỉ bằng vài dòng chữ. Ngoài ra, chat GPT có thể tổng hợp thông tin nhưng nó không thể chuyên biệt thông tin, tức là đối với mỗi cá thể sẽ có một cách xử lý khác nhau.
“Tuy nhiên, không thể vì vậy mà chúng ta chủ quan, bởi chat GPT sở hữu lượng kiến thức rất lớn và cập nhật. Vì vậy, nếu ta không trau dồi sẽ bị đào thải, hãy coi GPT là 1 đối thủ để chạy đua, từ đó làm bản thân mình tốt hơn từng ngày” - cô Tô Nhi A nhắn nhủ.
 


Cũng trong buổi talkshow, nhiều câu hỏi đã được các bạn sinh viên gửi đến cho các diễn giả và được giải đáp trực tiếp. 

Là một trong những sinh viên được trực tiếp đặt câu hỏi cho các diễn giả, bạn Lê Mỹ Kỳ Duyên - sinh viên năm 2 khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông, ngành Tâm lý học bày tỏ sự vui thích với buổi workshop. “Thật may là qua buổi gặp gỡ này, mình đã được củng cố thêm niềm tin về ngành nghề mình đang học. Và mình cũng tự tin rằng dù về quê thì mình vẫn có việc làm” - Kỳ Duyên hào hứng chia sẻ.
Bạn Nguyễn Thị Ngọc Ánh  - sinh viên năm 3 ngành Giáo dục học chuyên ngành Tâm lý giáo dục của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM chia sẻ: “Dù định hướng việc làm không đi theo tâm lý trị liệu, tuy nhiên buổi workshop với mình vẫn rất bổ ích. Mình hiểu biết thêm về cơ hội việc làm, có cho bản thân những kế hoạch tương lai thông qua những chia sẻ của các diễn giả”.
Với những thông tin mà các diễn giả mang lại, tin chắc rằng các bạn trẻ đang theo đuổi lĩnh vực tâm lý học nói chung và sinh viên UEF nói riêng đã có thêm những định hướng mới cho bản thân. Sự đa dạng và triển vọng của ngành nghề này trong tương lai sẽ là cơ hội để Gen Z năng động, nhạy bén phát huy sở trường của mình, đồng thời, giúp ích cho cộng đồng, xã hội. 
 
Phương Anh
Ảnh: Media Team
 
TIN LIÊN QUAN