Hoạt động gắn kết doanh nghiệp

UEF ĐỒNG SÁNG LẬP MẠNG LƯỚI CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VIỆT NAM (VECOMNET)

13/09/2022
Ngày 9/9 vừa qua, đại diện Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Kinh tế - Tài chính (UEF) đã có buổi tham dự và làm việc tại Hội thảo "Đào tạo Thương mại điện tử 2022 - Những bước tiến nổi bật" tại Trường Đại học Hoa Sen do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) phối hợp tổ chức. Tại Hội thảo, Ban Tổ chức cũng công bố các thành viên sáng lập Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử (TMĐT) tại miền Nam, khai trương website chính thức của Mạng lưới.
 
Đại diện Khoa CNTT - Trường ĐH Kinh tế - Tài chính
 
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM cho biết theo khảo sát sơ bộ của VECOM, tới giữa năm 2022 đã có tới 32 trường đại học đào tạo cử nhân TMĐT. Hiện nay một số trường đang chuẩn bị các nguồn lực cần thiết và hoàn tất thủ tục để có thể đào tạo cử nhân ngành này. Với xu hướng đó, tới năm 2025, số trường đại học trên cả nước đào tạo cử nhân TMĐT có thể cao hơn 40 trường.
 
Đồng thời, số trường đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành gắn bó mật thiết với TMĐT cũng tăng nhanh, bao gồm tiếp thị số, công nghệ tài chính, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, hệ thống thông tin quản lý, thương mại quốc tế, du lịch.
Nhu cầu hợp tác liên kết, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp đào tạo, nghiên cứu khoa học… giữa các trường trong lĩnh vực này ngày càng cao. Mặt khác, việc gắn đào tạo với thực tiễn không thể đạt hiệu quả cao nếu thiếu sự  hợp tác giữa các trường với các doanh nghiệp TMĐT hàng đầu. Do đó, nhiều trường đại học và VECOM cùng khởi xướng thành lập Mạng lưới các cơ sở đào tạo TMĐT (VECOMNET). Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM (UEF) rất vinh dự khi là một trong những thành viên sáng lập Mạng lưới và đóng góp 02 bài báo chuyên đề : “Mô hình đào tạo ngành TMĐT hướng thực tiễn và hội nhập quốc tế” – TS. Nguyễn Hà Giang; “Thực trạng và xu hướng đào tạo TMĐT ở các trường đại học tại Việt Nam” – ThS. Trần Thành Công trên “Kỷ yếu Hội thảo đào tạo TMĐT 2022” lần này.
 
Đại diện thành viên VECOMNET từ UEF: TS. Nguyễn Hà Giang - Trưởng khoa Công nghệ thông tin.
Với sự phát triển như vũ bão của Internet, Thương mại điện tử như một “vùng đất hứa đầy màu mỡ” cho doanh nghiệp cũng như sinh viên quan tâm và theo học. Được nhận định như một con sư tử đang ngủ yên chưa được đánh thức, và thực tế tiềm năng không chỉ dừng lại ở ý nghĩa đối với khách hàng, doanh nghiệp mà bao gồm cả lời hứa hẹn về cơ hội việc làm cho không ít người. UEF luôn chú trọng trong việc đào tạo sinh viên trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng số. Nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo đề cao tính ứng dụng và thực hành, thực tập doanh nghiệp để sinh viên có nhiều cơ hội cọ xát thực tiễn, tích lũy kinh nghiệm trước khi bước vào môi trường làm việc thực tế thông qua các mục tiêu cụ thể về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ- tự chịu trách nhiệm với 10 chuẩn đầu ra ứng với các mục tiêu đó.
Theo định hướng đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội và hội nhập quốc tế của UEF. Ngành TMĐT cũng bám chặt định hướng này trong việc xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chung. Nhằm mục đích đảm bảo người học có đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, hội nhập và đa quốc gia, chương trình đào tạo dạy và học sử dụng tiếng Anh chiếm 40% bao gồm tiếng Anh tổng quát và chuyên ngành ứng với chuẩn đầu ra năng lực tiếng Anh là IELTS 5.5. Thêm vào đó, việc đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chương trình đào tạo TMĐT được thiết kế một số học phần đặc biệt như: Project design giúp người học hình thành phương pháp, kỹ năng làm việc nhóm, tư duy, phát hiện vấn đề thông qua một dự án; giảng dạy chuyên môn - gắn kết với thực tiễn doanh nghiệp giúp người học tiếp cận các lĩnh vực nghề nghiệp chuyên môn thông qua các hoạt động tham quan, học tập, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp.
Hiện nay, khi mà chương trình đào tạo TMĐT càng ngày càng có xu hướng ưu tiên hơn đối với kinh doanh dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông. Chương trình học của UEF cung cấp cho sinh viên lượng kiến thức liên quan đến các khối ngành kinh tế, tài chính và quản trị kinh doanh nhưng cũng đồng thời cung cấp lượng kiến thức liên quan đến công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu. Cụ thể, chương trình đào tạo TMĐT định hướng sinh viên rõ ràng thông qua ba chuyên ngành hẹp: Kinh doanh trực tuyến, Marketing trực tuyến và Giải pháp TMĐT. Ở đó, cung cấp các kiến thức liên ngành thông qua một số môn học như: Lý thuyết tài chính tiền tệ, Phân tích dữ liệu web, Kinh doanh thông minh, ...
Tuy có những bước tiến thành công trong chương trình đào tạo là vậy, nhưng không chỉ riêng UEF mà các cơ sở đào tạo khác còn nhiều thử thách cần vượt qua để có thể đáp ứng nguồn nhân lực rất cao của ngành TMĐT trong tương lai. Trong Kỷ yếu Hội thảo TMĐT, Đại diện thành viên VECOMNET của UEF – TS.Nguyễn Hà Giang và ThS. Trần Thành Công đã đưa ra những đề xuất rất rõ ràng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo chương trình TMĐT bắt kịp xu hướng, thay đổi thực tiễn của xã hội trong tương lai.
Xem Kỷ yếu Hội thảo TMĐT 2022 - Những bước tiếng nổi bật tại đây

 
TIN LIÊN QUAN