Học thuật

Sở hữu trí tuệ trong hoạt động doanh nghiệp: Hiểu sâu hơn qua chia sẻ thực tế của Luật sư

25/08/2021
23/08/2021

Vấn đề sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, xã hội, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập sâu như hiện nay. Nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức thực tế liên quan đến vấn đề này, sáng ngày 21/8, khoa Luật đã phối hợp cùng Câu lạc bộ Integrity Law - ILC tổ chức buổi talkshow với chủ đề “Quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động của doanh nghiệp”.
 

sở hữu trí tuệ uef
Hoạt động diễn ra dưới hình thức trực tuyến trên MS Teams

Chương trình có sự tham dự của TS. Nhan Cẩm Trí – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, ThS. Mạch Trần Huy – Phó Chánh Văn phòng trường, ThS. Vũ Anh Sao – Phó trưởng khoa Luật cùng một số giảng viên khoa và đông đảo sinh viên UEF. 
Khách mời chia sẻ trong talkshow này là LS. Phạm Thị Thoa – Luật sư sáng lập tại Apolat Legal, Trọng tài viên tại STAC, Quản tài viên tại IALM. 

 

 

Khách mời trong chương trình là Luật sư Phạm Thị Thoa

 

Mở đầu chương trình, TS. Nhan Cẩm Trí cho biết: “Những người trẻ hiện nay cần phải trang bị cho mình nhiều kiến thức để trở thành công dân toàn cầu, trong đó, kiến thức về chuyên môn cần phải nắm vững. Khoa Luật đã có rất nhiều cố gắng khi liên tục tổ chức các hoạt động để sinh viên được tiếp cận thực thiễn, lắng nghe, tích lũy kinh nghiệm thực tế”.
Trước khi đến với phần chia sẻ của diễn giả, UEFers đã cùng tham gia vào mini game để tìm hiểu về quyền sở hữu trí tuệ.

 

  

UEFers tham gia trả lời câu hỏi về sở hữu trí tuệ trên Quiz

 

Trong phần trao đổi của mình, luật sư đã cung cấp đến sinh viên 3 vấn đề: khái quát về tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động doanh nghiệp và kiến thức, kỹ năng cần trang bị để hành nghề trong lĩnh vực pháp lý về sở hữu trí tuệ. 
Thông qua phần chia sẻ của khách mời, UEFers đã nắm được một số kiến thức: sở hữu trí tuệ là gì, nhận diện đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ và nguyên tắc xác lập quyền này. Diễn giả chia sẻ, quyền sở hữu trí tuệ có những đặc tính cơ bản như: là bộ phận của tài sản vô hình, thành quả đầu tư sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, khoa học công nghệ hoặc uy tính thương mại, tồn tại dưới dạng thông tin và có khả năng lan truyền vô tận, dễ bị sao chép, có khả năng tăng trưởng giá trị, đồng thời, cũng có khả năng hao mòn giá trị. 

 

  

Một số nội dung được truyền tải trong phần chia sẻ của diễn giả

 

Cũng theo diễn giả, quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ, xác lập dưới 2 hình thức. Một là tự động phát sinh, xác lập khi tài sản trí tuệ thỏa mãn điều kiện luật định, không cần cơ quan Nhà nước chứng nhận. Ví dụ như quyền tác giả, quyền liên quan,… Hai là phải được cơ quan Nhà nước cấp giấy để xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ, điển hình như sáng chế, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng,…
Đối với doanh nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp chống lại hành vi sao chép của đối thủ cạnh tranh, tạo ra sự khác biệt, nâng cao sức mạnh đàm phán, vị thế trên thị trường, xây dựng hình ảnh tích cực về doanh nghiệp, tăng lợi nhuận. Doanh nghiệp có thể bán, nhượng quyền, li-xăng quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa nhận diện được đối tượng sở hữu trí tuệ cần bảo hộ nên chưa có biện pháp và phương thức bảo hộ đúng mức với các đối tượng sở hữu trí tuệ. Đồng thời chưa có phương thức quản lý và khai thác tài sản trí tuệ phù hợp (đặc biệt là vấn đề định giá) hoặc khai thác tài sản trí tuệ mà chưa thực hiện các biện pháp bảo vệ phù hợp. 

 

 

Một số sách tham khảo dành cho sinh viên theo đuổi lĩnh vực này

 

Theo Luật sư, doanh nghiệp có thể thực thi các quyền tự bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của mình bằng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm, yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại (gửi khuyến cáo), yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, khởi kiện ra tòa hoặc trọng tài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, có thể thực thi các thủ tục pháp lý chống lại hành vi xâm phạm quyền này bằng hình sự, dân sự, hành chính, biện pháp khẩn cấp tạm thời, kiểm soát hải quan. 
Cuối chương trình, luật sư đã giới thiệu đến sinh viên UEF những khóa học để nâng cao thêm kiến thức trong lĩnh vực này. Nếu sinh viên nào có sự quan tâm có thể đăng ký các lớp học online của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học công nghệ, khóa học chuyên sâu về sở hữu trí tuệ của Cục sở hữu trí tuệ và Đại học Luật,…
Hoạt động đã mang lại cho sinh viên khoa Luật nhiều kiến thức mới về một lĩnh vực trong chuyên ngành. Sinh viên có nguyện vọng theo đuổi con đường này đã có hành trang nền tảng, từ đó, xây dựng và phát triển năng lực bản thân để thành công trong tương lai. Sắp tới, nhiều hoạt động trực tuyến bổ ích khác của khoa cũng như trường sẽ được tổ chức, UEFers cùng theo dõi và tham gia để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân nhé.

 

Quy Nguyễn

TIN LIÊN QUAN