Tin tức sự kiện

[IR-EDUCON] – Tiếp tục hoạt động tư vấn chuyên môn IR-EduCon - tuần 2

22/06/2021
Tuần đầu tiên (7-13/6/2021) của chuỗi hoạt động tư vấn chuyên môn IR-EduCon đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn sinh viên. Buổi tư vấn đầu tiên, dù diễn ra vào Chủ nhật (ngày 13/6/2021) nhưng kết quả ghi nhận được rất khả quan.  Sau khảo sát nhanh, có đến 78.6% các bạn sinh viên lựa chọn từ Hài lòng đến Rất hài lòng. Có đến 77.5% các bạn đã tích vào mục sẽ đăng ký tư vấn tiếp theo. Kết quả đó đã giúp Khoa Quan hệ Quốc tế hiểu được các bạn cần Khoa hỗ trợ như thế nào? Cần Khoa đồng hành bên cạnh các bạn ra sao? Trước những khó khăn mới của việc học online và bối cảnh giãn cách xã hội.  

Dù xa mặt nhưng không thể cách lòng”, với tinh thần đó, chuỗi tư vấn online IR-EduCon đã tiếp tục nhận đăng ký trong tuần thứ hai (14-20/6/2021). Những câu hỏi, những băn khoăn mà các bạn đặt ra là:
  • Thiết lập kế hoạch phát triển bản thân trong thời gian ở đại học như thế nào? Làm sao biết được mình phù hợp với chuyên ngành nào trong Chương trình đào tạo của Khoa? (Các bạn ở K20)
  • Vấn đề đi làm thêm để phù hợp với ngành học? Làm sao tìm được những công việc phù hợp với ngành học trong thời gian là sinh viên?
  • Tư duy phản biện cần thiết như thế nào cho việc học và phát triển kỹ năng sống? Làm sao rèn luyện được tư duy phản biện?

Đặc biệt các bạn sinh viên Lào K19 đã hiện diện, đã lên tiếng về những khó khăn của mình trong việc học online. Sự xa cách với các bạn Việt Nam cùng lớp đã khiến họ không thể giao tiếp thường xuyên vừa để sử dụng tiếng Việt thuần thục hơn, vừa để trao đổi bài về những điều chưa rõ về bài giảng, hay thầy/cô giảng bài tiếng nghe không rõ, hoặc quá nhanh…


Khoa đã rất vui khi nhận được những yêu cầu từ các bạn. Và TS. Đào Minh Hồng đã được Khoa phân công để chia sẻ và trao đổi cùng các bạn. Mỗi bạn đăng ký có 30 phút để được tư vấn cùng cô. Buổi tư vấn đã được diễn ra trong sáng Chủ nhật 20/6/2021 trên nền tảng MST. 

 
  1. Khi trao đổi với các bạn sinh viên K20 về những băn khoăn của việc thiết lập kế hoạch phát triển bản thân, cô Hồng đã hỏi chuyện rất kỹ để hiểu rõ về năng lực của các bạn. Cô cũng đã nhờ các anh/chị năm II đang tư vấn cùng chia sẻ những kinh nghiệm với các bạn năm I. Cô mời anh Quang (phụ trách sinh viên của Khoa) nhớ lại về những kinh nghiệm của bản thân anh Quang khi là sinh viên năm I. Các cuộc đối thoại cởi mở đã đi đến những kết luận mà các bạn cùng đồng tình như sau:   
  • Các bạn năm 1 (K20) hãy tự vẽ hình ảnh tương lai của chính bạn sau 4 năm đại học (diện mạo, tính cách, công việc, các giá trị sống…)
  • Các bạn có nền tảng tiếng Anh tốt, nên đi thi IELTS để được xác nhận chính danh về trình độ của bạn. Từ tính chính danh của chứng chỉ IELTS, những cơ hội khác sẽ mở ra cho bạn khi các chương trình trao đổi sinh viên, chương trình học thuật ngắn hạn, chương trình làm việc thời vụ…có yêu cầu về chuẩn IELTS
  • Các bạn năm I luôn có nhiều hoài bão và chuẩn mực đặt ra cho mình một cách quá lý tưởng. Vậy nên các bạn hay bối rối giữa thực tiễn và việc thực hiện ước mơ. Các bạn hãy cho phép mình thả lỏng, hãy để dành thời gian để lắng nghe cơ thể mình, hiểu rõ nhu cầu của cơ thể mình (cả thể chất, cảm xúc và lý trí).
  • Một trong những cách để bạn hiểu rõ mình là ai, cô mong muốn các bạn sinh viên năm nhất cần chủ động tham gia vào những trải nghiệm của quá trình quan sát, thử nghiệm bằng các hoạt động ngoại khóa của Khoa/Trường để hiểu mình rõ hơn và hoàn thiện mình một cách thiết thực nhất.
  1. Với nhóm các bạn năm II (K19) khi băn khoăn về việc tìm kiếm cơ hội làm thêm nhưng phải gắn được với ngành học, hay muốn hiểu rõ hơn và rèn luyện tư duy phản biện, cô Hồng đã để cho các bạn tự trao đổi kinh nghiệm với nhau, tự tìm ra giải pháp. Với sự tham gia trò chuyện cùng anh Quang (phụ trách sinh viên) và cô Vy (giảng viên tập sự), cô Hồng đã đúc kết:
  • Quy trình 5 bước để đạt được mục tiêu làm thêm hoặc thực tập ở các đơn vị gắn với ngành học QHQT như sau:
  • Thứ nhất, tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề của Khoa khi có các khách mời từ Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ, các Đại sứ quán, các Lãnh sự quán, các Công ty đa quốc gia bởi đấy là môi trường thuận lợi nhất cho bạn tìm kiếm những cơ hội thực tập của mình;
  • Thứ hai, chủ động thiết lập các mối quan hệ bằng việc tự tin trao đổi, hỏi thăm, đề xuất mong muốn của mình với các khách mời khi có phần Q&A, hoặc trong lúc giải lao, khi kết thúc chào khách;
  • Thứ ba, luôn sẵn sàng chuẩn bị một CV của mình thật chất với chuẩn ngoại ngữ mà mình đang có, cùng với những hoạt động mà mình đã tham gia, thể hiện được những khả năng mà bạn đang có được.
  • Thứ tư, hãy dành thời gian lên mạng xã hội tìm kiếm những trang Fanpage của những cơ quan, các tổ chức… mà mình mong muốn được thực tập, hay thường xuyên theo dõi Fanpage của Trường, của Khoa để nhận được những Thông báo về những cơ hội trao đổi sinh viên, hay thông tin tuyển dụng thực tập. Hãy chịu khó like thường xuyên và thể hiện sự quan tâm của mình đối với những đơn vị đó. Bạn sẽ có cơ hội khi họ nhận biết được sự quan tâm của mình.
  • Và cuối cùng là hãy chủ động, hay kiên trì  “rải” CV ở những nơi mình mong muốn được làm thêm hoặc thực tập. Hãy rải thường xuyên và nhiệt tình. Kiểu gì cơ hội cũng sẽ đến với các bạn.  
  • Trong phần trao đổi về tư duy phản biện, thời gian đã kéo dài hơn quy định đến hơn nửa tiếng, cô Hồng đã xác định rõ: trong Chương trình đào tạo hiện nay của ngành không có môn học này, vậy nên các bạn cần chủ động trong việc tìm kiếm thông tin, tìm sách, giáo trình đọc trước. Đọc có ghi chép, truy vấn lại tư duy nhận thức của bản thân. Sau đó có gì không hiểu sẽ đến gặp cô để cùng được thảo luận và cùng học. Cô cũng đã giới thiệu những đầu sách nền tảng cho việc Phát triển tư duy phản biện như như: “Cẩm nang tư duy phản biện”, “kỹ năng tư duy logic”, “tư duy linh hoạt”. Cô Hồng nhấn mạnh đến nguyên tắc tự học đóng vai trò quyết định trong việc phát triển bản thân của mỗi cá nhân.
  1. Tiếp đến là phần chia sẻ giữa cô Hồng và các bạn sinh viên Lào. Sau khi khuyến khích các bạn mạnh dạn chia sẻ những vấn đề đang gặp phải, cô Hồng động viên các bạn tích cực, chủ động trong việc trao đổi online với các bạn sinh viên Việt Nam, lập nên những nhóm để ôn tập bài vở theo hệ thống sơ đồ tư duy để tóm tắt kiến thức cần nhớ của buổi học, chủ động hỏi thật nhiều với giảng viên. Cô cũng đã đề xuất thực hiện khảo sát nhanh đối với các bạn sinh viên Lào khóa 2019, khóa 2020 về những khó khăn trong các môn học của học kỳ 202B để Khoa lên kế hoạch phụ đạo cuối mỗi tuần cho các bạn.  
 
Kết quả buổi tư vấn tuần thứ hai của IR-EduCon được ghi nhận là có hiệu quả thực tế khi có đến 80% các bạn rất hài lòng đến từ số liệu khảo sát của Khoa. Khoa Quan hệ Quốc tế vẫn sẽ tiếp tục đồng hành với các bạn sinh viên để giải đáp những trăn trở, những băn khoăn của các bạn trong quãng đời thanh xuân chỉ có một lần trong đời.
Hãy mạnh dạn bày tỏ. Khoa luôn lắng nghe và sẵn sàng trò chuyện cùng bạn.
Hẹn các bạn trong tuần tư vấn tiếp theo.
TIN LIÊN QUAN