Hành trang nghề nghiệp

Tự tin khi đi interview tìm việc

15/10/2015

Chào các bạn,



Chúng ta đã nghe thường xuyên là vào interview tìm việc thì phải tự tin. Mọi công ty đều muốn người tự tin. Ngày xưa mình được học kiểu “khiêm tốn” là nếu ai hỏi mình “Anh có rành loại công việc này không?” thì dù ta là đại cao thủ cũng phải trả lời kiểu trong truyện chưởng “Dạ tôi biết được chút đỉnh,” kiểu thiên hạ đệ nhất kiếm trả lời, “Tại hạ cũng may mắn được tôn sư dạy vài chiêu kiếm phòng thân.”
Rất tiếc là khiêm tốn kiểu đó thì bạn chẳng bao giờ được việc. (Nhưng sự thật là mình cũng chẳng biết cách nói kiểu truyện chưởng như thế có phải là khiêm tốn không, hay chỉ là một sự tự cao có nghệ thuật?). Dù sao đi nữa thì các người tuyển nhân viên chỉ muốn tuyển người có kinh nghiệm và tự tin, cho nên cách trả lời của ta phải chứng tỏ mình là người biết công việc và có tự tin. “Vâng, loại việc này tôi đã làm 3 năm tại công ty XYZ. Cả phòng tôi chỉ có một mình tôi phụ trách phần đó, nên tôi phải làm đủ mọi thứ, vì vậy kinh nghiệm của tôi về việc này rất là intensive.”
Hãy đặt mình vào vị trí người đang tuyển nhân viên. Một câu trả lời tự tin như vậy đương nhiên là cho mình ấn tượng tốt về nguời mình đang interview.
Tự tin như thế chẳng có gì là phản lại khiêm tốn cả. Đó chỉ là nói lên sự thật về kinh nghiệm của mình. Khiêm tốn không có nghĩa là mình đã có cử nhân nhưng phải nói dối là mình mới xong lớp 12.
Nhưng nếu ta không có chút kinh nghiệm nào về công việc ta đang interview thì sao? Ví dụ: “Công ty này bán toàn máy điện tử, cô đã có kinh nghiệm bán đồ điện tử bao giờ chưa?” Nếu bạn chưa bao giờ bán đồ điện tử, thì cũng không cần phải mất tự tin và lúng túng. Tốt hơn hết là nên có một câu trả lời rất tự tin (đã được chuẩn bị sẵn trước khi vào interview). “Công việc bán hàng thì điều quan trọng nhất là quan tâm đến nhu cầu của khách hàng. Tôi đã làm tiếp viên quán cơm trong 3 năm liền, tôi rất hiểu thế nào là nhu cầu của khách hàng, thế nào là quan tâm, thế nào là phục vụ. Tôi cũng đã có một năm bán áo quần. Nếu tôi có thời gian học về các sản phẩm điện tử, chúng làm được gì, và sử dụng ra sao, thì đương nhiên là tôi có thể bán chúng rất nhanh.” Câu trả lời này cho người nghe hiểu được là ta nắm được điểm chính của vấn đề - bán hàng thế nào - dù ta chưa rành điểm phụ, sản phẩm điện tử. (Chú ý, câu trả lời tích cực này không bắt đầu với “Không, tôi không biết”).
Trong mọi tình huống, ta luôn luôn phải thấy được điểm tích cực, sức mạnh, của mình. Dù là cái mình có không đúng 100% cái người ta đang tìm, những cái mình có cũng có thể đáng giá 90% cái người ta đang tìm.
“Cô có bằng lái xe hơi không?”
 “Trời, tôi là sinh viên, đủ tiền đổ xăng đi xe máy còn khó, sao có bằng xe hơi được? Nhưng nếu công ty muốn tôi phải biết lái xe hơi thì tôi có thể đi học để lấy bằng lái.”
Tự tin về cái mình có thì dễ, tự tin kể cả khi mình không có cái người ta muốn mới là chuyện quan trọng. Nhưng đây không phải là việc khó, nếu chúng ta biết rõ về mình, về kinh nghiệm và thái độ tích cực của mình. Có được đúng 100% kinh nghiệm nguời ta muốn hay không cũng không phải là yếu tố quyết định; yếu tố quyết định thường là thái độ tự tin, tích cực của mình về công việc.
Cái ta có là gì? Là (1) các kinh nghiệm kỹ thuật, dù không giống kinh nghiêm của công việc mới, nhưng vẫn có thể dùng được cho công việc mới phần nào, như là đã rành làm tiếp viên nay đang tìm cách chuyển sang tiếp thị, hay đang dùng Word Perfect nay đổi sang Word, và (2) thái độ tích cực - biết thế nào là phục vụ, biết học hỏi, làm việc siêng năng, giỏi teamwork… Nếu ta nắm vững được ta có những gì, thì trong đa số trường hợp ta có thể tự tin để chuyển những cái ta đang có thành các vốn liếng tốt cho công việc mới. Và trong đa số các trường hợp các công ty chỉ cần người như thế.
Cho nên trước khi interview, bạn nên nghiên cứu một số câu hỏi mà nguời interviewer có thể hỏi, rồi soạn sẵn câu trả lời tự tin và tích cực cho nó. Người tích cực, dù trong tình huống nào thì cũng luôn luôn có các câu trả lời tích cực, tự tin.
Chúc các bạn một ngày tự tin.
 
 

 
TIN LIÊN QUAN