Nhu cầu cộng đồng

Trường Phổ cập Phường 25, Quận Bình Thạnh

23/10/2020

Trường Phổ cập phường 25:

Ngay sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non thành phố và được phân công về dạy tại Trường Mầm non Tuổi Thơ 8 (Q.3), Phạm Thị Ngọc Đoan sau khi ổn định việc dạy đã cùng nhóm bạn thân bàn cách mở lớp dạy chữ cho trẻ em thất học. Được người thân ủng hộ, Ngọc Đoan và các bạn bắt đầu tìm địa điểm để mở lớp. Rất may một trường ngoại ngữ nằm trên đường Điện Biên Phủ, phường 25, Bình Thạnh đã cho mượn 3 phòng học. Có phòng học nhưng không có học trò, các cô giáo trẻ phải tìm đến từng gia đình, từng địa chỉ có trẻ lang thang thất học để vận động. Cô Ngọc Đoan cho biết: “Những lần đầu đi vận động chẳng những không có kết quả mà còn bị gia đình mắng chửi: “Các cô có bị khùng không? Nhà tôi làm gì có trẻ lang thang, bỏ học…”. Sau khi đã nghe đủ những lời… khó nghe (nên có kinh nghiệm), cùng với sự kiên trì và được sự giúp đỡ động viên của lãnh đạo phường 25, cuối cùng khóa học đầu tiên cũng khai giảng vào cuối năm 1999 với 170 em đăng ký học”.
Trải qua 10 năm gây dựng và gắn bó với lớp học tình thương, các cô giáo có nhiều kỷ niệm “cười ra nước mắt” cùng các em. Cô Ngọc Đoan kể, cách đây 2 năm, một học sinh cá biệt hàng ngày đến trường học chữ đã tranh thủ chôm tiền của cô giáo. Mỗi ngày chôm một ít, khi phát hiện ra thì số tiền đã hơn 5 triệu đồng. Hỏi em sao làm vậy, em thật thà khai là do mẹ bắt phải làm vậy. Rồi chuyện mua sách, cặp… cho học sinh, phụ huynh hứa đến cuối học kỳ sẽ thanh toán tiền lại đầy đủ nhưng rồi họ cũng quên luôn. Nhiều phụ huynh không có tiền trả nên bắt con ở nhà không cho đi học nữa, các cô phải tìm đến nhà thuyết phục và hứa sẽ không đòi tiền họ mới cho con tiếp tục đi học. Cô Ngọc Đoan tâm sự: “Trong những lứa học trò “đặc biệt” này, có nhiều em đã vượt lên số phận thi vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp. Chúng tôi mừng cho các em nhưng cũng thật sự lo cho những em học trò này, vì gia cảnh quá khó khăn không biết các em sẽ lấy đâu ra tiền để đóng học phí trong những năm học tiếp theo”.
Đến nay, trường đã có 5 phòng học với khoảng 135 em từ lớp 1 đến lớp 5. 80% các em ở đây chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ phải sống với ông bà, có em bị tự kỷ, gần như bị bỏ rơi, trở thành gánh nặng cho gia đình. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn, nên các em không được cho đi học. Để giúp các em có cơ hội tiếp xúc với môi trường học tập, hiệu trưởng trường phải đến từng nhà để vận động, thuyết phục gia đình đứa trẻ cho phép các em đi học. Trường Phổ cập phường 25 luôn cố gắng hỗ trợ sách vở, đồng phục, miễn học phí cho các em để các em không phải nghỉ học. Đội ngũ giáo viên chỉ có 5 người, mỗi ngày đều phải bắt xe đi dạy từ trước 7 giờ đến sau 16 giờ 30, dạy các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tin Học cho các bé. Không chỉ là kiến thức phổ thông, các giáo viên ở đây còn muốn dạy các em nhân cách sống, mong muốn các em vượt qua số phận bất hạnh, ít nhất là học hết lớp 12, hoặc chạm đến ngưỡng cửa Đại học và kiếm được việc làm tốt để có thể tự nuôi sống bản thân.


Trường Phổ Cập Phường 25 có nguyện vọng kết nối với các bạn sinh viên để tăng cường dạy phụ đạo cho các em, giúp các em phát triển kỹ năng giao tiếp và cải thiện kết quả học tập và đây cũng là cơ duyên dễ thương hình thành dự án Heart to Hand từ tháng 9/2020 đến nay với nhiều thế hệ sinh viên UEF.

Tin bài: TT.KNCĐ

TIN LIÊN QUAN