Vào ngày 15/11, Khoa Tiếng Anh phối hợp với Văn phòng trường tổ chức buổi workshop về nâng cao phương pháp giảng dạy tiếng Anh năm học 2023 - 2024. Với chủ đề: “How to foster learning engagement and effectiveness in a language classroom”, các thầy, cô giảng viên đã cùng nhau thảo luận về nhiều phương pháp giảng dạy tiếng Anh hiệu quả, từ đó lan tỏa đam mê học ngoại ngữ đến các bạn sinh viên, học viên cao học ngành Ngôn ngữ Anh.
Tích cực chia sẻ, trao đổi tại chương trình là ThS. Lê Thị Kim Đức, ThS. Đặng Quang Tám, ThS. Lê Nguyên Lân và ThS. Lê Thụy Thảo Sương. Được biết đây đều là các thầy cô giàu chuyên môn, vững phương pháp đến từ Khoa Tiếng Anh.
Giảng viên UEF được trang bị nhiều phương pháp giảng dạy tiếng Anh hiệu quả tại buổi workshop
Tham dự chương trình, về phía Khoa Tiếng Anh có: TS. Phạm Huy Cường - Trưởng khoa, TS. Dương Mỹ Thẩm - Phó Trưởng khoa, ThS. Nguyễn Đình Tuấn - Phó Trưởng khoa. Bên cạnh đó là đông đảo giảng viên, sinh viên của Khoa và học viên cao học ngành Ngôn ngữ Anh.
Đại diện Khoa Tiếng Anh trao thư cảm ơn đến các diễn giả
Trong phần trình bày đầu tiên, ThS. Lê Thị Kim Đức đã có những chia sẻ bổ ích về chủ đề “Theories and practices in video-based language teaching and learning”.
Bên cạnh giới thiệu về những lợi ích khi kết hợp các phương pháp giảng dạy truyền thống với những video minh họa trực quan, sinh động, tại workshop, diễn giả còn giới thiệu về website tiện ích với tên gọi ESL Video. Tại đây, thầy cô có thể tạo ra những bài kiểm tra về từ vựng, ngữ pháp tích hợp với các video để phục vụ cho quá trình dạy và học một cách chất lượng nhất.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện đại đã mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho phương pháp giảng dạy này. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, các bạn sinh viên đã có thể truy cập trang web và hoàn thành bài tập một cách hiệu quả. Điều này không chỉ mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho UEFers mà còn giúp giảng viên tiết kiệm thời gian song vẫn đảm bảo hiệu quả giảng dạy.
Các phương pháp giảng dạy qua video được ThS. Lê Thị Kim Đức trình bày chi tiết
Tiếp nối buổi workshop, ThS. Lê Nguyên Lân đã cung cấp phương pháp học tập mới mẻ thông qua chủ đề “Enhancing classroom interaction: Integration of outcome-based teaching strategies”.
Theo diễn giả, “outcome-based education” (OBE) là một khái niệm về giáo dục mà ở đó, giảng viên chỉ đóng vai trò như một người truyền đạt, hướng dẫn. Khác với các phương pháp truyền thống, OBE đặt người học làm trung tâm với các hoạt động đề cao tính thực tiễn và hiệu quả cuối cùng. OBE bao gồm các nguyên tắc: Clarity of focus, design down, high expectations và expanded opportunities.
Để sử dụng phương pháp này, giảng viên có thể bắt đầu bằng những câu hỏi gợi mở để tạo sự tò mò cho sinh viên, sau đó kết hợp với các bài tập nhóm, ví dụ thực tiễn cũng như checklist mục tiêu cần đạt được. Tất cả hoạt động này sẽ góp phần tăng tính chủ động trong việc tiếp cận kiến thức cho người học, đồng thời giúp giảng viên xây dựng lộ trình giảng dạy phù hợp.
ThS. Lê Nguyên Lân mang khái niệm ““outcome-based education” đến gần hơn với Nhà UEF
Với chủ đề "Employing storytelling activities to help non- english major students improve their speaking skills", ThS. Đặng Quang Tám đã cùng các giảng viên bàn luận về speaking - một trong bốn kỹ năng quan trọng nhất đối với mỗi người học ngoại ngữ.
Theo diễn giả, thực hành kể chuyện - storytelling, là một trong những phương pháp hiệu quả để các bạn sinh viên luyện tập khả năng giao tiếp. Thông qua việc tận dụng các bức ảnh, chủ đề có sẵn trong sách, thầy cô có thể biến quá trình học tập khô khan thành những hoạt động, trò chơi thú vị và gắn với thực tiễn. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động kể chuyện song ngữ sẽ giúp sinh viên rèn luyện khả năng sáng tạo cũng như sự tự tin và nhạy bén.
Để giúp UEFers rèn luyện kỹ năng này, mỗi người giảng viên phải tạo ra được bầu không khí thân thiện, cởi mở, đồng thời thiết kế chương trình giảng dạy sát với nội dung trong giáo trình. Ngoài ra, việc thể hiện tinh thần cổ vũ, khích lệ trong cách cho điểm số và nhận xét được xem là rất quan trọng.
ThS. Đặng Quang Tám cùng các giảng viên bàn luận về cách phát triển kỹ năng speaking cho UEFers
Trong thời đại hiện nay, không thể phủ nhận sự trợ lực to lớn mà công nghệ thông minh mang đến cho đời sống con người. Song, những hệ quả từ tình trạng này đã để lại một câu hỏi lớn: “Liệu công nghệ AI có thay thế được con người trong các hoạt động sống nói chung và việc giảng dạy nói riêng?”
Trong phần trình bày với chủ đề “Enhancing Your Writing Lessons with AI Technology”, ThS. Lê Thụy Thảo Sương đã cùng các thầy cô đi tìm đáp án cho vấn đề này. Theo cô, sự hỗ trợ từ công nghệ thông minh có thể biến những điều không thể thành có thể. Chat GPT sẽ hỗ trợ được các thầy cô rất nhiều trong việc chấm điểm, nhận xét và chỉ ra những điểm cần cải thiện cho luận văn của sinh viên, đồng thời thiết kế bài tập, soạn giáo án,...
Nhiều bí quyết để khai thác lợi ích từ Chat GPT trong giảng dạy được ThS. Lê Thụy Thảo Sương chia sẻ
Song, Chat GPT sẽ không thể thay thế con người. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ làm chủ được những lợi thế mà nó mang lại khi biết cách sử dụng thông minh. Đây là thông điệp được ThS. Lê Thụy Thảo Sương gửi gắm tại buổi workshop. Theo đó, diễn giả cũng chia sẻ những bí quyết để sử dụng công cụ này hiệu quả. Đặc biệt, để đưa ra những kết quả tốt nhất, vấn đề đưa vào của các giảng viên cần có sự rõ ràng và cụ thể.
Các giảng viên tích cực tham gia những bài tập thực hành bổ ích
Workshop đã khép lại thành công với nhiều chia sẻ bổ ích từ các giảng viên Khoa Tiếng Anh UEF. Hy vọng rằng với những thông tin đã lan tỏa, các thầy cô sẽ sẵn sàng làm mới bản thân cùng phương pháp giảng dạy của mình, từ đó tiếp tục truyền cảm hứng học tập ngôn ngữ đến nhiều sinh viên hơn nữa.
TT.TT-TT