Tin tức sự kiện

UEF tự hào khi có sự đồng hành của những nhà giáo tận tụy “vì sự nghiệp giáo dục”

21/11/2023
Bên cạnh những hoạt động sôi nổi, ấn tượng chào mừng kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) cũng đã tự hào tôn vinh những nhà giáo tận tụy "vì sự nghiệp giáo dục"Đây không chỉ là một Kỷ niệm chương danh dự mà còn mở ra những câu chuyện đẹp về sự cống hiến của những người người dẫn đường tâm huyết đã gắn bó với nghề giáo trong hơn hai thập kỷ.
 

11 thầy cô UEF được vinh dự nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục" của Bộ Giáo dục và Đào tạo 
 

Ghi dấu hành trình 20 năm “trồng người”

 

Tại buổi lễ Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, UEF đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 11 thầy, cô đang công tác tại trường. Kỷ niệm chương này là hình thức khen thưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng một lần cho cá nhân có thời gian công tác trong ngành giáo dục từ đủ 20 năm trở lên. Ngoài những giá trị hữu hình, kỷ niệm chương là biểu tượng của sự cống hiến, lòng đam mê và tâm huyết không ngừng của các thầy cô Nhà UEF trong việc hướng dẫn và nuôi dưỡng những tài năng trẻ.
“Khi được trao tặng Kỷ niệm chương, tôi thật sự rất hạnh phúc xen lẫn tự hào vì bản thân đã kiên trì theo đuổi con đường mà mình từng mơ ước, ấp ủ khi còn bé. Tôi nhận thấy mình yêu thích và rất phù hợp với công việc giảng dạy. Không hạnh phúc nào bằng khi được chứng kiến sự thay đổi, cố gắng và trưởng thành của sinh viên sau những thiếu sót được mình góp ý”. Đây là những chia sẻ của ThS. Tô Thị Kiều Oanh - Giảng viên Khoa Tiếng Anh. 
 
Cô Kiều Oanh từng đảm nhận nhiều vị trí trong lĩnh vực giáo dục trước khi trở thành người đứng trên bục giảng
 
Hồi tưởng về những kỷ niệm khó thể quên trong hành trình “trồng người” của mình, ThS. Võ Thị Phương Linh - Giảng viên Khoa Tiếng Anh cho biết khoảnh khắc sinh viên đặt tay lên trái tim, cúi đầu bày tỏ lòng biết ơn dành cho đấng sinh thành, thầy cô trong ngày lễ tốt nghiệp luôn làm cô cảm động. Dù đã trải qua nhiều “mùa ra trường”, chia tay nhiều thế hệ sinh viên nhưng cảm xúc ấy vẫn không hề thay đổi. Giây phút ấy, cô Phương Linh cảm thấy hãnh diện vì học trò mình đã vững vàng để bước vào đời và sẵn sàng trở thành công dân có ích.
 
ThS. Võ Thị Phương Linh nhận Kỷ niệm chương tại lễ chào mừng 20/11 của Nhà UEF
 
Với từng vị trí, mỗi thầy cô sẽ có những trăn trở khác nhau về giáo dục. Nhưng mục đích cuối cùng vẫn là mong muốn mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người học và đào tạo nên những tài năng trẻ thành nhân, thành công. 
Đang giữ vai trò Trưởng Phòng Khảo thí UEF, TS. Lê Quốc Thắng băn khoăn: “Một trong những khó khăn lớn nhất đến thời điểm hiện nay là tìm đáp án cho câu hỏi “làm sao để có thể đem lại cho người học những giá trị cốt lõi để phát triển thành người hữu ích và hơn hết là trang bị cho họ cả kiến thức và kỹ năng để vững bước vào đời”. 
 
"Ở vai trò quản lý, tôi luôn cố gắng để hướng dẫn và hỗ trợ các bạn nhận được những giá trị tốt đẹp nhất của giáo dục, thông qua công tác phụ trách, lồng ghép những quy định nhằm mang lại những hiệu quả đích thực. Với vai trò giảng viên, tôi nỗ lực để truyền đạt kiến thức và hướng dẫn sinh viên rèn kỹ năng xã hội. Đó là phương châm đào tạo hàng đầu” - TS. Lê Quốc Thắng. 

 

Luôn duy trì cảm xúc tích cực để “bám trụ” với nghề

 

Để có thể theo đuổi và gắn bó cùng bục giảng suốt hơn 20 năm qua là điều không dễ dàng. Mỗi thầy cô phải luôn tìm thấy động lực và những cảm xúc tích cực để bám trụ với nghề. Như ThS. Lê Công Thiện - Giảng viên Khoa Tiếng Anh, thầy luôn cảm thấy tràn đầy niềm tin mỗi khi đạt được mục tiêu và được công nhận về thành quả làm việc. Thầy cũng đề cao việc xây dựng mối quan hệ tích cực với sinh viên, đồng nghiệp và tất cả các thành viên trong trường để cùng xây dựng môi trường làm việc thuận lợi, tương hỗ và khích lệ bản thân. “Tôi tận dụng cơ hội phát triển nghề nghiệp, trau dồi phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp xu thế mới, giữ cho việc giảng dạy của bản thân luôn đa dạng và thú vị để mình không tự chán mình” - thầy cho biết. 
 

ThS. Lê Công Thiện tìm thấy động lực và đam mê với công việc hiện tại
 
Dù làm việc ở cương vị nào, cô Kiều Oanh cũng luôn nhận được sự yêu thương, đùm bọc và hỗ trợ nhiệt tình từ các đồng nghiệp. Đó là điều mà cô cảm thấy trân quý và tạo nhiều năng lượng tích cực để cô muốn gắn bó lâu dài với nghề giáo nói chung và UEF nói riêng. Cô bộc bạch thêm rằng: “Qua quá trình công tác, tôi đã nghiệm ra một điều: trong tất cả mọi việc đều phải làm với cái tâm và thật sự yêu thích công việc mình đang làm thì mới có thể trụ vững và hoàn thành tốt mọi công việc được giao”.

 

Không ngại thay đổi, sẵn sàng thích ứng với giáo dục hiện đại

 

Nhìn về hơn hai thập kỷ trước, đối chiếu cùng thực trạng hiện tại để thấy rằng giáo dục đã có nhiều sự thay đổi, trong đó, không thể phủ nhận sự tác động mạnh mẽ của công nghệ. Để hòa nhập theo dòng phát triển, các giảng viên cũng không ngừng chủ động tìm tòi, học hỏi để mang đến những bài giảng chất lượng, bắt kịp xu hướng quốc tế. 
Là một trong những giảng viên tích cực tiếp cận công nghệ và không ngại đổi mới, ThS. Nguyễn Xuân Hưng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo thiết kế dự án (PD) nhận định rằng người dạy 4.0 phải thay đổi liên tục để theo kịp sự chuyển động của công nghệ trong quá trình chuyển tải và hướng dẫn người học lĩnh hội tri thức. “Chuyển đổi số trong giáo dục đang diễn ra rất nhanh chóng và rộng khắp. Nếu không thay đổi, người dạy sẽ bị tụt hậu phía sau trong quá trình này. Điều cần thiết là người dạy phải luôn cập nhật kiến thức chuyên môn, hiểu biết công nghệ liên quan để làm chủ công nghệ trong giảng dạy nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất cho người học” - thầy chia sẻ quan điểm. 
 

ThS. Nguyễn Xuân Hưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng linh hoạt công nghệ vào giáo dục truyền thống 
 
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ khiến nhiều người lo ngại về sự thay thế. ThS. Lê Công Thiện nhìn nhận thực tế rằng công nghệ giúp nâng cao trải nghiệm học tập và giảng dạy, bổ sung tích cực cho các phương pháp giảng dạy truyền thống như trước đây. Vì thế các bài giảng cũng trở nên hấp dẫn và tương tác với sinh viên nhiều hơn. “Vai trò của giảng viên hiện nay vẫn rất quan trọng mặc dù đã có nhiều thay đổi so với trước, đặc biệt là phải làm sao để kiến tạo ra môi trường học tích cực, quản lý lớp hiệu quả và tạo động lực cho sinh viên. Với sự hỗ trợ của kỹ thuật, giảng viên phải luôn học hỏi, thích ứng và áp dụng công nghệ thông minh trong giáo dục để đáp ứng với nhu cầu học tập và giúp việc giảng dạy luôn năng động, hiệu quả hơn” - thầy Thiện bày tỏ. 
Có thể thấy hành trình gắn bó cùng giáo dục của các nhà giáo kỳ cựu đã phải trải qua những khó khăn, thách thức từ khách quan đến chủ quan, từ những phương pháp giảng dạy truyền thống đến việc tiếp cận và liên tục đổi mới để thích ứng,... Tuy vậy, các thầy cô vẫn luôn miệt mài và nhiệt huyết với con đường mình lựa chọn. Hy vọng các giảng viên trẻ Nhà UEF sẽ lấy đây làm động lực để tiếp tục kiên trì với sứ mệnh "trồng người" cao cả. Như ThS. Võ Thị Phương Linh đã nhắn gửi: “Khi làm bất cứ một ngành nghề nào, chúng ta cũng sẽ trải qua những thăng trầm. Tuy nhiên, xã hội luôn có nhiều yêu cầu và cái nhìn tương đối khắt khe hơn với nghề giáo. Vì vậy, tôi chỉ mong các bạn trẻ luôn giữ cho mình một bản lĩnh kiên định, một tấm lòng yêu nghề trong sáng và một tinh thần cầu tiến, học hỏi không ngừng. Khi bạn càng chuyên nghiệp bao nhiêu thì bạn càng nhận được đãi ngộ xứng đáng bấy nhiêu. Do đó, nếu bạn chứng minh được giá trị của mình thì bạn chắc chắn sẽ "sống" tốt với nghề”.
 
TT.TT-TT
TIN LIÊN QUAN