Menu
  
Tin tuyển sinh

UEF tư vấn truyền hình trực tuyến: Chọn tổ hợp môn nào để xét tuyển?

20/07/2016
Vào lúc 15 giờ 30 chiều nay (20/07), đại diện Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF), Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - PGĐ Trung tâm Tư vấn - Tuyển sinh - Truyền thông đã tham dự buổi tư vấn truyền hình trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức với chủ đề “Chọn tổ hợp môn nào để xét tuyển?” 
 
Ths. Phạm Doãn Nguyên - PGĐ Trung tâm Tư vấn - Tuyển sinh - Truyền thông UEF là một trong những khách mời tham dự buổi tư vấn truyền hình trực tuyến trên Thanh Niên Online chiều nay. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
 
Theo quy định, các cụm thi phải hoàn tất chấm thi và công bố điểm trước ngày 20/7. Sau thời điểm này, khi biết rõ kết quả thi thí sinh sẽ bước vào giai đoạn quan trọng: xét tuyển ĐH, CĐ.
Với chương trình tư vấn trực tuyến lần này, các chuyên gia chương trình sẽ giúp thí sinh tháo gỡ các vướng mắc xung quanh việc chọn tổ hợp môn xét tuyển phù hợp để trúng tuyển đúng nguyện vọng...
Quý phụ huynh và thí sinh có thể nắm bắt những nội dung quan trọng thông qua phần trao đổi tư vấn dưới đây:
Nhà báo Thùy Ngân: Nhiều bạn đọc hỏi chọn tổ hợp môn, nhóm ngành nào xét tuyển ra trường xin việc làm? Những câu hỏi này cần thiết để thí sinh nộp hồ sơ.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Từ kỳ xét tuyển năm 2015, khái niệm khối thi truyền thống chuyển sang dùng tổ hợp xét tuyển, cho phép TS tự chọn môn thi, các trường xét theo tổ hợp 3 môn thi.
Chúng tôi thống kê chủ yếu xoay quanh 15 tổ hợp môn, xoay quanh tổ hợp môn truyền thống. Mỗi trường có thể dùng nhiều tổ hợp môn xét tuyển, nhưng thường dùng tối đa 4 tổ hợp môn. Vì nhiều tổ hợp môn thì phần mềm, phân bố chỉ tiêu, thí sinh phức tạp hơn.
Thí sinh có thể đăng ký chọn môn thi theo nhiều tổ hợp môn khác nhau. Thống kê môn thi 2015 và 2016 tại cụm thi ĐH, khoảng 50% các em thi 5 môn. Như vậy là hợp lý.
Khi các trường thông báo xét tuyển, thí sinh có thể đăng ký nhiều tổ hợp môn. Nhưng chúng tôi khuyến cáo là theo tình hình các năm, các em dễ trúng tuyển nên nộp vào tổ hợp môn có điểm cao nhất. Đây là lời khuyên đầu tiên.
Năm nay em thi 2 khối A và D. Khối D điểm cao hơn. Điểm thi khối A rất khó xét tuyển vào trường ĐH công lập. Nhưng em lại thích môn khối A. Em nên chọn thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Đây là câu hỏi của nhiều thí sinh. Năm 2015, thí sinh chỉ chọn 1 trường với những ngành khác nhau, có khi thí sinh trúng tuyển ngành mà mình chưa yêu thích nhất. Năm nay, thí sinh có thể chọn một ngành giống nhau ở 2 trường. Ví dụ ngành CNTT nhiều ngành cùng đào tạo. Thí sinh căn cứ ngành này có điểm cao hay thấp ở các trường để xét tuyển. Thường trường đào tạo ngành CNTT có truyền thống, có nhiều thầy cô giỏi như: ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên... điểm rất cao. Vậy thí sinh có thể cân nhắc chọn ngành này ở nhiều trường khác, phù hợp điểm thi của mình.
Một phụ huynh hỏi: Tôi có con tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Toán - Lý - Hóa đạt điểm khá cao. Con tôi nên đăng ký ngành nào để có cơ hội trúng tuyển cao. Con tôi đam mê CNTT và Y đa khoa?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Điểm khá cao nhưng chưa khẳng định được dễ trúng tuyển hay không. Nhiều ngành có nhiều thí sinh điểm cao đăng ký sẽ có điểm chuẩn cao. Cần theo dõi phổ điểm và chỉ tiêu của ngành cần xét tuyển.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Hiện nay nhiều thí sinh đã biết kết quả nhưng khá lung túng trong việc chọn ngành nghề. Các em cần xác định năng lực, khả năng bằng cách tham gia một số phần mềm trắc nghiệm. Hoặc có thể tham khảo những người làm trong nghề đó, hoặc có thể trải nghiệm bằng công việc thực tế.
Sau đó là chọn trường, tìm hiểu về trường mình định nộp hồ sơ trên website: môi trường, học phí… Nên đến trường tham quan để có quyết định phù hợp. Trường cũng tư vấn rất kỹ cho phụ huynh và thí sinh.
Bạn đọc hỏi: Em thích học ngành tài chính ngân hàng nhưng em nghe nói ra trường khó xin việc. Vậy em nên lựa chọn như thế nào để ra trường có việc làm ngay?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Hiện các trường đều có công tác hỗ trợ việc làm ngay từ khi sinh viên còn học trong trường. Nhóm ngành kinh tế, tài chính vẫn còn nhu cầu công việc cao. Các em cần chuẩn bị năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm. Trường đào tạo theo định hướng chuẩn quốc tế nên luôn bám sát các tiêu chí trên.
Trường xét tuyển từ kỳ thi THPT quốc gia (70% chỉ tiêu) và học bạ (30% chỉ tiêu). Cả hai phương thức này thí sinh đều có cơ hội nhận học bổng cao. Cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp cũng như nhau. Sự thành công còn phụ thuộc vào sự cố gắng và năng lực của bản thân.
Một câu hỏi của phụ huynh tỉnh Kiên Giang: Con tôi thi khối C được 24,25 điểm chưa cộng điểm ưu tiên. Số điểm vậy có khả năng trúng tuyển các ngành công an không, kể cả ĐH, CĐ, TCCN?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Các trường này chỉ xét tuyển thí sinh đã đăng ký sơ tuyển và qua vòng sơ tuyển, chưa đăng ký thì không được xét tuyển. Các năm gần đây, đặc biệt năm 2015, điểm chuẩn các khối ngành này rất cao. Có trường, ngành lên tới 27 điểm. Chưa đảm bảo mức điểm nào là điểm chuẩn nhưng dự kiến điểm chuẩn sẽ rất cao.
Nhà báo Thùy Ngân: Năm 2015 nhiều trường đặt ra điểm xét tuyển không cao lắm nhưng thực tế điểm trúng tuyển rất cao. Có thể khuyên thí sinh như thế nào?
TS Nguyễn Đức Nghĩa: Năm 2015 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, điểm ngưỡng là 15 điểm, trên thực tế số trường đưa ra mức điểm xét tuyển cao hơn không nhiều. Các trường thường chọn điểm xét tuyển bằng điểm ngưỡng của Bộ GD-ĐT. Nhưng các thí sinh cũng rất tỉnh táo. Như tại các trường thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM, nhiều trường đưa ra điểm xét tuyển là 15 điểm. Nhưng đa số thí sinh xét tuyển có mức điểm từ 18 điểm trở lên. Năm 2016 với nhiều phương thức xét tuyển đa dạng, chúng tôi nghĩ thí sinh cũng đã có cân nhắc cỡ bao nhiêu điểm nên nộp trường nào, ngành nào...

Một Phụ huynh hỏi: Con tôi thi khối kinh tế, đạt 21 điểm, nên đăng ký NV1 vào trường nào là hợp lý? Điều kiện học tập và khả năng thành công khi học tại trường là như thế nào?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Nhóm ngành kinh tế có nhiều trường đào tạo và có nhiều ngành khác nhau: quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, tài chính ngân hàng, quản trị du lịch… Nhiều trường ĐH như: Kinh tế TP.HCM, Ngân hàng TP.HCM, Kinh tế - Luật TP.HCM, Công nghệ TP.HCM, Kinh tế tài chính TP.HCM… đều đào tạo nhóm ngành này.
Với mức điểm 21 thí sinh sẽ khó vào các trường top trên, như ĐH Quốc gia TP.HCM phải đạt 24 điểm năm 2015. Thí sinh nên chọn một trường vừa sức với mình.
Tại trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, có nhiều ngành kinh tế. Các em có thể xét học bạ hoặc xét điểm kỳ thi THPT quốc gia. Khả năng thành công sau khi tốt nghiệp còn phụ thuộc vào năng lực và sự nỗ lực của người học.
Một thí sinh hỏi: Nên chọn tổ hợp môn có điểm cao nhất hay chọn tổ hợp môn có ít người xét tuyển? Chính sách học bổng của trường như thế nào?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Thí sinh nên chọn tổ hợp môn có điểm cao nhất. Năm 2016 trường dành nhiều học bổng cho thí sinh. Đạt 21 trở lên sẽ được nhận học bổng 25% mức học phí năm nhất của trường, 24 trở lên là 50%, 27 trở lên là 100%.
Ngày 1.8 TS bắt đầu nộp đơn xét tuyển. Thí sinh cần lưu ý và chuẩn bị gì?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Trước khi đưa lời khuyên, tôi muốn quay lại câu hỏi tổ hợp môn ít người đăng ký hay điểm cao.
Năm nay đã nộp thì không rút. Làm sao biết được ngành nào ít thí sinh đăng ký. Với thời gian đăng ký xét tuyển đợt 1, tất cả các trường tham gia xét tuyển thì điểm chuẩn thường cao. Thí sinh phải theo dõi, thăm dò thông tin. Vì vậy, yếu tố điểm cao của tổ hợp môn là yếu tố quan trọng nhất. Vì có ngành ít thí sinh đăng ký nhưng toàn học sinh giỏi.
Lời khuyên của tôi là năm nay nên tận dụng ưu thế để trúng tuyển các ngành mình yêu thích. Một vài năm trước, điều kiện xét tuyển khá thoáng. Trong đó, xét tuyển học bạ dễ dàng cho thí sinh học ngành yêu thích chứ không phải là một chỗ học ĐH. Em nào dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia đăng ký, phải theo dõi kỹ thời gian quy định. Hai là thông tin các em xét tuyển ngành nào, trường nào, chỉ tiêu xét tuyển, điểm xét tuyển, dùng tổ hợp môn nào, xa hơn là ngành học những gì, ra trường làm gì. Phải nhớ khi tốt nghiệp sau 4 năm, thành cử nhân, kỹ sư, không ai hỏi các em đậu ĐH bao nhiêu điểm. Các doanh nghiệp, công ty… hỏi về những gì các em học trong 4 năm ĐH. Theo nghiên cứu, yếu tố quan trọng nhất cho sự thành đạt của 1 người là kiến thức và thái độ. Vì vậy, những gì thí sinh học ở các năm ĐH là cốt lõi của thành công.
TT TV-TS-TT
TIN LIÊN QUAN