Hướng nghiệp

Bắt nhịp xu hướng mới, vững vàng trên đường phát triển với ngành IT

13/04/2023
Công nghệ thông tin là gì?
Hiểu một cách đơn giản, CNTT là ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền và thu thập thông tin. Người làm việc trong trong ngành này thường được gọi là IT (Information Technology). Mục đích của khối khoa học tổng hợp liên ngành này là nhằm phát triển khả năng sửa chữa, tạo mới và sử dụng hệ thống các thiết bị và máy tính bao gồm phần cứng, phần mềm để cung cấp giải pháp xử lý thông tin trên nền công nghệ cá nhân, tổ chức có yêu cầu.
Ngành học "khát" nhân lực
Hiện Việt Nam có khoảng hơn 1 triệu lao động đang làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Với gần 160 trường đại học và hơn 200 trường cao đẳng và dạy nghề, mỗi năm tuyển sinh khoảng 70.000 sinh viên công nghệ thông tin. Tuy nhiên, chất lượng mới là điều đáng bàn bởi nhân lực công nghệ thông tin hiện tại, dường như chưa bắt kịp với "dòng chảy 4.0".
Báo cáo của TopDev chỉ ra rằng, chỉ có khoảng 30% sinh viên công nghệ thông tin (chuyên ngành phần mềm) đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã không ngồi yên. Họ thực hiện liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng sinh viên.
Theo dự báo, đến năm sau, Việt Nam sẽ thiếu đến 150.000 nhân lực công nghệ thông tin. Cơ hội lớn đã thấy rõ nhưng cơ hội này chỉ dành cho những sinh viên công nghệ thông tin chịu khó học hỏi và chuyển động cùng dòng chảy của công nghệ số.
Và Theo thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông, hướng quy hoạch nhân lực quốc gia đến năm 2025, Việt Nam cần 01 triệu lao động trong lĩnh vực CNTT, nhu cầu nhân lực ngành này mỗi năm tăng 13%.

Học CNTT có gì thú vị?
Trong cuộc chạy đua công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên hầu hết mọi lĩnh vực, CNTT đóng vai trò không thể thiếu đối với cuộc sống hiện đại, đặc biệt với thế hệ gen Z - những người được tiếp cận và sử dụng công nghệ từ rất sớm.
Chính vì vậy, để gặt hái thành công cũng như phát triển lâu dài ở ngành nghề đầy tiềm năng này, sinh viên (SV) ngành CNTT bên cạnh việc trau dồi học thuật, nâng cao chuyên môn còn phải thường xuyên bổ sung, nâng cấp các kỹ năng khác như: Khả năng ngoại ngữ; Tư duy logic; Tư duy đổi mới, sáng tạo; Cập nhật những xu hướng công nghệ mới nhất của thị trường…
Khi bạn là sinh viên ngành Công nghệ thông tin UEF
Chương trình đào tạo ngành CNTT tại UEF được thiết kế đổi mới về môn học, phương pháp và định hướng nghề nghiệp, bao gồm 4 chuyên ngành:
-
 Công nghệ phần mềm: Đào tạo kỹ sư CNTT chuyên về lĩnh vực phần mềm. Kỹ sư ra trường được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng phát triển, quản lý điều hành các dự án phần mềm: Phân tích, thiết kế, chế tác, triển khai, bảo trì các hệ thống phần mềm cũng như nghiên cứu, phát triển công cụ và ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ phần mềm; Xây dựng và quản lý các dự án phần mềm; Kỹ năng làm việc và lãnh đạo nhóm phát triển phần mềm.
-
 Hệ thống thông tin: Dù còn khá mới tại Việt Nam, tuy nhiên ngành Hệ thống Thông tin ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống xã hội với nhu cầu nhân lực lớn. SV theo học chuyên ngành Hệ thống Thông tin có khả năng phân tích, thiết kế, xây dựng, triển khai, quản trị và kiểm soát các hệ thống quản lý thông tin. Ngoài ra, SV còn liên tục được cập nhật thông tin về các phần cứng, phần mềm bổ sung mà các cá nhân, tổ chức sử dụng để thu thập, lọc, xử lý, tạo ra và phân phối dữ liệu.
-
 Mạng máy tính: Đến với ngành học này, SV sẽ được trang bị kiến thức về nguyên lý, cách thiết kế, xây dựng hệ thống mạng để làm chủ được những công nghệ mạng phổ biến như: thư tín điện tử, truyền tải tập tin, truyền thông thông tin, hay những công nghệ tiên tiến như: điện toán đám mây, tính toán lưới, tính toán di động, xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu, an toàn và bảo mật thông tin.
- An ninh mạng: Trong bối cảnh cuộc chạy đua công nghệ 4.0 ngày càng sôi động ở mọi lĩnh vực, an ninh mạng trở thành một trong những “bài toán” cấp thiết mà bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức nào cũng cần phải giải quyết. Và để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao về chất lượng lẫn số lượng của thị trường lao động, UEF đã liên tục cập nhật, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm cung cấp cho SV khả năng phân tích dữ liệu, phòng thủ không gian mạng, nguyên tắc thiết kế bảo mật cơ bản, bảo đảm thông tin. Đồng thời trang bị đầy đủ cho sinh viên các thông tin về Chính sách, Pháp lý, Đạo đức và Tuân thủ luật An ninh mạng.
Trí tuệ nhân tạo: chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo sẽ giới thiệu và đi sâu nghiên cứu các hệ chuyên gia, tương tác người – máy và ứng dụng trong các môi trường như hệ đa phương tiện; xử lý hình ảnh, âm thanh; phân tích dữ liệu lớn.

Tại UEF luôn có chương trình tham quan, học phần thực tiễn doanh nghiệp
Chương trình học được thực hiện theo hình thức tích lũy tín chỉ từ 4 năm ăm học. Hai năm đầu, SV được đào tạo khối kiến thức đại cương và cơ sở ngành. Trong quá trình học, SV sẽ liên lục được định hướng ứng dụng CNTT, tạo điều kiện để sớm tiếp cận các hệ thống CPS. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình liên kết doanh nghiệp, SV có cơ hội được làm việc với các mô hình công nghệ 4.0, sớm tiếp xúc với môi trường lao động thực tế.
Hoạt động SV ngành Công nghệ thông tin tại UEF
Một trong những truyền thống, đồng thời cũng là đặc trưng của UEF chính là sự năng động, khả năng sáng tạo, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa để trau dồi các kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, khả năng quyết định và xử lý vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, rèn luyện tư duy phản biện… Và để phát huy thế mạnh đó, sinh viên ngành CNTT trực thuộc Khoa CNTT UEF tích cực tham gia các hoạt động, cuộc thi học thuật, nghiên cứu khoa học, thể thao với những thành tích nổi bật như: Giải nhì Khối phầm mềm nguồn mở (Olympic Tin học toàn quốc 2019), Giải nhì khối chuyên tin (Olympic tin học toàn quốc 2020), Giải khuyến khích nghiên cứu khoa học sinh viên Eureka 2 năm liên tiếp, Giải Ba vô địch tin học văn phòng thế giới tại Việt Nam (2020 và 2022), Giải nhất Khởi nghiệp Blockchain - Metaverse Trung - Việt 2022, Giải Nhất văn nghệ trường: We - Dentity 2022...



Cơ hội việc làm với ngành CNTT
Với việc hàng loạt công ty gia công và sản xuất phần mềm quốc tế quyết định mở rộng quy mô và đặt trụ sở tại Việt Nam như: FPT Software, KMS Technology, Global CyberSoft, TMA Solutions…, nhu cầu nhân lực đối với ngành CNTT đang tăng cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, dù các công ty công nghệ quốc tế đưa ra nhiều mức đãi ngộ hấp dẫn cùng môi trường làm việc phát triển, song số lượng nhân lực ngành CNTT được đào tạo bài bản, có khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường lao động chất lượng cao vẫn còn khan hiếm.
Với thế mạnh là khả năng ngoại ngữ vượt trội cùng kiến thức chuyên môn vững chắc, cử nhân CNTT UEF có nhiều cơ hội lựa chọn công việc tại các doanh nghiệp, tổ chức trải dài ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: kinh tế, y tế, game, tài chính, viễn thông…, từ đó mang lại nhiều lựa chọn và cơ hội trong việc phát triển sự nghiệp. Cụ thể, cử nhân CNTT UEF có thể đảm nhận những công việc như: Kỹ sư dữ liệu; Lập trình viên phát triển phần mềm; Lập trình viên IoT; Quản trị Mạng; Thiết kế hệ thống Mạng và bảo trì hệ thống Mạng; Giảng dạy và nghiên cứu về CNTT tại các cơ sở đào tạo…
Khoa CNTT UEF
TIN LIÊN QUAN