Menu
  
Tin tức sự kiện

Sinh viên UEF có thêm góc nhìn thú vị về triển vọng ngành Luật trong thời đại 4.0

14/10/2021
Thời đại 4.0 đã và đang tác động đến nhiều lĩnh vực, trong đó có nhóm ngành Luật. Nhiều ý kiến cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tạo ra robot để thay thế luật sư? Điều này đã được 2 khách mời trong talkshow “4.0 Legal Insight", diễn ra tối ngày 13/10 giải đáp cặn kẽ. Bên cạnh đó, các vấn đề xoay quanh ngành Luật trong thời đại 4.0 cũng được các chuyên gia phân tích sâu sắc. 
 
luật 4.0
 
Hai luật sư khách mời của chương trình là Luật sư, ThS. Nguyễn Thanh Đạm - Trưởng phòng Pháp chế CTCP Nhà Hòa Bình; Luật sư, ThS. Tô Đình Huy - Trưởng Văn phòng Luật sư Tô Đình Huy. 
 

TS. Nhan Cẩm Trí chia sẻ về ý nghĩa của talkshow ngành Luật trong thời đại 4.0 
 
Đồng hành với chương trình có TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, ThS. Mạch Trần Huy - Phó Chánh Văn phòng trường, ThS. Nguyễn Thị Kim Loan - Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp, ThS. Bùi Quang Đông - Trưởng phòng Công tác sinh viên, ThS. Vũ Anh Sao - Phó Trưởng khoa Luật cùng các bạn sinh viên tham dự. 
Mở đầu buổi chia sẻ, để sinh viên hiểu rõ hơn về “bức tranh" nghề nghiệp của ngành Luật, Luật sư Nguyễn Thanh Đạm đã cho biết học ngành Luật ra trường có thể làm nhiều vị trí: luật sư, thẩm phán, công chứng viên,... nhưng phải học thêm các lớp nghiệp vụ trước khi hành nghề. Sinh viên cần xác định tố chất của bản thân phù hợp với công việc nào trước khi lựa chọn.
Phân tích về sự khác nhau giữa luật sư tranh tụng và luật sư tư vấn, Luật sư Tô Đình Huy chia sẻ: “Luật sư tranh tụng sẽ tham gia vụ án dân sự, hình sự, thương mại tại tòa án, cơ quan tố tụng với vai trò bào chữa. Tham gia các buổi làm việc như lấy lời khai, hòa giải, thu thập chứng cứ, phiên tòa phúc thẩm, sơ thẩm,... Còn luật sư tư vấn sẽ tư vấn cho những khách hàng là cá nhân liên quan giao dịch dân sự, doanh nghiệp, đưa ra ý kiến pháp lý bằng lời nói hoặc văn bản để đề xuất phương án giải quyết vấn đề. Hai khía cạnh này khác nhau về đối tượng khách hàng và kỹ năng làm việc”.
Theo chia sẻ của Luật sư Đình Huy, luật sư tư vấn sẽ tương tác với khách hàng, còn luật sư tranh tụng phải tương tác thêm với cơ quan nhà nước và đối phương tranh tụng. Luật sư tư vấn thể hiện kỹ năng qua việc cung cấp ý kiến bằng lời nói và văn bản, luật sư tranh tụng thì phải tham gia phiên tòa theo trình tự thủ tục nhất định, phải nắm chắc quy định pháp luật về tố tụng. 
Trong khi đó, Luật sư Thanh Đạm cho biết thêm luật sư tư vấn có kiến rộng hơn về lĩnh vực đầu tư, kế toán, kinh tế,... Ở góc độ luật sư tư vấn, có thể tham gia tư vấn các hoạt động của doanh nghiệp đó.
 
 
Góc nhìn đa chiều từ hai luật sư giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp tương lai 
 
Hai luật sư cũng chia sẻ về những kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần từ một sinh viên ngành Luật, đó là đam mê, định hướng nghề nghiệp rõ ràng; chú trọng kiến thức pháp lý nền tảng; lập luận tư duy tốt; thái độ tốt; có khả năng ngoại ngữ. Dù chưa có kinh nghiệm, nhà tuyển dụng vẫn đánh giá cao kiến thức chuyên môn, đây là nền tảng cần thiết đầu tiên, nếu có ngoại ngữ là một lợi thế để phát triển nghề nghiệp.
Không ít sinh viên định hướng sẽ trở thành nhân viên pháp chế cho doanh nghiệp, Luật sư Thanh Đạm đã chia sẻ những yếu tố cần thiết cho công việc này là có kiến thức tổng quan về các lĩnh vực đầu tư, tài chính, doanh nghiệp; xác định con đường sự nghiệp gắn liền với doanh nghiệp; lựa chọn lĩnh vực chuyên môn thế mạnh; kinh nghiệm làm việc; xây dựng thương hiệu cho bản thân. 
Bên cạnh đó, Luật sư Đình Huy cũng phân tích về sự khác nhau giữa luật sư làm pháp chế doanh nghiệp và luật sư làm tại các tổ chức hành nghề luật sư để các bạn hình dung rõ hơn. 
Với nỗi lo AI sẽ thay thế nghề luật sư trong tương lai, hai diễn giả đều phủ nhận. Các công việc có thể bị thay thế bởi AI trong thời 4.0 là những ngành nghề bị chi phối nhiều bởi máy móc. Nghề luật sư phải đối mặt những tình huống pháp lý đa dạng, theo dòng chảy của thời gian nên AI không thể thay thế một luật sư. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ có tác động theo hướng tích cực, thay đổi phương thức làm việc giúp nhanh chóng hơn, chính xác hơn, giúp kết nối khoảng cách địa lý để công việc thuận lợi hơn. 
Bên cạnh chia sẻ của hai khách mời, các bạn sinh viên ngành Luật cũng được định hướng thời gian và chương trình thực tập từ ThS. Nguyễn Thị Kim Loan để có quá trình chuẩn bị tốt nhất. 
Hy vọng talkshow đã mang lại cho sinh viên ngành Luật nhiều góc nhìn sâu sắc, đa chiều về nghề nghiệp trong tương lai. Từ đó, các bạn có thể chuẩn bị hành trang từ kiến thức đến kỹ năng để chinh phục mục tiêu thành công. 
 
Nguyên Lê
TIN LIÊN QUAN