NCKH của người học

Nhiều khía cạnh trong nghiên cứu khoa học được chia sẻ đến sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật

10/12/2021
Năm học mới đã đi qua được một chặng đường. Dù trong bối cảnh dịch bệnh nhiều thách thức nhưng các hoạt động tại UEF vẫn diễn ra rất sôi nổi với tính thích ứng và sáng tạo cao. Trong đó, nghiên cứu khoa học là lĩnh vực luôn được các khoa chú trọng.
Nhằm trang bị cho sinh viên, đặc biệt là khóa 2021 những kiến thức nền tảng để bắt nhịp với phong trào này, khoa Ngôn ngữ và văn hóa quốc tế vừa tổ chức thành công workshop “Hướng dẫn phương pháp nghiên cứu khoa học cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật”. Những thông tin trong chương trình được chia sẻ bởi TS. Lê Duy Hưng vào chiều ngày 9/12 vừa qua. 
 

Hoạt động do TS. Lê Duy Hưng chủ trì, chia sẻ đến sinh viên nhiều thông tin bổ ích
 
Mở đầu chương trình, thầy Hưng đã nhắn gửi đến sinh viên tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học. Đây không chỉ là hoạt động hỗ trợ tích cực về mặt kiến thức cho người học mà còn là một điểm sáng trong CV tuyển dụng sau này. Đặc biệt, thầy cho biết, đối với người Nhật, khi làm việc thì cần có đến 60 kỹ năng, trong khi đó, ở nước ta, số lượng không nhiều như vậy. Mặc dù không thể giúp sinh viên bổ sung và phát triển đầy đủ con số nói trên nhưng nghiên cứu khoa học sẽ hỗ trợ các bạn khai phá những kỹ năng quan trọng và thiết yếu như: giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, quản lý thời gian, phân chia công việc,...
 

Với nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, diễn giả đã dùng những công trình của mình để làm ví dụ cho sinh viên
 
Theo đó, thầy đã giúp các bạn hiểu được bản chất của nghiên cứu khoa học và các vấn đề liên quan. Đồng thời, theo thầy, khi tham gia nghiên cứu khoa học, dù kết quả có như thế nào các bạn cũng sẽ được củng cố những kiến thức đã học, tiếp cận thêm kiến thức mới, thiết lập các mối quan hệ mới, xây dựng nền tảng hỗ trợ cho các công việc sau này. Riêng đối với sinh viên Ngôn ngữ Nhật, các bạn sẽ được cải thiện khả năng sử dụng, tư duy ngôn ngữ, tạo sự linh hoạt và thuần thục để khi tiếp cận cùng doanh nghiệp sẽ tạo được ấn tượng tốt. 


Chương trình thu hút sự tham gia của gần 100 bạn sinh viên
 
Một số phương pháp trong nghiên cứu đã được TS. Lê Duy Hưng hướng dẫn chi tiết đến sinh viên. Vì theo thầy, đây là yếu tố quan trọng sẽ quyết định đến kết quả của nghiên cứu. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều phương pháp khác nhau, song, phổ biến nhất vẫn là định lượng, định tính, quy nạp, diễn giải, thực nghiệm, phi thực nghiệm. Chất lượng của một đề tài nghiên cứu sẽ được đánh giá tốt nếu đảm bảo 5 tiêu chuẩn theo mô hình SWART (Specific, Measurable, Achievable, Reasonable và Timely). Để thực hiện một bài nghiên cứu, diễn giả khuyến khích sinh viên thực hiện tuần tự theo các bước: chọn đề tài, thu thập tài liệu, xác định vấn đề liên quan và lập đề cương.
Ngoài ra, trong chương trình, các bạn còn được thầy Lê Duy Hưng tạo điều kiện gặp gỡ cùng các khách mời - những người kết nối của tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản với chính sách như người bản xứ. Những vị khách đặc biệt đã giới thiệu đến UEFers cách đăng ký chương trình này. 
 




Các khách mời đã giới thiệu và hướng dẫn UEFers cách đăng ký chương trình làm việc tại Nhật Bản dưới sự hỗ trợ của tổ chức phi Chính phủ
 
Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng của sinh viên 4.0. Vì vậy, Nhà trường cùng các khoa luôn cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất để các bạn trau dồi kiến thức, kỹ năng nghiên cứu. Từ sự am hiểu bản chất của vấn đề, các bạn sẽ có động lực để bắt tay thực hiện nhiều công trình sáng tạo với hàm lượng khoa học cao. Nhiều UEFers cũng đã trở thành thành viên quan trọng của các tổ chức, doanh nghiệp nhờ bước đệm của hoạt động này. 
 
Quy Nguyễn
TIN LIÊN QUAN
Công bố Khoa học
Clarivate
Scopus
13
Năm xây dựng và phát triển
980+
Bài đăng trên tạp chí
380+
Lượt trích dẫn