Hội thảo khoa học

Hội thảo khoa học "NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CHO DOANH NGHIỆP VIỆT"

17/08/2018

Vào ngày 26/7, tại trường Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF) đã diễn ra hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam” do Khoa Kinh tế tổ chức. Hội thảo nhằm mang đến những giải pháp và hướng đi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao vị thế, năng lực để thích ứng với mức độ cạnh tranh ngày càng cao của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Buổi hội thảo có sự tham dự của Ban giám hiệu Nhà trường, lãnh đạo các khoa cùng đông đảo giảng viên khoa Kinh tế UEF và các thầy cô trường Đại học Ngân hàng có bài nghiên cứu đóng góp. Đặc biệt, hội hảo còn có sự góp mặt của đại diện từ phía doanh nghiệp gồm ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty Golden Land và ông Phạm Đức Linh – Giám đốc công ty Mai Trần.
Mở đầu buổi hội thảo, TS. Nhan Cẩm Trí - Trưởng khoa Kinh tế UEF khẳng định: “Nền kinh tế quốc tế ngày càng phát triển sâu rộng, đồng thời cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải cạnh tranh khốc liệt. Buổi hội thảo sẽ mang đến các giải pháp giúp những doanh nghiệp này nâng cao năng lực, tăng cường tính cạnh tranh”.


TS. Nhan Cẩm Trí nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp thiết của nội dung buổi hội thảo
Được phát động từ ngày 9/3/2018 đến ngày 31/6/2018, hội thảo khoa học đã nhận được 10 đề tài từ các tác giả và nhóm tác giả là các giảng viên cơ hữu của khoa Kinh tế cùng nghiên cứu viên của các đơn vị khác.
Trong số này có 4 đề tài tiêu biểu được chọn để đưa ra trình bày và thảo luận. Đó là 3 đề tài đến từ các giảng viên khoa Kinh tế UEF: “Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0”; “Thực trạng phát triển dịch vụ Ngân hàng điện tử trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam”; “Nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của các trường đại học tại Việt Nam thông qua kiểm định chất lượng chương trình đào tạo cấp quốc tế” và 1 đề tài phối hợp thực hiện với giảng viên trường Đại học Ngân hàng TP.HCM là “Khó khăn trong cạnh tranh của các ngân hàng thương mại cổ phần có qui mô nhỏ tại Việt Nam”.

Đáng chú ý, đề tài “Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0” nhận được rất nhiều sự quan tâm và đánh giá cao từ phía đại điện doanh nghiệp.

Đại diện phía doanh nghiệp đánh giá và góp ý cho các đề tài
Trong phần báo cáo của mình, TS. Lê Nghiêm Hoàng cũng chia sẻ: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có được những lợi thế riêng so với các doanh nghiệp lớn, nên xác định rõ ưu và nhược điểm của doanh nghiệp để có những kế hoạch phù hợp”.
Để tăng tính cạnh tranh, các doanh nghiệp cần xác định rõ tiềm lực, năng lực và các yếu tố cá nhân một cách chính xác, phân vùng và lựa chọn một khu vực hoặc địa phương nhất định phù hợp với doanh nghiệp để tăng cao năng lực cạnh tranh.
Có thể nói các đề tài nghiên cứu đã mở ra những giải pháp đa dạng và hiệu quả. Qua đó giúp các doanh nghiệp có được những lựa chọn, phương hướng phát triển và hoàn thiện năng lực cạnh tranh.
Sự hợp tác giữa các giảng viên, nghiên cứu viên và các doanh nghiệp giúp các công trình nghiên cứu khoa học có được đầy đủ các yếu tố thực tế, chính xác, phù hợp với tình hình của doanh nghiệp. Từ đó những công trình nghiên cứu này cũng sẽ là các đánh giá, dự đoán có độ chính xác cao, là nguồn giải pháp chất lượng cho doanh nghiệp áp dụng.
Một số hình ảnh khác của buổi hội thảo:



Tin: Minh Trí, Ảnh: Nhật An
 
TIN LIÊN QUAN