Trong khuôn khổ tuần lễ Le Cordon Bleu, các đầu bếp quốc tế đã có dịp đặt chân đến tỉnh Đồng Tháp, khám phá văn hóa ẩm thực nơi đây cùng các thành viên Nhà UEF.
Chương trình này được UEF phối hợp với Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong (MEFAST) tổ chức trong hai ngày.
Xuất phát từ 30/9 và kết thúc hành trình vào 1/10, đoàn đã đến thành phố Hồng Ngự và Cao Lãnh để trải nghiệm các đặc sản vùng miền, nghiên cứu công thức món ăn mới. Chuyến đi thực tế còn có sự đồng hành của đại diện UBND thành phố và nhiều đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Hành trình nhiều trải nghiệm thú vị cùng đoàn khách đến từ Le Cordon Bleu
Về phía UEF tham gia chuyến đi có: ThS. Nguyễn Viết Thủy - Phó Trưởng Khoa Quản trị du lịch - Khách sạn; ThS. Nguyễn Thị Kim Thoại - Phó Trưởng Khoa Quản trị du lịch - Khách sạn; TS. Đặng Anh Lực - Phó Trưởng Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông; ThS. Trần Trọng Thành - Giảng viên Khoa Quản trị du lịch - Khách sạn.
Đồng hành với chương trình còn có: ông Ngô Chí Công - Chủ tịch Hội ngành hàng sen Đồng Tháp; bà Châu Tiểu Ngọc - Giám đốc V-Horeca Ceramic Saigon; ông Phạm Quang Thanh Long - Chuyên gia Khoa học dinh dưỡng, Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và đào tạo Mekong; chị Nguyễn Mỹ Thanh Vi - Trợ lý Viện trưởng Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và đào tạo Mekong.
Các đầu bếp quốc tế tham gia trải nghiệm thực tế gồm có: ông Rodolphe Onno - Đầu bếp 3 sao Micheline, Giám đốc kỹ thuật trường Le Cordon Bleu Thái Lan; bà Miss Weerinat Suwanachuen - Giám đốc Marketing trường Le Cordon Bleu khu vực Đông Nam Á; ông Jong Hyun Lee - Chuyên gia trường Le Cordon Bleu khu vực Châu Á; ông Harvé Christian Rodriguez - Đầu bếp 1 sao Micheline, Chuyên gia nghiên cứu và phát triển Nghệ thuật ẩm thực Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và đào tạo Mekong; bà Sophie Rodriguez - Chuyên gia nghiên cứu và phát triển Nghệ thuật ẩm thực Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và đào tạo Mekong.
Khám phá nét đặc trưng trong ẩm thực tại thành phố Hồng Ngự
Ngày đầu tiên di chuyển từ Sài Gòn về Đồng Tháp, điểm đến đầu tiên của cả đoàn là thành phố Hồng Ngự. Tại đây, đoàn khách quốc tế được tham quan cơ sở nuôi lươn để tìm hiểu về mô hình nuôi tuần hoàn không bùn tại một hộ dân địa phương. Lươn cũng là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và có thể đa dạng hóa thành các món ăn mang những hương vị khác nhau. Đây là một trong những tư liệu đầu tiên mà các đầu bếp quốc tế “thu thập” được.
![]()
![]()
Tham quan trại nuôi lươn giống tại địa phương
Đoàn tiếp tục di chuyển đến một cơ sở sản xuất nước mắm cá linh. Đây là thương hiệu nước mắm sạch, không chất bảo quản, đậm đà hương vị phù sa. Với nguồn cá linh từ thiên nhiên vào mùa nước nổi, người dân nơi đây được phú cho lượng nguyên liệu dồi dào để tạo ra nhiều đặc sản mang đậm nét đặc trưng nơi này. Quy trình sản xuất nước mắm được chủ cơ sở giới thiệu rõ đến các vị khách, từ khâu chọn nguyên liệu, ủ cá cho đến việc chưng cất 3 năm, 6 năm và thậm chí là 10 năm để cung ứng ra thị trường những giọt nước mắm đậm đà nhất.
![]()
![]()
![]()
Cơ sở chế biến nước mắm cá linh đậm vị
Có một loại cá từ lâu đã gắn liền với cái tên của thành phố, trở thành biểu tượng của một vùng đất. Đó là cá tra Hồng Ngự. Chắc chắn đến đây các đầu bếp không thể bỏ qua loại thực phẩm này. Cả đoàn đã tiếp tục đến tham quan và tìm hiểu về cách nuôi và xuất khẩu cá tra ra thế giới. Với quy mô và diện tích lớn, các ao cá được nuôi theo tiêu chuẩn ASC đã hằng ngày cung ứng ra thị trường trong nước và thế giới. Các món ăn được chế biến từ loại cá này ngày càng trở nên đa dạng bởi thịt cá lành tính, ít xương và mùi vị đặc biệt.
![]()
![]()
Tham quan hồ cá tra được nuôi theo chuẩn ASC của người dân địa phương
Để thực tế hóa trải nghiệm tại những nơi đã đi qua, cả đoàn đã tham gia workshop: Đột phá ẩm thực vùng biên vươn ra biển lớn. Tại workshop, nhiều doanh nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm và bán cho khách tham quan. Mọi người đã cùng nhau tìm hiểu và thưởng thức các món đặc sản tại Hồng Ngự. Từ những sản phẩm được làm khô, đông lạnh cho đến các món ăn nóng hổi được thực hiện nay tại workshop đầy thú vị.
![]()
![]()
![]()
![]()
Thưởng thức những món ăn đặc sản của miền đất Đồng Tháp
![]()
![]()
Ông Lê Hà Luân - Bí thư Thành ủy thành phố Hồng Ngự gửi lời cảm ơn đến những “đại sứ” đã kết nối địa phương với bạn bè quốc tế
Những trải nghiệm thú vị gắn với mùa nước nổi miền Đồng Tháp
Đến Đồng Tháp vào đúng mùa nước nổi, đoàn khách đã được trải nghiệm đi thuyền trên sông Sở Thượng, dùng những món ăn dân dã của địa phương. Lướt trên mặt sông với thủy trình gần 10 cây số, những vị khách đến từ Pháp, Thái Lan và New Zealand này không khỏi thích thú.
![]()
![]()
Trải nghiệm đi thuyền trên sông, chiêm ngưỡng vẻ đẹp mùa nước nổi miền Tây
Ngồi trên thuyền, cả đoàn thưởng thức bánh bò, đậu phộng, củ ấu, hạt sen, khoai lang... cùng với tách trà sen đậm vị vùng đất này.
Đã từng thưởng thức bông Điên Điển trong các món ăn, nay được trực tiếp nhìn thấy ngay cạnh hai bên bờ sông, đoàn khách quốc tế đã trực tiếp mang loài hoa này về để nghiên cứu. Hy vọng sẽ có nhiều đột phá trong ẩm thực trong tương lai với sắc hoa vàng này.
Thưởng thức những món ăn dân dã của miền quê Việt Nam
Khám phá thêm vẻ đẹp tại vùng đất Sen hồng
Hành trình ngày thứ hai bắt đầu tại thành phố Cao Lãnh - vùng đất Sen hồng. Đoàn đầu bếp quốc tế tiếp tục khám phá loài hoa này. Không những đẹp về vẻ ngoài, tinh khiết từ bên trong mà những gì từ sen cũng đều hữu dụng. Từ củ sen, hạt sen, ngó sen,... là đã có thể tạo ra muôn vàn món ăn khác nhau. Sự đa dạng này làm cho các đầu bếp ngoại quốc rất thích và mong muốn trải nghiệm nhiều hơn.
![]()
![]()
![]()
Đoàn khách thử vị các món ăn, thức uống được chế biến từ sen
Tại cơ sở của Hội ngành hàng Sen Đồng Tháp, cả đoàn đã được hưởng thức ấm trà sen thơm lừng và cùng nhâm nhi hạt sen, dùng chả cuốn hoa sen. Vị rất lạ, nhưng rất ngon, các đầu bếp chia sẻ. Đến đây, các vị khách quốc tế cũng được giới thiệu về vùng trồng sen và quá trình đưa hình ảnh của sen trở thành một biểu tượng của Đồng Tháp.
Những bộ phận khác của sen như thân, lá cũng được xử lý để trở thành những vật hữu dụng. Để thấy rõ được điều này, mọi người đã bắt tay vào làm những món đồ trang trí từ lá sen và trải nghiệm kéo tơ từ thân sen. Lá sen qua xử lý và nhuộm màu trở nên mắt mắt, có thể dùng để làm quạt, trang trí bìa sổ tay, túi xách, nón lá,... Cả đoàn hào hứng trải nghiệm, sáng tạo những nét nghệ thuật mang đậm nét riêng trên từng sản phẩm. Mọi sản phẩm khách thực hiện đều được mang về làm quà lưu niệm.
![]()
![]()
![]()
Bắt tay trang trí làm quà lưu niệm thông qua những chất liệu từ sen
Một chuyến đi rất nhiều trải nghiệm đặc sắc và thú vị. Đại diện trường Le Cordon Bleu, ông Jong Hyun Lee đã gửi lời cảm ơn chân thành đến đơn vị tổ chức và đồng hành đã tạo nên một hành trình ý nghĩa như thế này. Và chắc chắn, với những gì tích lũy được trong chuyến đi, đoàn sẽ mang về nước và tiếp tục nghiên cứu, từ đó tạo ra nhiều công thức ẩm thực mới trao gửi lại cho địa phương. Điều này sẽ góp phần vào sự phát triển văn hóa ẩm thực nơi đây.
![]()
UEF trao thư cảm ơn đến đoàn khách quốc tế đã mang đến Tuần lễ Le Cordon Bleu với nhiều hoạt động bổ ích
Hành trình hai ngày một đêm tại đất Đồng Tháp khép lại với nhiều kỷ niệm và trải nghiệm giá trị cho cả địa phương và đoàn khách quốc tế. Tuần lễ Le Cordon Bleu cũng chính thức kết thúc. UEF gửi lời cảm ơn đến các đầu bếp thế giới đã đến trường, mang theo nhiều kiến thức bổ ích về ẩm thực chia sẻ đến sinh viên và các đầu bếp Việt Nam; nâng tầm chất lượng đào tạo trong lĩnh vực nhà hàng - khách sạn. Hy vọng trong tương lai, UEF và Le Cordon Bleu sẽ tiếp tục hợp tác, tạo ra nhiều hoạt động ẩm thực thú vị và quy mô hơn nữa.
Tấn Phát
Ảnh: Minh Thiện