Menu
  
Tin tức sự kiện

Sinh viên Khoa Kinh tế tìm hiểu về hợp đồng ngoại thương trong thực tế cùng chuyên gia

28/05/2024
Nghiệp vụ ngoại thương hay còn gọi là nghiệp vụ xuất nhập khẩu là những hoạt động liên quan đến việc kinh doanh hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia. Những hoạt động này bao gồm nhiều khía cạnh như quản lý quá trình xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế, vận chuyển và bảo hiểm, thủ tục hải quan,... Nhằm cung cấp cho sinh viên cái nhìn thực tế trong ngành, Khoa Kinh tế đã tổ chức buổi báo cáo chuyên đề với chủ đề “Hợp đồng ngoại thương: đọc, hiểu và vận dụng vào thực tế" vào tối 27/5. 
 
Hoạt động báo cáo chuyên đề được tổ chức thường niên giúp sinh viên tiếp cận kiến thức thực tế hiệu quả

Với chủ đề này, sinh viên Khoa Kinh tế đã được gặp gỡ ông Võ Thanh Tú - Ceo Onex Logistics, Founder Viện đào tạo Logistics Onex Training. Diễn giả là chuyên gia lâu năm trong nghề với vai trò tư vấn các hợp đồng hải quan, xuất nhập khẩu. Đây cũng là chủ đề được sinh viên quan tâm khi thị trường này ngày càng có nhiều biến động liên tục.
Diễn giả Thanh tú đã giúp sinh viên có góc nhìn tổng thể về việc lập kế hoạch dự án, vai trò cực kỳ quan trọng của hợp đồng ngoại thương trong việc đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia trong hoạt động kinh doanh trong nước lẫn quốc tế. Mục đích của hợp đồng ngoại thương không chỉ dừng lại ở việc thống nhất các điều khoản giao dịch mà còn hướng tới việc xác định rõ ràng trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, từ đó đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong kinh doanh.
Theo ông chia sẻ, hợp đồng ngoại thương giúp các bên hiểu rõ giá trị của hàng hóa, định rõ các tiêu chuẩn chất lượng, các điều kiện giao hàng và phương thức thanh toán. Đây chính là "luật chơi" mà các bên cùng tuân thủ để đạt được "nụ cười win-win" khi kết thúc giao dịch. Hợp đồng này cũng là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp nếu có xảy ra.
 

UEFers tìm hiểu về tầm quan trọng của hợp động ngoại thương trong kinh doanh thực tế

Hợp đồng ngoại thương có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào tính chất giao dịch và yêu cầu của các bên. Một số hình thức hợp đồng phổ biến bao gồm hợp đồng mua bán, hợp đồng đại lý, và hợp đồng logistics. Khi tiếp nhận một hợp đồng ngoại thương, việc kiểm tra cấu trúc và đọc kỹ từng điều khoản là rất quan trọng. Ông cũng đưa ra nhiều case study khác nhau để các bạn sinh viên có thể đưa ra phương án xử lý đa dạng như vấn đề từ hàng hóa nhà cung cấp, thời gian lưu kho do vấn đề pháp lý, các tình huống cháy nổ trong quy trình vận chuyển,...
Trước khi kết thúc phần chia sẻ của mình, diễn giả Thanh Tú nhấn mạnh tầm quan trọng của con người trong kinh doanh: “Trong mọi hoạt động kinh doanh, con người luôn là yếu tố quan trọng nhất. Một hợp đồng ngoại thương không chỉ là các điều khoản pháp lý khô khan mà còn là sự kết nối giữa con người với con người, giữa những đối tác tin tưởng lẫn nhau. Việc thiết lập một mối quan hệ kinh doanh bền vững, dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, sẽ tạo ra giá trị lâu dài và giúp các bên vượt qua mọi khó khăn và rủi ro trong thương trường.”
 

Sinh viên tự tin thể hiện kiến thức mình đã học và đặt ra nhiều vấn đề hay trước tình huống mà diễn giả đưa ra 

Các buổi báo cáo chuyên đề không chỉ mang đến cho sinh viên ngành Logistics những kiến thức thực tế quý báu mà còn mở ra cơ hội kết nối với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực. Qua đó, các bạn sinh viên nắm vững kiến thức lý thuyết, trang bị những kinh nghiệm thực tế, chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với những thách thức trong môi trường làm việc tương lai. Những kiến thức và kỹ năng này sẽ là hành trang vững chắc, giúp sinh viên tự tin và chủ động hơn trong sự nghiệp của mình, góp phần xây dựng và phát triển ngành Logistics một cách bền vững.
 
TT.TT.TT
TIN LIÊN QUAN