Trong bối cảnh nền công nghiệp giải trí và truyền thông phát triển mạnh mẽ, nhu cầu về những sản phẩm chất lượng, sáng tạo ngày càng cao. Việc hiểu và áp dụng kỹ năng chuyển hóa ý tưởng thành hình ảnh hay thước phim một cách chính xác, logic ngay từ giảng đường đóng vai trò quan trọng, giúp sinh viên rèn luyện tư duy sáng tạo, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình làm nghề sau này.
Hiểu được điều đó, chiều ngày 21/3 vừa qua, Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông (PRC) đã tổ chức buổi workshop "Kỹ năng triển khai ý tưởng trong kịch bản điện ảnh" với sự dẫn dắt của đạo diễn Nguyễn Thành Chánh Trực - Giảng viên Đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM.
Buổi workshop mở rộng góc nhìn thực tế giúp UEFers phát triển tư duy kịch bản và triển khai ý tưởng sáng tạo
Tham dự chương trình có TS. Đặng Anh Lực - Phó Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, ThS. Nguyễn Phát Tài - Giảng viên khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông.
Đại diện Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông trao thư cảm ơn đến diễn giả
Dù ở lĩnh vực điện ảnh, truyền hình hay sân khấu, một kịch bản hay không chỉ dựa vào ý tưởng sáng tạo mà còn phụ thuộc vào cách xây dựng bố cục hợp lý, chặt chẽ. Nói cách khác, để một bộ phim có thể lôi cuốn khán giả, bố cục kịch bản là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên nhịp điệu, phát triển tình huống và đẩy cảm xúc lên cao trào.
Tại buổi workshop, đạo diễn Nguyễn Thành Chánh Trực đã tập trung phân tích chuyên sâu về bố cục kịch bản - yếu tố quyết định sự hấp dẫn của một tác phẩm điện ảnh. Theo diễn giả, một bộ phim có sức hút phải được xây dựng dựa trên một cấu trúc rõ ràng với các phần chính bao gồm: mở đầu (giao đãi), mâu thuẫn, xung đột, cao trào và kết thúc. Mỗi phần đều có vai trò nhất định trong việc định hình nội dung và cảm xúc của tác phẩm. Nếu một kịch bản thiếu đi sự xung đột hoặc cao trào không đủ mạnh, bộ phim sẽ trở nên rời rạc, thiếu điểm nhấn.
Diễn giả chia sẻ kiến thức chuyên sâu và những kinh nghiệm thực tiễn về cách xây dựng bố cục kịch bản
Diễn giả cũng nhấn mạnh rằng, để tạo ra một câu chuyện hay, cần phải tập trung vào nhân vật. Nhân vật chính là người dẫn dắt câu chuyện, là cầu nối để khán giả đồng cảm, thấu hiểu và ghi nhớ nội dung bộ phim. Một nhân vật có tính cách rõ ràng, hoàn cảnh đặc biệt và hành trình phát triển hợp lý sẽ giúp khán giả cảm nhận được sự chân thực, từ đó tạo nên sự lôi cuốn tự nhiên trong tác phẩm. Ngoài ra, việc sắp xếp các sự kiện trong kịch bản theo trình tự hợp lý, có sự liên kết chặt chẽ cũng là một yếu tố không thể thiếu để duy trì mạch cảm xúc xuyên suốt bộ phim.
Để giúp UEFers hình dung rõ hơn, đạo diễn Chánh Trực đã đưa ra nhiều ví dụ thực tế về các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng, phân tích cách các đạo diễn xây dựng bố cục kịch bản để tối ưu hiệu quả kể chuyện. Đồng thời, diễn giả cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc điều chỉnh, biên tập kịch bản để tăng tính kịch tính, tạo bất ngờ cho khán giả.
Sinh viên Nhà PRC chăm chú lắng nghe, tích cực tương tác cùng diễn giả
Ngoài những kiến thức chuyên môn, workshop cũng là cơ hội để sinh viên trực tiếp đặt câu hỏi và nhận được sự giải đáp từ đạo diễn Chánh Trực về những vấn đề thực tế trong ngành, như cách đối mặt với thất bại, vượt qua giai đoạn mất cảm hứng sáng tạo, duy trì động lực trong quá trình làm nghề,... Những chia sẻ chân thành và kinh nghiệm thực tế của diễn giả vừa giúp sinh viên Nhà PRC hiểu sâu hơn về kỹ thuật xây dựng kịch bản, vừa mang lại góc nhìn thực tiễn về ngành công nghiệp điện ảnh và truyền thông.
Buổi workshop đã mang đến cho sinh viên những bài học giá trị về xây dựng bố cục kịch bản, tư duy hình ảnh và cách triển khai ý tưởng một cách mạch lạc. Tin rằng, đây là cơ hội tốt để UEFers nâng cao kiến thức, lĩnh hội kinh nghiệm thực tiễn từ chuyên gia, từ đây chuẩn bị hành trang vững chắc cho hành trình bước vào ngành công nghiệp sáng tạo.
TT.TT-TT