Menu
  
Tin tức sự kiện

UEFers có thêm góc nhìn thực tế về Wealth Management từ chia sẻ của chuyên gia tài chính

01/07/2022
Wealth Management - Quản lý tài sản là một ngành nghề liên quan đến tài chính ngân hàng và còn khá mới mẻ ở nước ta hiện nay. Khi lĩnh vực tài chính ở Việt Nam được chuyên nghiệp hóa, các nhà đầu tư sẽ càng cần đến đội ngũ quản lý tài sản bởi chính họ sẽ giúp khách hàng và doanh nghiệp có những bước đi chắc chắn trong kinh doanh.
Nhằm giúp cho các bạn sinh viên UEF nói chung cũng như ngành Tài chính - Ngân hàng nói riêng cập nhật thêm những kiến thức về lĩnh vực này, đồng thời kết nối doanh nghiệp với người học, giúp UEFers sớm nhận diện được con đường đi phù hợp để phát triển sự nghiệp một cách dễ dàng và bền vững, Khoa Tài chính - Thương Mại đã tổ chức buổi hội thảo “Wealth Management” vào sáng nay - 1/7.
 
Buổi hội thảo diễn ra với sự tham gia của đông đảo UEFers
 
Diễn giả chia sẻ cùng UEFers là ThS. Trần Công Danh – Giám đốc khu vực, Tập đoàn tài chính KSFINANCE. Về phía UEF có sự tham dự của TS. Nhan Cẩm Trí – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Hà Thị Thủy – Phó Trưởng khoa Tài chính – Thương mại; ThS. Tăng Mỹ Sang – Phó Trưởng khoa Tài chính – Thương mại; ThS. Nguyễn Thanh Lâm – Trợ lý Trưởng khoa Tài chính – Thương mại và ThS. Trần Minh Tú – Giảng viên Khoa.
 
 
Đại diện khoa trao hoa và thư cảm ơn đến diễn giả
 
Mở đầu hội thảo, TS. Nhan Cẩm Trí chia sẻ: “Tại UEF, hàng loạt hoạt động học thuật, cuộc thi, hội thảo,... diễn ra xuyên suốt trong năm học. Các hoạt động học thuật luôn được các thầy cô UEF quan tâm và Khoa Tài chính – Thương mại luôn luôn đầu tư vào các hoạt động này. Ngoài kiến thức từ sách vở, các bạn còn được tiếp thu một lượng lớn kiến thức, kinh nghiệm từ bên ngoài, giúp các bạn phát triển toàn diện. Và thầy cũng mong rằng qua buổi hội thảo ngày hôm nay, với những chia sẻ đến từ diễn giả, các bạn sinh viên sẽ hiểu rõ hơn về ngành nghề mới đầy triển vọng này.”
 
 
TS. Nhan Cẩm Trí phát biểu mở đầu hội thảo
 
Tại hội thảo, anh Công Danh đã chia sẻ sơ bộ về định nghĩa Wealth Management. Đây là loại dịch vụ tư vấn kết hợp dịch vụ tài chính được cung cấp bởi các chuyên gia quản lý tài chính chuyên nghiệp để giải quyết các nhu cầu của khách hàng thuộc giới “giàu và siêu giàu”. Những người làm việc ở ngành này phải sử dụng quy trình tư vấn, cố vấn thu thập thông tin về mong muốn và tình huống cụ thể của khách hàng, sau đó điều chỉnh chiến lược được cá nhân hóa sử dụng nhiều loại sản phẩm và dịch vụ tài chính. Thuật ngữ này được áp dụng cho cả tài sản hữu hình (đất đai) và các tài sản vô hình (con người, sở hữu trí tuệ, tài sản tài chính). Quá trình quản lý tài sản là một quá trình có hệ thống để phát triển, vận hành, duy trì, nâng cấp và loại bỏ tài sản một cách có hiệu quả.
Tiếp đến, diễn giả cũng giới thiệu đối tượng khách hàng được hướng tới trong ngành này, đó là những người thuộc hai nhóm sau: High – Net – Worth Individual (HNWI) với mức tài sản sở hữu từ 5 triệu USD và Ultra - High – Net – Worth Individual với mức (HNWI) tài sản sở hữu từ 30 triệu USD. Tùy vào mức độ đánh giá của tổ chức, khu vực, quốc gia và loại hình sản phẩm dịch vụ, từ đó sẽ có phân loại nhóm khách hàng, điều kiện dịch vụ khác nhau.
 
 


ThS. Trần Công Danh chia sẻ những kinh nghiệm bổ ích đến sinh viên Nhà UEF
 
Khi hoạt động với tư cách là một Wealth Advisor, các bạn sẽ có được rất nhiều cơ hội mới và đầy hấp dẫn như tiếp xúc, làm việc cùng những khách hàng có điều kiện; có được những trải nghiệm cùng phong cách sống mới mẻ. Hơn hết là các bạn có được cho bản thân những mối hợp tác vô cùng chất lượng. Tất nhiên, việc xảy ra những rủi ro là không thể tránh khỏi. Điều này bắt buộc các bạn khi hoạt động trong ngành này phải đáp ứng được 2 yêu cầu chính là vững kiến thức và kỹ năng. Diễn giả cũng chia sẻ thêm: “Khi hợp tác với khách hàng, điều quan trọng nhất là sự “chân thành”. Anh luôn luôn tâm đắc với người biết sống chân thành, đem sự chân thành đó vào công việc thì sẽ có thể đạt được thành công trong nhiều lĩnh vực. Sống chân thành đôi khi còn là một thước đo tiêu chuẩn về nhân cách và cả tác phong làm việc, sẽ chẳng ai muốn hợp tác với một nhân viên không có sự chân thành dành cho công việc và cũng chẳng một ông chủ nào lại muốn thuê một người có tác phong làm việc không nghiêm túc.”
Một cố vấn quản lý tài sản cần những cá nhân giàu có, nhưng không phải tất cả các cá nhân giàu có đều cần một cố vấn quản lí tài sản. Dịch vụ này thường thích hợp cho các cá nhân với nhiều nhu cầu đa dạng.
 
 


Thắc mắc của UEFers được khách mời giải đáp chi tiết
 
Trước khi kết thúc buổi hội thảo, báo cáo viên cũng đã giải đáp thắc mắc của các bạn sinh viên về những kỹ năng cần thiết cho ngành nghề, cơ hội làm việc, tâm lý khách hàng,... Anh cũng bày tỏ mong muốn được đón tiếp các bạn sinh viên Nhà UEF tham quan và thực tập tại tập đoàn trong tương lai sắp tới.
 
 
TS. Hà Thị Thủy gửi lời cảm ơn đến diễn giả
 
Đại diện Khoa Tài chính – Thương mại, TS. Hà Thị Thủy đã gửi lời cảm ơn đến diễn giả vì những chia sẻ nhiệt tình, mang đến góc nhìn mới về ngành nghề quản lý tài sản đến với sinh viên. Qua buổi hội thảo, các bạn sinh viên sẽ có thêm tư liệu thực tế và những góc nhìn mới để hiểu rõ hơn về ngành này cũng như có thể phát triển bản thân trong tương lai.
 
Tin: Vinh Thư
Ảnh: Hữu Bắc
TIN LIÊN QUAN