Menu
  
Tin tuyển sinh

Ngành Công nghệ tài chính khác ngành Tài chính - Ngân hàng như thế nào?

05/01/2022
Trong sự đa dạng của bản đồ ngành nghề hiện nay, nhiều ngành học mới nghe qua có vẻ giống nhau khiến nhiều thí sinh khá bối rối khi chọn lựa. Một trong những ngành như vậy là Công nghệ tài chính và Tài chính - Ngân hàng. Để hiểu được ngành Công nghệ tài chính khác ngành Tài chính - Ngân hàng như thế nào, mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 
 

Ngành Công nghệ tài chính và Tài chính - Ngân hàng được hiểu như thế nào? 

 
Công nghệ tài chính (Fintech) là một ngành kết hợp giữa các mảng công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu và tài chính. Các hoạt động công nghệ tài chính hiện nay gắn liền với sự ra đời và ứng dụng của công nghệ chuỗi khối, phân tích dữ liệu lớn, trực quan hóa dữ liệu, trí tuệ nhân tạo,… Những công cụ này đã và đang đóng vai trò là chất xúc tác tạo đổi mới đáng kể trong ngành dịch vụ tài chính.
Còn Tài chính - Ngân hàng là một ngành khá rộng, liên quan đến tất cả các dịch vụ giao dịch tài chính, lưu thông và vận hành tiền tệ. Một cách dễ hiểu, Tài chính - Ngân hàng là kinh doanh về lĩnh vực tiền tệ thông qua ngân hàng và các công cụ tài chính được ngân hàng phát hành nhằm bảo lãnh, thanh toán, chi trả trong nội địa và quốc tế. 
Liên quan đến Tài chính - Ngân hàng còn rất nhiều lĩnh vực chuyên sâu như: Tài chính doanh nghiệp, Tài chính bảo hiểm, Tài chính thuế, chuyên ngành Phân tích tài chính, Kinh tế học tài chính…
 
 
Thí sinh cần tìm hiểu ngành Công nghệ tài chính khác ngành Tài chính - Ngân hàng như thế nào để tránh nhầm lẫn
 

Chương trình học của ngành Công nghệ tài chính và Tài chính - Ngân hàng ra sao? 

 
Đối với ngành Công nghệ tài chính, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức nền tảng về kinh tế, kinh doanh, tài chính - ngân hàng; các kiến thức về công nghệ, khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, công cụ toán học và thống kê ứng dụng trong lĩnh vực tài chính.
Ngoài ra, sinh viên còn được rèn luyện đầy đủ các kỹ năng cần thiết, thái độ làm việc để đủ năng lực làm việc và thích ứng với môi trường thay đổi nhanh chóng của các tổ chức tài chính, tổ chức công nghệ tài chính.
Các môn học chuyên ngành tiêu biểu: Quản trị tài chính doanh nghiệp, Phát triển hệ thống thương mại điện tử, Trí tuệ nhân tạo, Tiền số và công nghệ Blockchain,...
Còn với ngành Tài chính - Ngân hàng, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức về lĩnh vực phân tích tài chính và đầu tư trên thị trường vốn, thị trường tiền tệ trong quá trình toàn cầu hóa; Nắm bắt kiến thức vững chắc về thực hành các nghiệp vụ trong ngân hàng thương mại hiện đại; có chuyên môn sâu về phân tích, dự báo liên quan đến tài chính, tiền tệ nhằm đưa ra quyết định trong quản trị tài chính.
Bên cạnh đó, người học còn được rèn luyện về bản lĩnh và khả năng tự nghiên cứu khi gặp vấn đề mới, đối đầu và ứng biến nhạy bén khi có rủi ro phát sinh liên quan đến tài chính, tiền tệ.
Một số môn học tiêu biểu như: Nhập môn tài chính doanh nghiệp, Nguyên lý kế toán, Nguyên lý thống kê, Quản trị học, Tài chính quốc tế, Tài chính doanh nghiệp, Thị trường tài chính, Tài chính công ty đa quốc gia, Thẩm định tín dụng, Thanh toán quốc tế,...
 

Phân biệt vị trí công việc của ngành Công nghệ tài chính và Tài chính - Ngân hàng

 
Với chương trình đào tạo có những đặc trưng riêng, sinh viên tốt nghiệp 2 ngành Công nghệ tài chính và Tài chính - Ngân hàng có những cơ hội việc làm như sau:
Cử nhân ngành Công nghệ tài chính có cơ hội phát triển bản thân qua các vị trí công việc: 
- Chuyên viên hoạch định chiến lược, quản lý, kiểm soát hệ thống tài chính tại các cơ quan quản lý tài chính nhà nước Việt Nam; các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực; các cơ quan/tổ chức nghiên cứu phát triển công nghệ, các phòng thí nghiệm sáng tạo,...
- Chuyên viên công nghệ tài chính, phát triển công nghệ tài chính, phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính mới tại các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán; 
- Chuyên viên làm việc tại các công ty phát triển công nghệ, các công ty công nghệ tài chính, các công ty phát triển phần mềm, các công ty cung ứng dịch vụ cho thị trường tài chính; 
- Làm chủ các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính; 
- Giảng viên và nghiên cứu viên tại các trường đại học, viện nghiên cứu,...
Cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng có thể đảm nhận những vị trí công việc: 
- Chuyên viên tín dụng ngân hàng; Chuyên viên kế toán, kiểm toán nội bộ ngân hàng thương mại; kế toán viên phòng thanh toán quốc tế, nhân viên kinh doanh ngoại tệ
- Chuyên viên kinh doanh tiền tệ; Chuyên viên quản trị tài sản và nguồn vốn;- Chuyên viên tài trợ thương mại;
- Chuyên viên phân tích tài chính doanh nghiệp; Chuyên viên định giá tài sản; Chuyên viên mua bán, sát nhập doanh nghiệp,…
- Giảng viên ngành Tài chính – ngân hàng
Sau khi tìm hiểu các thông tin trên, hy vọng các bạn đã hình dung được ngành Công nghệ tài chính khác ngành Tài chính - Ngân hàng như thế nào, đây là cơ sở giúp các bạn đưa ra lựa chọn ngành nghề phù hợp trong tương lai. 
 
Kim Bằng
TIN LIÊN QUAN