Hoạt động sinh viên

Đại học không đơn thuần là cấp bậc sau THPT

09/10/2017

UEF, ngày 07/10/2017

Mỗi gương mặt “tân binh” Khoa TT-CNTT là một cá tính riêng biệt, mới mẻ và độc đáo. Các bạn có thế mạnh riêng, năng khiếu riêng cũng như những tâm tư tình cảm dành cho ngôi nhà chung UEF. Trong chương trình chào đón tân sinh viên của Khoa, Mỹ Ngọc – một trong hai gương mặt đại diện các “tân binh” - đã gửi những tâm tư đến trường lớp, thầy cô. Vì thời lượng chương trình có hạn, bạn không thể nói hết được suy nghĩ của mình nên chúng tôi xin đăng lại toàn văn, với mong muốn chia sẻ với thầy cô, nhà trường và các bạn SV đôi điều gửi gắm của “tân binh” Khoa TT-CNTT.
Điều sinh viên được trang bị và đạt được trong môi trường đại học
Đó không chỉ là kiến thức chuyên môn mà còn là khả năng ngoại ngữ; đặc biệt, đối với hệ thống đại học chuẩn quốc tế, SV còn được yêu cầu đến mức độ lưu loát. Một môi trường học tập tự chủ về thời gian, tự chủ về chính kiến sẽ giúp SV rèn luyện tính độc lập cao. Nếu ở bậc THPT, học sinh chủ yếu tiếp nhận kiến thức một chiều thì SV đại học được trang bị kiến thức để có cách nhìn đa diện, áp dụng vào thực tế, thể hiện ngay từ những môn đại cương. “Danh giá” trong thời kì xã hội phát triển, hội nhập quốc tế là điều SV sẽ có được khi cầm trong tay tấm bằng ĐH.
Điều sinh viên phải biết tự giác thu nhặt cho bản thân
Trước hết, đó là tinh thần ham muốn học hỏi và đạt được kiến thức. SV cần nhận thức giá trị chỗ đứng của bản thân trong xã hội, lập kế hoạch cho tương lai. Đồng thời, SV phải có lập trường vững chắc để không sa đà vào “ăn chơi”, vì trong môi trường mới sẽ dễ sa ngã. Rèn luyện tác phong của người trưởng thành, có thể chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình là điều quan trọng. Và chúng ta cũng đừng mộng tưởng về “bản thân hoàn hảo” hay “ thế này là được”, mà hãy thay bằng việc trực tiếp chứng minh mình.

Mỹ Ngọc - “tân binh” Khoa TT-CNTT - thông thạo tiếng Anh, Hàn, Pháp; Ngọc vừa học năm nhất UEF, năm tư ĐH KHXHNV vừa làm thông dịch viên và dạy tiếng Hàn.
 
Điều sinh viên cần sau đại học
Sau đại học, SV không cần nói đến các kĩ năng mềm như: giao tiếp, nói trước đám đông, thuyết trình, làm việc nhóm… bởi đây là điều hiển nhiên nhưng không còn thu hút vì các bạn đã được nghe ở tất cả các mục quảng bá của hệ thống trường lớp. Mà hơn thế, SV cần được tăng cường thực tập, trải nghiệm thực tế; không phải tỉ lệ lí thuyết – thực hành là 60% - 40% nữa mà nên là 50% – 50%, thậm chí 40% – 60% hoặc 70% – 30%.
Nhà trường nên tổ chức những ngày hội việc làm để SV rèn luyện kĩ năng phỏng vấn. Đồng thời, có thêm các lớp tâm lí như: chịu đựng sức ép công việc, vững tinh thần khi không tìm được việc làm, thái độ với đồng nghiệp và cấp trên, thúc đẩy đam mê và ý thức tương lai,…
Điều mong mỏi về trường và giảng viên
Thầy cô đứng trên bục giảng hãy là người khơi hứng học tập, xóa bỏ cảm giác nặng nề của SV khi đến trường; đồng thời phải có sự hợp tác, lắng nghe của SV. Sẽ rất tốt nếu thầy cô không duy trì khoảng cách quá lớn để SV không thấy sợ khi đặt câu hỏi hay nói lên chủ kiến. Bên cạnh đó, Nhà trường có thể mở rộng hình thức đóng học phí bằng cách trả góp không lãi suất.
Cách nhìn của bản thân
Dưới góc độ cá nhân, tôi nhận thấy SV luôn đổ lỗi cho trường học đào tạo kém, và ngược lại, giảng viên hay trường ĐH cũng thường đổ lỗi do SV kém và không chịu học, để rồi bản thân SV sau tốt nghiệp không đủ khả năng tìm kế sinh nhai. Tuy nhiên, ít ai có thể phản tỉnh mình rằng mình đã không cố gắng chuyên tâm trong suốt quá trình tham gia đào tạo chính quy. Không có trường học nào không có đủ kiến thức cho SV mà là do SV không tìm thấy. SV học tập đại học không đơn thuần là cho bản thân mà còn là học cho gia đình, học vì sự phát triển xã hội và học để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Nhưng học chỉ có hiệu quả khi xuất phát điểm của nó là lúc SV nhận ra tầm quan trọng thật sự của việc học cho tương lai chứ không đơn thuần là bề nổi của tấm bằng tốt nghiệp.
Đôi nét về Lê Thị Mỹ Ngọc
Mỹ Ngọc là sinh viên năm nhất ngành PR - UEF, đồng thời là SV năm tư ngành Ngữ văn Pháp, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Cũng như các “tân binh” khác, Ngọc có đam mê dấn thân vào thế giới PR đầy thử thách và cũng lắm ngọt ngào. Đặc biệt là cô sinh viên bé nhỏ này thông thạo cả tiếng Anh, tiếng Hàn lẫn tiếng Pháp. Và một điều thú vị nữa là đã Ngọc nhận học bổng 100% với số điểm đầu vào cực cao - 28.8. Hiện tại, bạn không chỉ hai buổi đến trường UEF, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – dù đối với người khác, thế đã “đuối” lắm rồi - Ngọc còn sắp xếp thời gian đi làm thông dịch viên và đi dạy tiếng Hàn để tự trang trải mọi chi phí sinh hoạt.
 
Lê Thị Mỹ Ngọc
Tân SV Khoa TT-CNTT
TIN LIÊN QUAN